Sài Gòn – dòng sông kể chuyện là chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ nhất do UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cùng các đơn vị triển khai thực hiện. Đêm nghệ thuật sẽ diễn ra vào 20h ngày 6/8/2023 trên chính mặt sông Sài Gòn - dòng sông gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Gia Định - Sài Gòn - TPHCM và là một biểu tượng sống động của lịch sử khẩn hoang, mở mang bờ cõi của người Việt. Đây cũng là lần đầu tiên tại TPHCM diễn ra một chương trình nghệ thuật thực cảnh.
Đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn Sài Gòn - dòng sông kể chuyện là Lê Hải Yến - người được biết đến với vai trò "chỉ huy" các chương trình văn hóa nghệ thuật lớn như Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò & Khám phá Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019, Lễ hội Văn hoá và Du lịch Mường Lò 2022; 2 năm liên tiếp (2018-2020) đoạt giải vàng danh giá Steve Awards (tại Mỹ) và giải Vàng hạng mục Sự kiện văn hoá nghệ thuật xuất sắc EMA 2023 (tại Hong Kong, Trung Quốc)...
Nữ đạo diễn thế hệ 8x cho biết, với sự tham gia của hơn 600 diễn viên và nghệ nhân, chương trình dự kiến gồm 5 chương lần lượt với các tên gọi: Khẩn hoang, Mở cõi, Trên bến dưới thuyền, Hòn ngọc Viễn Đông, Rực rỡ thành phố bên sông… Qua mỗi chương, lịch sử hình thành, phát triển của Sài Gòn sẽ được hiện dần lên một cách rõ nét như những thước phim điện ảnh sống động.
Chia sẻ về chương trình, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết cô đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về lịch sử của TPHCM qua rất nhiều cuốn sách lịch sử, khảo cứu... và tìm gặp các chuyên gia, các nhà sử học nổi tiếng của thành phố như PGS. TS - nhà sử học Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Hồng Bàng; nhà báo Phạm Công Luận, người được mệnh danh là "Người lưu giữ ký ức phố thị của Sài Gòn" - với hàng chục đầu sách viết về mảnh đất này; cùng hội đồng chuyên gia là các Trưởng/Phó khoa của các trường ĐH Văn hóa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn…
"Tôi đã dành gần 1 năm trời chỉ để nghiên cứu, tìm hiểu, du khảo trong các không gian lịch sử, chìm đắm trong những ký ức rực rỡ của Gia Định - Sài Gòn - TPHCM và xưa hơn nữa, cũng như để thấu hiểu được tận tường về mạch nguồn của dòng chảy và con nước tại sông Sài Gòn. Tôi muốn đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật, mà là một thước phim sống động được kể trên một dòng sông thật, với bến cảng thật, con người thật, tàu thuyền thật và những câu chuyện chân thật đầy cảm xúc được nâng tầm thành nghệ thuật.
Tôi muốn để dòng sông tự kể nên câu chuyện của mình, về những dòng ký ức chuyển lưu qua nhiều thế hệ, nhiều cuộc tiếp biến văn hóa; về câu chuyện của một dòng sông đã góp phần giúp cho Sài Gòn từ một vùng đầm lầy trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất nhất khu vực. Một dòng sông đã kết nối thành phố này với các nền văn hóa trên khắp các châu lục để tạo nên một bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng mà không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được", Tổng đạo diễn Lê Hải Yến nói.
Nữ đạo diễn thế hệ 8x cũng bày tỏ: "Tôi muốn mỗi người dân Sài Gòn sẽ thấy mình trong câu chuyện, sẽ thấy bóng dáng của cha ông và thế hệ tiền nhân trong câu chuyện, sẽ du ngoạn bằng mọi giác quan cùng câu chuyện. Tất cả những công nghệ, chiêu trò, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng chỉ nhằm duy nhất một mục đích là đem lại cảm xúc và chạm đến trái tim của khán giả. Để rồi sau đó, tự mỗi khán giả sẽ có được cái nhìn đầy đủ về văn hóa, lịch sử và những giá trị tinh hoa trên bản đồ du lịch của thành phố. Quan trọng hơn là mỗi khán giả sẽ có được câu trả lời cho mình rằng chúng ta nên ứng xử thế nào với dòng sông này, nên tri ân, trân trọng, gìn giữ và phát huy di sản thiên nhiên quý giá này như thế nào?".
Được biết, đêm nghệ thuật thực cảnh Sài Gòn - dòng sông kể chuyện sẽ sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, chi tiết theo từng tiết mục. Để tạo ra được những hình ảnh chân thật, trong màn khẩn hoang, ekip đạo diễn phải đi lục tìm lại những chiếc ghe bầu cổ từ miền Trung, phục dựng lại những cánh buồm xưa.
Tới màn chợ nổi, ekip cũng huy động hơn 40 chiếc xuồng ba lá và tam bản để tái hiện khung cảnh chợ hoa bến Bình Đông ngày Tết. Màn diễu hành với hơn 30 tàu thuyền du lịch các loại - từ cano, thuyền buồm, tàu nhà hàng, tàu du lịch, water bus… là một hình ảnh ẩn dụ cho sự phát triển phồn thịnh mà ngành du lịch sẽ mang lại cho dòng sông Sài Gòn.
Chương cuối sẽ là một "bữa tiệc" của các công nghệ trình diễn hiện đại với hệ thống đèn lazer công suất lớn, pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn