Đến với vùng đất Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, đặc sản được nhiều người biết đến là hạt dổi. Hơn chục năm trở lại đây, thứ gia vị thơm nức tiếng này đã được người tiêu dùng khắp mọi miền biết đến. Nhờ đó đời sống của mấy trăm hộ dân xã đã thay đổi nhanh chóng nhờ bán hạt và cây dổi giống. Nhưng việc bán hạt dổi chỉ đơn giản là nguyên liệu thô. Hạt dổi chưa qua chế biến, được đóng gói đơn sơ trong túi nilon hoặc hộp thủ công, chưa qua chế biến. Nếu có sản phẩm dổi nơi khác trà trộn thì người tiêu dùng không phân biệt được. Nếu cứ trồng, bán hạt dổi như vậy, hạt dổi Lạc Sơn sẽ mất dần đi thương hiệu của mình.
Từ trăn trở đó, chị Bùi Thị Lợi (xóm Be Trên, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) nung nấu suy nghĩ làm sao có được sản phẩm vừa giữ hương vị của hạt dổi, vừa phù hợp với người tiêu dùng hiện đại. Lúc đó, hạt dổi Lạc Sơn mới có thể vươn xa đến mọi miền được. Chị đã dành thời gian nghiên cứu, đưa hạt dổi vào trong những sản phẩm mới, để người tiêu dùng có thể sử dụng tiện lợi hơn. Từ ý tưởng đó, chị Lợi đã cùng chị em phụ nữ xã Chí Đạo thử nghiệm sáng tạo ra sản phẩm muối hạt dổi theo kinh nghiệm được người xưa truyền lại. Chị Bùi Thị Lợi chia sẻ: Cách làm muối hạt dổi cũng khá cầu kỳ. Hạt dổi phơi khô cho vào nướng trên bếp than hồng. Những điều cần lưu ý là phải nướng hạt dổi sao cho thật khéo, để hạt dậy mùi mà không bị cháy.
Sau khi hạt dổi đã được làm chín, dậy mùi cho vào máy nghiền nhỏ rồi trộn với muối rang. Để cho ra đời sản phẩm hoàn thiện, các chị em đã phải làm đi, làm lại, điều chỉnh các thành phần nguyên liệu rất nhiều lần. Đặc biệt, muối hạt dổi ngon thôi, chưa đủ và còn phải có hình thức dẹp mới đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Chị Bùi Thị Lợi tiếp tục cải tiến, đóng muối vào những chiếc hũ thủy tinh để muối hạt dổi đẹp hơn và bảo quản được lâu hơn. Sản phẩm được bảo quản sử dụng thời hạn 2 năm.
"Loại gia vị làm từ muối và hạt dổi này rất thơm ngon, khu dùng không cần phải lách cách đi nướng, giã, xay như cách làm truyền thống, nên nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận", chị Bùi Thị Lợi chia sẻ thêm.
Tiềm năng và triển vọng trong việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với phát triển văn hóa - du lịch đang trở thành xu hướng hiệu quả ở nhiều tỉnh thành. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng sự phát triển theo hướng cộng hưởng, kết hợp du lịch với thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số; trong đó văn hóa luôn là một nguồn lực, nếu khai thác tốt sẽ trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp và cũng là một cường quốc du lịch, thì việc kết hợp giữa hai điểm với nhau sẽ giúp cho cả hai thế mạnh được tôn vinh lên. Vấn đề chưa chuẩn về phương thức sản xuất, xây dựng thương hiệu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhìn ở mặt nào đó, nó lại là một sự hấp dẫn về văn hóa đối với khách du lịch. Nhiều khi khách du lịch đến, không phải vì chúng ta ứng dụng phương thức sản xuất tiên tiến, mà chỉ muốn xem cuộc sống người dân như thế nào, sinh hoạt, sản xuất ra sao, thậm chí là tính chất thô mộc cũng là một nét đẹp, hấp dẫn trong phát triển du lịch ở khu vực này.
Vì thế chúng ta không nên đặt nặng vấn đề phải có quy trình chuẩn, phải có những sản phẩm thật, sản xuất công nghiệp để bán đại trà thì mới hấp dẫn. Mà có lẽ nhiều khi sản phẩm đơn chiếc, sản phẩm thô mộc, sản phẩm khác nhau, dựa trên sự sáng tạo, dựa trên chính văn hóa bản địa, truyền thống của người dân tộc ở miền núi cũng là một sự hấp dẫn.
Bên cạnh đó phải làm sao để đồng bào có ý thức hơn trong vấn đề cung cấp sản phẩm theo hợp đồng, tuân thủ những cam kết, kế hoạch để đảm bảo uy tín với khách hàng. Đó là những hạn chế trong nhận thức cần được dỡ bỏ. Nếu làm tốt sẽ tạo ra sự cộng hưởng, đa dạng hóa cả về sản phẩm cho du lịch, mở rộng quy mô, nâng tầm, nâng hiệu quả giá trị gia tăng của các bản sắc văn hóa đã có.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn