Dành trọn tâm huyết vì trẻ rối loạn phát triển

06:38 | 19/10/2020;
Khởi nghiệp với mong muốn tạo động lực cho những gia đình có con bị rối loạn phát triển được phát hiện và can thiệp sớm để có thể hòa nhập cuộc sống, cô Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ - đã không quản khó khăn để tạo cho các em có một “gia đình” ấm áp.

Vượt qua mọi khó khăn để xây một mái nhà

Đã nhiều năm nay, Trung tâm Giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ tại Q.Long Biên, Hà Nội và Từ Sơn, Bắc Ninh, đã trở thành điểm đến tin cậy của nhiều gia đình có con bị rối loạn phát triển. Tại đây, cô Nguyễn Thị Mai đã dành toàn bộ tâm huyết cho các bé với mong muốn các em sớm được hòa nhập cộng đồng.

Dành trọn tâm huyết vì trẻ rối loạn phát triển - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Mai

Cô Mai cho biết, năm 2017 dưới sự hỗ trợ của Ban chấp hành Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, cô đã đứng ra thành lập Trung tâm hỗ trợ phục hồi chức năng và giáo dục đặc biệt trẻ khuyết tật trí tuệ với tên gọi Trung tâm giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ. Vào thời gian đầu mới thành lập đã gặp không ít khó khăn về vật chất, nhân lực, mặt bằng…

"Để các bậc phụ huynh biết đến các dịch vụ trung tâm nhiều hơn thì trung tâm đã phải nỗ lực triển khai các chương trình đánh giá và tư vấn miễn phí, các buổi hội thảo chuyên đề cho phụ huynh… Bên cạnh đó, việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực cũng gặp nhiều khó khăn, ví dụ như phải chọn được những ứng viên học có trình độ chuyên môn và tận tâm với công việc mà hiện nay các trường chưa đào tạo nhiều về mảng giáo dục đặc biệt này nhiều nên nguồn nhân lực còn hạn chế. Quỹ tài chính eo hẹp để duy trì hoạt động trung tâm trong thời gian đầu cũng là một khó khăn mà đội ngũ lãnh đạo trung tâm phải vượt qua", cô Mai cho biết.

Đội ngũ nhân sự được cô Mai đứng ra tuyển chọn là những thầy cô giáo có tâm huyết và yêu trẻ, tốt nghiệp các chuyên ngành mầm non, tâm lý, giáo dục đặc biệt, công tác xã hội. Tại Trung tâm giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ, các thầy cô được đào tạo kiến thức chuyên môn bài bản và cập nhật kiến thức liên tục để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các bạn học sinh.

Ngoài việc hoàn thiện mặt bằng, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên chuyên biệt, tiêu chí về chất lượng giáo dục của Trung tâm đã được cô Nguyễn Thị Mai xây dựng như: Tôn trọng sự khác biệt của trẻ; Coi sự tiến bộ của học sinh là quan trọng nhất; Chương trình can thiệp, giáo án phải bài bản và đầy đủ; Đội ngũ giáo viên chuyên môn bài bản và tâm huyết, yêu thương trẻ; Nói "không" với bạo hành trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia học tập; Luôn sẵn sàng chia sẻ - lắng nghe - kết nối thường xuyên cùng với phụ huynh để việc can thiệp cho trẻ đạt hiệu quả tốt nhất, phụ huynh tin tưởng và yên tâm khi cho con theo học tại trung tâm.

"Hiện nay với đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết và giàu kinh nghiệm, chúng tôi đã vươn lên không ngừng để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các trẻ chậm nói; trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ nói ngọng, trẻ khó khăn về học, trẻ có dấu hiệu khuyết tật trí tuệ khác ", cô Mai cho biết thêm.

Quan tâm đến trẻ như con mình

Dù làm công tác quản lý, nhưng cô Mai luôn theo dõi sát từng em để hiểu tâm lý và tìm ra cách điều trị hiệu quả nhất. Đó cũng chính là điều mà nhiều phụ huynh tin tưởng bởi ở Trung tâm, các con được chính người điều hành cao nhất của Trung tâm quan tâm uốn nắn từng ly từng tí. Tại hai cơ sở của Thiên Thần nhỏ có hơn 200 em nhưng cô Mai đều nhớ tên và nhớ rõ đặc điểm của từng em.

Cô Mai kể, em H.H ở Gia Quất, Q Long Biên (Hà Nội) vào học tại trung tâm từ tháng 3/2019. Khi đó em rất nhút nhát và nhận thức còn ít, chưa biết nói. Bố mẹ và ông bà rất lo lắng về tình hình của em. Tuy nhiên sau một quá trình học tại trung tâm hơn một năm, với phương pháp can thiệp đúng đắn, bài bản và sự tin tưởng, kiên trì kết hợp cùng với gia đình mà em đã tiến bộ vượt bậc, em hát, nói và nhận thức rất tốt. Đến tháng 6/2020 sau khi cô đánh giá lại và em đã hòa nhập được tại trường mầm non công lập. "Điều đặc biệt là trung tâm vẫn ấn tượng hình ảnh ngày ngày ông cần mẫn đạp xe đưa đón cháu đi học bởi vì bố mẹ H.H còn phải  đi làm. Chính vì sự cố gắng và kiên trì của trung tâm và gia đình mà H. H đã có kết quả tốt như ngày hôm nay", cô Mai xúc động kể lại.

Hoặc trường hợp như của nhà em A.K ở huyện Đông Anh, Hà Nội, cách Trung tâm hơn 15km nhưng mẹ bé đã quyết tâm  cho con qua học từ lúc A.K được 3,5 tuổi. Lúc đó A.K nhận thức rất hạn chế, hay nói linh tinh, và chưa nói được câu dài… Mẹ A.K thì bị thấp khớp hay bị đau chân, bố thì đi công trình xa. Nhưng mẹ bé ngày nào cũng vậy, hôm thì đi taxi, hôm thì mẹ bé đi xe bus. Chính vì sự nỗ lực và kiên trì của mẹ mà có lẽ A.K đã học tập rất tiến bộ. Bé nhận thức tốt lên và tập trung hơn, nói nhiều hơn, đúng ngữ cảnh hơn. Tưởng chừng như tiến bộ như vậy thì mẹ bé sẽ cho con nghỉ học nhưng mẹ bé lại rất tin tưởng cho con học tiếp lớp tiền tiểu học tại Trung tâm để bé học làm quen dần các kỹ năng bước vào học lớp 1.

Để Trung tâm hoạt động hiệu quả, cô Nguyễn Thị Mai luôn đổi mới phương pháp dạy và học với nhiều sáng kiến để giúp trẻ dễ nắm bắt. Trong đó, tăng cường đào tạo chuyên môn cho giáo viên để cập nhật các kiến thức mới. Cô Mai còn cầm tay chỉ việc, đào tạo thực tế cho các cô giáo mới trong các tiết dạy học.

Dành trọn tâm huyết vì trẻ rối loạn phát triển - Ảnh 2.

Để Trung tâm hoạt động hiệu quả, cô Mai luôn đổi mới phương pháp dạy và học với nhiều sáng kiến để giúp trẻ dễ nắm bắt

Tương tác với phụ huynh cũng là một phương pháp mà cô Mai chú trọng. Cô cho tăng cường kết nối với các bậc phụ huynh về vấn đề học tập của con, định kỳ trao đổi học tập trực tiếp giữa giáo viên và phụ huynh, đưa thông tin của trung tâm lên mạng internet để chia sẻ những kiến thức và thông tin cho các bậc phụ huynh…

Để điều hành Trung tâm và mang lại những điều tốt nhất cho các em nhỏ, cô Nguyễn Thị Mai đã phải sắp xếp rất chi tiết và khoa học thời gian của bản thân để cân bằng giữa công việc và gia đình. Một ngày làm việc của cô diễn ra với hơn 10 tiếng tại trung tâm. Có những hôm đến 7, 8 giờ tối cô mới bắt đầu về. Ngoài ra, cô còn dành thời gian bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng.

Chia sẻ với các bậc phụ huynh về rối phát triển của trẻ, cô Mai cho biết, phụ huynh cần theo dõi phát hiện và can thiệp sớm cho con mình để cơ hội hòa nhập cộng động của con là cao nhất. Bên cạnh đó phụ huynh cần tham gia vào quá trình can thiệp của con như là nhà đồng trị liệu thông qua việc thường xuyên cùng đánh giá và lên các mục tiêu can thiệp với giáo viên, quan sát việc giáo viên can thiệp cho con, trao đổi lại với giáo viên về việc dạy con tại gia đình để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp.

Địa chỉ: Trung tâm Giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ - Số 55 ngõ 447 Ngọc Lâm (Q Long Biên, Hà Nội) và Khu phố Thịnh Lang, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Hotline: 0983.141902

Website: https://daytretuky.net/

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn