“Đánh thức” lối ngâm độc đáo từ kiệt tác Truyện Kiều

08:13 | 01/04/2021;
Dự án nghệ thuật "Ngâm Kiều toàn tập" sẽ ra mắt khán giả vào cuối tháng 3 này, thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi.

"Ngâm Kiều toàn tập" là dự án do nghệ sĩ hát xẩm, nhà nghiên cứu – phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long khởi xướng. Theo đó, toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát trong "Truyện Kiều" được nhóm nghệ sĩ thể hiện bằng lối ngâm độc đáo. Đây là dự án đầu tiên giới thiệu "Truyện Kiều" theo đúng lối ngâm Kiều. PNVN đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Nguyễn Quanh Long quanh dự án này.

+ Điều gì đã khiến anh thực hiện dự án "Ngâm Kiều toàn tập", thưa nhạc sĩ Nguyễn Quang Long?

“Đánh thức” lối ngâm độc đáo từ kiệt tác Truyện Kiều - Ảnh 1.

"Ngâm Kiều toàn tập" là dự án do nghệ sĩ hát xẩm, nhà nghiên cứu – phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long khởi xướng.

Suốt thuở ấu thơ, tôi được bà nội vỗ về, nuôi nấng, được nghe bà ngâm Kiều, lẩy Kiều. Có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều người đã được nuôi dưỡng tâm hồn từ khi còn là một đứa trẻ bằng những câu Kiều do bà và mẹ ngâm như thế. Khi những câu thơ lục bát được vang lên bằng tình cảm sâu nặng, yêu thương của người phụ nữ thì những giá trị của "Truyện Kiều" càng được cảm nhận, lan tỏa và lắng đọng...

Nhưng dần dần, chính những vùng quê cũng không còn giữ được nét văn hóa truyền thống đầy ấm áp, giản dị đó. Tôi trưởng thành, đi học nhạc, càng nhận thức sâu hơn giá trị văn hóa qua tác phẩm "Truyện Kiều". Bên cạnh những đóng góp cho văn học, "Truyện Kiều" có vị trí hết sức đặc biệt trong âm nhạc truyền thống dân tộc bởi thông qua tác phẩm này, ông cha ta đã sáng tạo một lối hát dành cho những câu Kiều.

Xưa kia, ngâm Kiều phổ biến như sự phổ biến của "Truyện Kiều". Ngâm Kiều như câu cửa miệng của ông bà ta. Ngày nay, ngâm Kiều vẫn còn tồn tại ở trong các thể loại kịch hát truyền thống và âm nhạc truyền thống như: chèo, cải lương, hát văn, ca trù, hát xẩm... Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại với tư cách một phần nhỏ trong một tác phẩm. Trong khi ngâm Kiều với tư cách một thể loại, một lối hát riêng được sinh ra từ "Truyện Kiều" đã gần như thất truyền.

Từ đầu năm 2020, khi tôi và các nghệ sĩ có phần rảnh rỗi hơn vì tác động của dịch bệnh, tôi bàn với mọi người về dự án ngâm toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát trong tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du. Hầu hết các nghệ sĩ mà tôi ngỏ ý đều là những người đã thuần thục ngâm thơ, biểu diễn nhạc cụ truyền thống nhưng họ đều "choáng" trước ý tưởng này và không nghĩ sẽ thực hiện được.

+ Dù "choáng" nhưng các nghệ sĩ vẫn rất tâm huyết tham gia, trong đó có những tên tuổi lớn như NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần... Theo anh, đâu là điều thuyết phục họ đến với dự án này?

“Đánh thức” lối ngâm độc đáo từ kiệt tác Truyện Kiều - Ảnh 2.

NSND Thanh Hoài cùng nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và các nghệ sĩ trẻ tham gia dự án “Ngâm Kiều toàn tập”

Đến với dự án "Ngâm Kiều toàn tập" có những nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Hoài đã ngoài 70 tuổi, NSND Thúy Ngần ngoài 60 tuổi và tiếp nối là thế hệ nghệ sĩ 8x, 9x. Không chỉ nghệ sĩ, nhiều anh em bộ phận kỹ thuật cũng tham gia bằng tinh thần trong sáng, tâm huyết. Ngoài biểu diễn theo nhiệm vụ công việc, chạy sô thì lâu nay có nhiều nghệ sĩ vẫn cống hiến không chút nghĩ ngợi, tính toán gì. Chúng tôi thường gọi đó là một lối "chơi nghề". Để có sản phẩm ngâm Kiều dài hơn 10 tiếng thu âm là những ngày đội ngũ nghệ sĩ làm việc từ sáng đến tối, ăn trưa tranh thủ tại phòng thu. Mọi người tham gia vì lòng đam mê, vì tình yêu với nghệ thuật truyền thống.

+ Thể hiện dự án "Ngâm Kiều toàn tập" là hơn 10 nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn với những cá tính khác nhau. Là người tổ chức, anh phải "xâu chuỗi" các điều đó thế nào?

Tôi luôn tôn trọng sự khác biệt để mỗi nghệ sĩ thể hiện được tài năng, cá tính của mình. Mạch cảm hứng xuyên suốt, xâu chuỗi các cá tính lại với nhau chính là tình yêu nghệ thuật, tinh thần cảm nhận và lan tỏa giá trị của "Truyện Kiều". NSND Thanh Hoài với lối ngâm cổ, giọng ngâm hay, chuẩn chỉnh xuất hiện ở phần mở đầu và phần kết thúc. Những nghệ sĩ trẻ như Thúy Nga có lối ngâm gần gũi, trữ tình; NSƯT Quốc Khanh với lối ngâm nảy rõ ràng, rành mạch và cũng rất tình; nghệ sĩ Văn Phương có phần phá cách, vốn duyên dáng trong vai hề Chèo, có "đất" thể hiện ở những phần nội dung phù hợp của "Truyện Kiều"...

Mong người trẻ tiếp cận và thêm yêu Truyện Kiều

+ Anh và ê kíp có cách gì để tiếp cận được nhiều bạn trẻ hơn?

Tôi không chủ đích làm dự án này để nhắm tới đối tượng khán giả duy nhất là giới trẻ. Bản thân dự án này tôi mong ước là để chúng ta thấy được quy mô đồ sộ và giá trị của "Truyện Kiều" ở khía cạnh khác mà ít người biết tới. Đó là từ tác phẩm này cha ông chúng ta đã sáng tạo lối ngâm riêng dành cho nó. Đây là lần đầu tiên mọi người có thể tiếp cận toàn bộ "Truyện Kiều" ở hình thức ngâm Kiều.

Tất nhiên dù không phải đối tượng duy nhất và trọng tâm nhưng tôi rất mong giới trẻ biết đến dự án, nhìn nhận được giá trị của nó và tiếp cận nó. Tôi tin rằng nếu tiếp cận một cách nghiêm túc thì ai cũng sẽ thêm yêu "Truyện Kiều" chứ không riêng gì giới trẻ. Chúng tôi xuất bản "Ngâm Kiều toàn tập" trên kênh YouTube nên bất cứ ai cũng có thể tiếp cận. Trong khi đó, chúng tôi cũng sẵn sàng nếu có lời mời từ trường học, tổ chức, cá nhân nào muốn tìm hiểu "Truyện Kiều" theo hướng mà dự án đã thực hiện.

+ Gần đây, "Truyện Kiều" được tái hiện bằng nhiều hình thức như sân khấu, điện ảnh, thư pháp, hội họa... Anh nhận định thế nào về sự trở lại sôi nổi này?

Tôi nghĩ đó là tín hiệu rất đáng mừng, chứng tỏ "Truyện Kiều" luôn có sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Đặc biệt, đó còn là nguồn cảm hứng kích thích những cảm nhận, sáng tạo, nhất là với thế hệ trẻ.

+ Xin cảm ơn nhạc sĩ!



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn