10 năm theo đuổi nghệ thuật chỉ có lỗ mà chưa từng hòa vốn, đã có thời điểm Huy Lio buộc phải dừng lại. Nhưng niềm say mê với việc phát hiện và đào tạo tài năng nhí lại lôi anh quay về với sân khấu, để rồi thành quả là… một món nợ khổng lồ. Chỉ mới năm ngoái đây thôi, vì phải vay nóng tiền để tổ chức chương trình truyền hình thực tế thiếu nhi Miss & Mister Future (phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Phúc và YouTube), anh đã bị giang hồ truy sát ngay trước giờ lên sân khấu chung kết. Cái giá của khát vọng tạo ra sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp cho trẻ em đắt đến mức, anh từng nghĩ đến cái chết để giải thoát cho chính mình.
Món nợ khổng lồ từ giấc mơ nghệ thuật
Năm 2011, khi chương trình đầu tay của anh - "Vết chân tròn trên cát" truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 - đạt được tiếng vang lớn, anh hẳn đã không nghĩ con đường sau đó của mình lại đầy rẫy chông gai?
Lúc đó, tôi không nghĩ gì, kể cả nghĩ về sự thành công. Vết chân tròn trên cát là chương trình mà tôi ấp ủ từ thời sinh viên để dành tặng cho những cựu chiến binh, những thương bệnh binh và gia đình chính sách còn gặp nhiều khó khăn lúc bấy giờ. Bởi thực ra, tôi là con nhà lính, bố mẹ tôi đều là bộ đội trong chiến trường Tây Nguyên. Khi đó, tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất là phải làm bằng được chương trình này như để dành cho bố mẹ tôi và những đồng đội của ông bà. Tốt nghiệp đại học, đi làm một thời gian là tôi bắt tay vào thành lập công ty và sản xuất chương trình luôn dù trong tay tôi không có gì hết. Không tiền bạc, không mối quan hệ. Chỉ có hai chữ: Liều và điên.
Tại sao anh nhất định phải làm lớn và lại là chương trình dành cho trẻ em, thứ vốn khó làm và khó xin tài trợ?
Bởi vì nó khó và không ai làm nên tôi càng phải làm bằng được. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình cứ đâm đầu vào bụi rậm, rồi tôi tự lý giải đó có lẽ là cái nghiệp của mình, hoặc có thể là sứ mệnh của mình. Tôi làm và lỗ liên tục. Cứ có ít tiền nào kiếm được từ các sự kiện làm thuê cho các công ty và giảng dạy là tôi lại đổ cả vào show mới, chưa kể các khoản vay mượn bạn bè, người thân. Đến lúc dì ruột của tôi, người gần như mang cả gia tài để ủng hộ công việc của tôi cũng không thể tiếp tục cho tôi vay được nữa, tôi mới dừng lại.
Tôi về phụ trách truyền thông và làm trợ lý Tổng giám đốc, điều hành một công ty thời trang để trang trải nợ nần. Nhưng đến năm 2016, Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) tuyển sinh khóa đào tạo diễn viên truyền hình, tôi lại quyết định bỏ hết, quay về với nghệ thuật. Tôi biết, dù tôi có làm gì thì rồi tôi cũng trở về vị trí của tôi trên sân khấu và ống kính máy quay mà thôi. Tôi cứ để mặc cho giấc mơ nghệ thuật kéo tôi đi, mà không biết giấc mơ ấy kéo thẳng tôi đến một khoản nợ khổng lồ, tới mức suýt phải lấy mạng ra mà trả nợ.
Đạo diễn Huy Lio là một gương mặt quen thuộc trong lĩnh vực đào tạo tài năng nghệ thuật nhí. Anh đã thực hiện những bộ phim ngắn về chủ đề gia đình như Chuyện của Cha, Vị Tết cùng nhiều chương trình thời trang, nghệ thuật mang ý nghĩa xã hội như Vết chân tròn trên cát, Love Story Fashion Show, Love Women, chương trình truyền hình thực tế Miss & Mister Future… Anh cũng là đạo diễn màn trình diễn thời trang áo dài trẻ chủ đề an toàn giao thông tại Ngày hội Mottainai 2019 của báo Phụ nữ Việt Nam.
Niềm tự hào của gia đình trở thành tội đồ
Khi quyết định bán mảnh đất được thừa tự để trả nợ và có vốn liếng để làm nghề, mẹ anh và vợ anh có can ngăn hay không?
Lúc đó, tôi ở vào thế đường cùng rồi, không còn cách nào khác. Người trách móc tôi nhiều nhất là chính tôi. Mảnh đất ấy là đất hương hỏa do ông nội tôi để lại. Tôi từng nói với vợ là sau này có điều kiện sẽ về quê xây một căn nhà rộng rãi khang trang cùng một nhà thờ để lo hương khói cho ông bà tổ tiên. Vậy mà, chưa làm được ước nguyện của mình, tôi đã bán nó đi. Vì việc ấy mà những người thân họ hàng trách móc mẹ con tôi, mẹ tôi cũng vì thế mà ngại không dám về quê nhìn mặt họ hàng, vì bà nghĩ mình "không dạy bảo được con"
Trước đây, tôi là niềm tự hào, là tấm gương ý chí cho anh em, con cháu trong họ noi theo. Còn giờ, tôi như kẻ tội đồ và dằn vặt với lương tâm mình. Cũng lâu lắm, tôi không về quê rồi, có về thì tôi chỉ ra mộ bố và ông bà tôi nằm, rồi lại vội vã đi ngay. Tôi thấy cái giá mình phải trả cho đam mê nghệ thuật đắt quá.
Vậy mà sau cú sốc ấy, anh vẫn tiếp tục phó mặc số phận của mình trong "Giấc mơ" hay tôi thấy có người gọi đó là "U mê nghệ thuật"?
Tôi còn nhớ những năm tháng ấu thơ được mẹ cõng đi xem chiếu bóng, rồi lớn lên một chút, sang nhà hàng xóm xem nhờ tivi, về nhà là tôi lấy chăn màn, que gậy ra để đóng kịch. Lớn lên vì điều kiện gia đình khó khăn, học lớp 12 không có điều kiện đi ôn thi đại học, tranh thủ những ngày nghỉ tôi đi làm thêm, đi phụ hồ, tôi trộn vữa dưới bóng đèn pha ở công trường mà luôn nghĩ là mình đang được diễn xuất dưới ánh đèn sân khấu, làm không biết mệt. Đến khi đi công nhân ở nhà máy Honda, tôi vẫn tự viết kịch bản, tự ôn thi hằng đêm và quyết tâm thi đỗ vào Đại học Văn hóa để theo đuổi giấc mơ của mình và cũng là để thoát khỏi cảnh nghèo đói bao năm của gia đình. Vậy mà tôi không ngờ giấc mơ đó lại dẫn tôi đến những ê chề, cay đắng hơn.
Trong những thời điểm khó khăn nhất, khi mà tôi vứt bỏ hết lòng tự trọng hay cao ngạo của một người làm nghệ thuật, để giơ tay ra cầu cứu, nhưng có những người tưởng chừng như bạn bè thân thiết, thậm chí cả là người thân ruột thịt, đã rụt tay quay mặt với tôi. Tôi đã từng có ý định chết đi để giải thoát cho chính mình khỏi món nợ nặng vai. Nhưng vào khoảnh khắc định chấm dứt mạng sống, cái suy nghĩ rằng bố mình mất từ khi mình 18 tuổi mà mẹ và anh em mình đã phải chịu thiệt thòi đến thế nào, thì giờ vợ và con mình mới vài tuổi đầu, nếu mình chết thì họ sẽ sống ra sao.
Tôi không trách những người đã rụt tay quay mặt với mình khi tôi cầu xin họ cứu giúp, nhưng tôi cảm thấy đau lòng. Bởi lúc tôi khó khăn cùng quẫn nhất trong cuộc đời, tôi gần như chỉ đơn độc một mình trên thế giới này.
Chính những điều đó đã giúp tôi tỉnh ngộ và tôi thấy mình cần phải thay đổi và phải mạnh mẽ hơn. Vực dậy sau cú sốc, việc đầu tiên tôi nghĩ đến vẫn là sân khấu. Tôi ngã ở đâu tôi phải đứng dậy ở đó.
Lại đổ hết tiền của có được nhờ bán đất hương hỏa để tiếp tục làm nghề, điều anh trăn trở nhất hiện tại là gì?
Tôi mặc cảm tội lỗi với gia đình mình. Với mẹ, với vợ con và linh hồn của bố cùng ông bà nội đã mất. Nhưng tôi cũng có sự tự tin, rằng mình không lấy đất cha ông ra để làm những việc sai trái. 10 năm qua, điều khiến tôi vững vàng nhất là tôi đã không làm gì trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh bí bách đến đâu, tôi vẫn luôn nỗ lực để tạo ra những chương trình đạt chất lượng tốt nhất về chuyên môn.
Tôi bỏ tiền túi của mình, tôi làm thêm đủ nghề tay trái, tôi chẳng ngại việc phải đi làm diễn viên quần chúng, đợi cả ngày chỉ để quay một hai cảnh với catse vài trăm nghìn, tôi chẳng ngại việc nhận thức đêm để trả lời và chăm sóc fanpage cho một vài công ty, thậm chí tôi còn nghĩ đến cả việc chạy Grab nếu như không kiếm được tiền để sống và trả nợ.
Tôi không tư lợi cho riêng mình một xu từ nghệ thuật, mỗi lần làm chương trình nào đó là tôi lại mất ăn mất ngủ vì nó. Do đó, tôi nghĩ ông bà và bố tôi dưới suối vàng sẽ thông cảm và hiểu cho tôi. Tôi tin tổ tiên sẽ phù hộ mình và mình cũng sẽ được Tổ nghề để mắt tới.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn