Sáng nay (21/5), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được cử tri và đội ngũ giáo viên, người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì: Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2005. Qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn giáo dục trong nước và quốc tế, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quản lý nhà nước về giáo dục...
Vì vậy, để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi) do Hội LHPNVN và Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cần phải thống nhất về mặt quan điểm là coi lồng ghép yếu tố giới vào chính sách là “biện pháp thúc đẩy”.
Đồng thời, cần lồng ghép những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vào trong những điều luật cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ Báo cáo đánh giá tác động giới của dự thảo và việc lồng ghép giới cụ thể thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo dự án luật này nên có cuộc khảo sát thực tế nhằm “nảy” ra được những vấn đề đang tác động đến giới, như chính sách với nữ giáo viên; vấn đề đào tạo, tuyển dụng nữ giáo viên; những bất cập trong luân chuyển, bố trí giáo viên; điều kiện cho các nữ giáo viên ở các địa bàn khác nhau…
Trên cơ sở đó mới “có những số liệu, luận cứ để đánh giá tác động giới trong dự thảo luật cũng như các chính sách phù hợp để lồng ghép vào các điều luật cụ thể”, bà Mai Hoa nhận định.
Theo Văn phòng Quốc hội, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này dự kiến sửa đổi, bổ sung đối với 50 điều, bãi bỏ 10 điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 1 mục và 3 điều mới. Các nội dung tập trung sửa đổi trong dự thảo Luật liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý giáo dục, các quy định liên quan đến người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. |