Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mỹ phẩm, điện thoại là quay về với ‘tư duy bao cấp’

13:24 | 11/05/2019;
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng mỹ phẩm, điện thoại di động là không phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường có độ mở như hiện nay, bởi đó không thể xem là mặt hàng xa xỉ mà là những mặt hàng phổ biến, cần thiết.
Để đảm bảo ‘công bằng’?
 
Mới đây, trong văn bản góp ý cho Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn thuế gửi Bộ Tài chính, UBND TPHCM đề xuất mở rộng một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, UBND TPHCM đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế đối với một số hàng hoá, dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
 
Theo lý giải của UBND TPHCM, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
 
 
Điện thoại di động đã trở thành một vật dụng thiết yếu, số thuê bao di động hiện lên tới hơn 130 triệu, trong khi Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao sử dụng. Do đó, theo một số chuyên gia kinh tế, nếu đánh thuế tiêu thu đặc biệt với mặt hàng này là không hợp lý và thậm chí trái với thông lệ quốc tế, vì gần như chưa có nước nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào điện thoại di động.

 

Đặc biệt, điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng theo UBND TPHCM, điện thoại di động nên đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
 
Về đề xuất này của UBND TPHCM, trả lời báo chí, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho rằng việc mở rộng cơ sở thuế không chỉ là tăng thuế mặt hàng này hay đưa vào diện thu thuế với hàng hóa, dịch vụ kia mà còn là đưa ra các chính sách, biện pháp để thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp. Theo đó, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để có những chính sách quản lý thuế đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới.
 
Theo ông Huy, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng quy trình đăng ký thuế đơn giản, mở trên website của tổng cục ứng dụng để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì đăng ký để kê khai, nộp thuế qua mạng.
 
Tư duy ‘bao cấp’
 
Nhận xét về đề xuất trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng đó là bất hợp lý bởi không phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.
 
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng UBND TPHCM không có căn cứ nào hợp lý và thiếu hẳn triết lý đánh thuế khi đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng như điện thoại, nước hoa.
 
 
Ảnh minh họa

 

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm mục đích đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Nếu không phải thế thì nó đã là thuế giá trị gia tăng. 30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hoá, dịch vụ nào. Kinh tế thị trường phát triển thì cần phải loại bớt nhiều loại hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
“Tư duy đánh thuế như trên là tận thu bất thường. Chính quyền muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, chứ không phải là tăng thuế, bòn mót từng đồng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà. Tư duy tận thu này không có triết lý và chỉ có hại cho sự phát triển. Kinh tế thị trường thì tiêu thụ quyết định phát triển sản xuất, kinh doanh chứ không phải là sản xuất, kinh doanh quyết định sự nhu cầu tiêu dùng như kinh tế bao cấp”, LS Trương Thanh Đức bình luận.
 
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), cho rằng cần phải có sự phân loại sản phẩm cụ thể, không thể “cào bằng” để tính thuế tất cả. Cụ thể, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được xem xét đối với từng mặt hàng và cơ sở nào để đánh thuế. Cơ sở đánh thuế phải thuyết phục để người dân chấp nhận và nhà làm luật cảm thấy hợp lý. Việc đánh thuế nên được thực hiện đối với những sản phẩm không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng; hoặc ảnh hưởng đến nền nếp, phong tục xã hội, sức khỏe người dân.
 
“Ví dụ đề xuất đánh thuế với bia, rượu thì tôi thấy rất hợp lý, vì sản phẩm này dùng nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội, trong khi đó giá cả mặt hàng này hiện nay đang rất rẻ, hoặc đề xuất đánh thuế với hàng mã chẳng hạn, tôi tin nhiều người sẽ ủng hộ ngay”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
 
Trái với thông lệ quốc tế
 
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào vào hành vi sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
Đối tượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt là những hàng hóa dịch vụ không thật cần thiết cho nhu cầu của con người, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người nhưng không thể cấm hoặc tác động xấu đến môi trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt có đối tượng chịu thuế hẹp, thuế suất cao.
 
Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu một lần (khi có hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ) trong suốt quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng với điều kiện trong quá trình đó, hàng hóa không thay đổi công năng, tính năng sử dụng, hình dáng thể hiện.
 
Hiện nay, tính riêng nhóm hàng hóa điện thoại di động, nhóm này đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, trong đó số thuê bao di động hiện lên tới hơn 130 triệu thuê bao, trong khi Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao sử dụng. Do đó, theo một số chuyên gia kinh tế, nếu đánh thuế tiêu thu đặc biệt với mặt hàng này là không hợp lý và thậm chí trái với thông lệ quốc tế vì gần như cũng chưa có nước nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào điện thoại di động.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn