Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ bị đánh ghen ngay tại sảnh tòa nhà chung cư tại Hà Nội.
Theo nội dung đoạn clip, trong lúc người phụ nữ vừa từ trong rạp phim bước ra cùng người đàn ông thì bị hai cô em gái vợ của người đàn ông này xông vào túm tóc, đánh đấm bất chấp sự can ngăn của những người xung quanh. Không chỉ vậy, một người khác còn quay clip và đăng tải lên mạng xã hội để cộng đồng mạng chứng kiến.
Được biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, bảo vệ tòa nhà đã nhanh chóng can thiệp và thông báo đến cơ quan công an, sau đó người bị đánh ghen đã được giải vây và được cảnh sát đưa về trụ sở công an phường.
Sau khi các thông tin cùng đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội, đã có rất nhiều bình luận chỉ trích hành vi không đứng đắn của người chồng cùng tình nhân cũng như cảm thông cho hoàn cảnh mà người vợ phải đối mặt. Tuy nhiên, cùng với đó, cũng có những ý kiến cho rằng, người vợ cũng nên giải quyết sự việc bằng một cách khác, tránh "cả giận mất khôn" và vướng vào vòng lao lý bởi những ngôn từ và hành động có khả năng vi phạm pháp luật.
Theo dõi vụ việc và những trường hợp tương tự, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc đăng tải các clip, hình ảnh đánh ghen trên mạng xã hội đã nên phổ biến, làm tiền đề phát sinh nhiều bình luận tiêu cực nhằm xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm và uy tín của các cá nhân có liên quan.
"Theo điều 21 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Theo khoản 1, 3 điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".
Theo luật sư Bình, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo khoản 5 và 6 điều 4 Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021) về quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân bao gồm: Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; tung tin giả, tin sai sự thật... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
"Giả sử trong clip này có những lời nói mang tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có)".
Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật nhấn mạnh và cho biết thêm, theo điểm a khoản 1 và khoản 3 điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội,
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 2 lần cá nhân vi phạm.
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 155 hoặc Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội làm nhục người khác.
Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 05 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
"Từ tình huống trên, mọi người cần giữ sự bình tĩnh, giải quyết sự việc theo khuôn khổ của pháp luật để tránh phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có thậm chí là vướng vào vòng lao lý", luật sư Bình đưa ra lời khuyên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn