Đó là: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội; việc tham gia xây dựng nông thôn mới; về Điều lệ Hội; về Chỉ thị của Ban Bí thư lãnh đạo Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; về chủ đề Đợt thi đua đặc biệt năm 2020, chủ đề Đại hội Thi đua yêu nước; về dự thảo Chiến lược phát triển Hội LHPNVN giai đoạn 2022-2027, tầm nhìn đến năm 2035…
Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất là việc đánh giá giữa nhiệm kỳ. Các đại biểu đi sâu vào các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Đặc biệt, các đại biểu đã phân tích, đánh giá, đề ra các giải pháp nhằm thực hiện thành công chỉ tiêu khó: "Không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội". Bên cạnh đó là các giải pháp về chỉ tiêu đào tạo nghề, về việc thành lập và duy trì hoạt động mô hình HTX, về vấn đề phát triển mô hình, về công tác cán bộ nữ, về vấn đề chi Hội trưởng…
Về các chỉ tiêu đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội: Hầu hết các ý kiến đề nghị giữ nguyên các chỉ tiêu để các cấp Hội phấn đấu; những nơi nào đã đạt thì cần tập trung nâng cao chất lượng; chỉ có rất ít ý kiến đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu về thành lập HTX do phụ nữ quản lý hoạt động có hiệu quả và chỉ tiêu về đào tạo nghề.
Đi sâu đánh giá chỉ tiêu tập hợp, thu hút hội viên, các đại biểu đã nêu lên một số nguyên nhân chủ yếu. Đó là do sự dịch chuyển lao động, một bộ phận phụ nữ đi làm ăn xa, sinh viên tốt nghiệp không trở về địa phương, phụ nữ bị chi phối bởi các đoàn thể khác, việc tập hợp phụ nữ trong các khu chung cư cao tầng…
Để tiếp tục thực hiện chỉ tiêu này, các đại biểu cho rằng các cấp Hội cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho hội viên như: Hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tư vấn nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo các dự án sinh kế, quan tâm nhiều hơn đến phát triển hợp tác xã, tổ liên kết; điều chỉnh cách tập hợp, thu hút hội viên; nâng cao năng lực triển khai cho cán bộ Hội các cấp; phát triển đội ngũ tình nguyện viên…
Về vấn đề Chi hội trưởng, các ý kiến phản ánh về khó khăn trong quá trình sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy, bố trí cán bộ, chức danh kiêm nhiệm. Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu cho rằng cần tăng cường mô hình dịch vụ có thu; bố trí kiêm nhiệm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, cán bộ dân số, y tế thôn bản và MTTQ; đề xuất cấp ủy quy định 1 trong 3 chức danh là nữ được hưởng phụ cấp theo Nghị định 34 tại thôn/bản; có chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư trong quá trình sắp xếp…
Về chỉ tiêu đào tạo nghề: Có ý kiến cho rằng chỉ công nhận khi có chứng chỉ và phải đánh giá thêm về kết quả có việc làm sau đào tạo. Đào tạo nghề phải gắn với việc làm. Cần có mô hình giải quyết sau đào tạo để chị em có việc làm thực chất.
Việc thành lập và duy trì hoạt động của mô hình HTX: Có ý kiến cho rằng việc thành lập có thể thực hiện được nhưng duy trì hoạt động là một việc khó khăn. Đặc biệt, hiên nay việc duy trì tổ hợp tác và HTX liên kết đang phát huy hiệu quả.
Về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ: Các đại biểu đề nghị TƯ sớm có hướng dẫn, định hướng kiện toàn bộ máy cấp tỉnh và hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ chi tổ vì hầu hết là tuổi cao, hơn nữa đang gặp khó khăn do sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố. Từ TƯ đến địa phương cần đổi mới phương pháp tập huấn cán bộ Hội các cấp theo từng đối tượng, chức danh, nhu cầu, năng lực trình độ.
Đối với chỉ tiêu giám sát, phản biện: Một số ý kiến đề nghị TƯ tiếp tục quan tâm hướng dẫn, nâng cao chất lượng chỉ tiêu này vì còn khó thực hiện, nhất là cấp huyện và xã còn lúng túng trong giám sát độc lập.
Vấn đề mô hình hiện có số lượng nhiều, còn hình thức. Thời gian tới, cần tiêu chuẩn hóa (gom nhóm, sắp xếp), các mô hình trong phát triển kinh tế (còn thiếu cơ sở dữ liệu). Có tỉnh đề xuất nên khuôn lại mô hình "5 không, 3 sạch", mô hình an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Tại buổi thảo luận, bà Võ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh, cũng chia sẻ kinh nghiệm về cách làm mới trong tập hợp, thu hút hội viên. Theo bà Bạch Tuyết, Tây Ninh là 1 trong 7 tỉnh còn có tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên dưới 50%. Vì vậy, tỉnh xác định đây là chỉ tiêu khó. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh dồn sức và quyết tâm thực hiện, có công văn hướng dẫn tập trung giải quyết dứt điểm. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh Tây Ninh cũng chọn 1 cơ sở có tỷ lệ hội viên thấp nhất để tổ chức tọa đàm nhằm tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp với cấp ủy để giải quyết. Bên cạnh đó, các cơ sở Hội còn mời các đảng viên, công chức, viên chức đã nghỉ hưu trên địa bàn đến nói chuyện về lĩnh vực mình phụ trách. Đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, pháp luật… trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội nhằm tăng tính hấp dẫn, sự hiểu biết và sự gắn kết giữa cán bộ, hội viên và người dân trên địa bàn.
Kết quả, sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện, từ 12 cơ sở cuối năm 2019 Tây Ninh chỉ còn 4 cơ sở dưới 50%. Phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở Hội không đạt chỉ tiêu này.
Về vấn đề còn chênh lệch trong cách tính số lượng hội viên giữa con số thống kê và thực tế, bà Bạch Tuyết chia sẻ thêm: Hội LHPN tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh (có quản lý phần mềm), cung cấp danh sách phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có địa chỉ cụ thể. Sau đó lập danh sách gửi về các huyện, cơ sở rà soát, đối chiếu. Vì vậy, số liệu cơ bản là chính xác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn