Pablo Picasso (1881 - 1973) được coi là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất thế giới trong thế kỉ 20. Ông cùng với Georges Braque là hai người sáng lập trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc.
Không chỉ là một đại danh họa, Pablo Picasso còn là chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội. Bằng tài năng và trí tuệ của mình, Picasso luôn đứng về phía nhân dân lao động, những người cùng khổ và đấu tranh chống lại áp bức, bất công, chống lại chủ nghĩa phát xít, đế quốc.
Năm 1937, tại Paris diễn ra một Triển lãm Quốc tế. Picasso được đặt vẽ cho gian hàng của Tây Ban Nha. Từ sự kiện phát xít Đức ném bom hủy diệt thị trấn Guernicacủa xứ Basque quê hương ông ngày 26/4/1937, Picasso vô cùng đau đớn và căm thù.
Ông lấy ngay “sự kiện Guernica” làm đề tài để thực hiện một bức tranh hoành tráng rộng tới 30 m2. Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật lập thể và biểu tượng, Picasso đã cho ra đời tác phẩm này hình tượng của những thiếu phụ bồng con gục ngã, những bàn tay chới với tuyệt vọng, những hình thể quằn quại như gào thét và đối lập lại là những cái đầu bò, thân ngựa quái gở, đang giày xéo, giẫm đạp lên những thân hình quằn quại…
Qua “Guernica”, Picasso tỏ rõ thái độ phỉ nhổ vào chiến tranh và dự báo một thảm cảnh mà bọn phát xít sẽ gây ra cho nhân loại. Sau đó, chính Picasso trở thành một chiến sĩ của lực lượng những người kháng chiến Pháp chống lại phát xít Đức.
Có một đề tài mà Picasso luôn ấp ủ từ thời niên thiếu là đề tài vẽ chim bồ câu. Suốt nhiều năm, Picasso đã vẽ đi, vẽ lại hàng trăm bức tranh về chim bồ câu với loại đơn, đôi hoặc nhóm 3 con.
Vào năm 1940, khi Đức quốc xã tấn công nước Pháp, trong suốt Thế chiến II, Picasso đã sống ở Paris, ngay trong khu chiếm đóng của Đức Quốc xã, nơi ông đã liên tục bị các mật vụ bắt bớ, xét hỏi. Dù vậy, Picasso vẫn tiếp tục vẽ chim bồ câu.
Năm 1944, Picasso trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Ông tuyên bố: “Lý tưởng của những người cộng sản về một thế giới tươi đẹp phù hợp với nghệ thuật của tôi”. Năm 1949, tác giả Louis Aragon đã chọn bức tranh thạch bản của Picasso, La Colombe (The Dove) làm áp phích kỷ niệm Hội nghị Hòa bình ở Paris. Tấm áp phích trở nên nổi tiếng ở Paris, cũng tháng 4 năm đó, con gái của Picasso chào đời nên ông đã lấy cái tên ý nghĩa Paloma (Tiếng Tây Ban Nha là chim bồ câu) để đặt cho con.
Tiếng nói hòa bình trong hình ảnh chim bồ câu của tranh Picasso đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Đó là biểu tượng cho phong trào hòa bình, Đảng Cộng sản và phong trào tự do, cấp tiến. Những năm sau đó, danh họa nổi tiếng đồng ý để sử dụng hình ảnh chim bồ câu trong tác phẩm của mình làm biểu tượng hòa bình của các hội nghị trên khắp châu Âu.
Năm 1950, Hội nghị thành lập Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) được tổ chức tại Warsaw, thủ đô Ba Lan. Nhà bác học Joliot Curie, Giải thưởng Nobel, một trong những người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của WPC đã ra Lời kêu gọi nhân dân thế giới hãy cùng đấu tranh bảo vệ hòa bình cho tất cả mọi người trên thế giới. Bức tranh chim bồ câu của danh hoạ Picasso được treo tại hội trường hội nghị và đã trở thành biểu tượng của Hội đồng Hòa bình thế giới. Kể từ đó, chim bồ câu được xem là sứ giả Hòa bình thế giới.
Hình ảnh chim bồ câu như một biểu tượng hòa bình thời hiện đại đã có nhiều thay đổi so với chuẩn mực ban đầu trong tranh Picasso vào năm 1949. Chim bồ câu thường được miêu tả trong tư thế bay liệng tự do, mang hoa lá, ô liu trong cánh, mỏ và cặp trong chân. Tuy nhiên, công lớn về việc phổ biến, nhân rộng biểu tượng hòa bình trong hình ảnh chim bồ câu vẫn thuộc về Picasso và sự kiện ý nghĩa này đáng được nhắc nhớ bên cạnh gia tài lừng lẫy của nhân vật đứng đầu trong giới hội họa thế kỷ 20.