Trước đó bộ phim này đã gặt hái được những thành công khác như: Giải thưởng của Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23; Đề cử Phim tài liệu ấn tượng của Ấn tượng VTV – VTV Awards 2023; Đề cử Liên hoan phim quốc tế Jaipur (Ấn Độ) 2023.
Xem qua bộ phim "Người ơi đừng khóc cuối đường" có lẽ bất cứ ai cũng thấy được lý do vì sao bộ phim lại "được mùa" giải thưởng như vậy. Một câu chuyện đầy cảm xúc khắc họa những thân phận con người ở trại phong Bến Sắn, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Giữa hoàn cảnh của đời sống tật nguyền khốn khó ấy, đạo diễn Nguyễn Đức Đệ đã làm người xem rưng rưng qua tình cảm thương yêu, sự an ủi vô bờ bến của những cặp đôi già sống ở đây.
Sau khi nhận được tin bộ phim đoạt giải, đạo diễn Nguyễn Đức Đệ đã chia sẻ về công trình của mình ngay khi đang trong hành trình làm bộ phim khác:
Tôi đã xây dựng bộ phim bằng nỗi ám ảnh từ câu chuyện của các đôi vợ chồng già ở trại phong. Đó là sự đối lập từ đời sống tật nguyền đầy khó khăn, mặc cảm của căn bệnh phong và tình yêu ngọt ngào, ấm áp bên trong họ.
Qua một mẩu tin của đồng nghiệp tôi bắt đầu quan tâm đến đời sống của những con người không may mắn ở trại Phong Bến Sắn. Càng tìm hiểu thì tôi càng đồng cảm và phát hiện nhiều tình tiết đặc biệt để tôi quyết định kể câu chuyện này.
- "Người ơi đừng khóc cuối đường" là một tựa phim khiến nhiều người tò mò đối với một bộ phim tài liệu, anh có thể chia sẻ đôi chút?
Tôi chọn cái tứ "Người ơi đừng khóc cuối đường" bởi 3 lý do. Suốt nhiều tháng tôi đến trại phong để thực hiện phim thì thấy rằng những bệnh nhân phong thường thích ra cuối đoạn đường trong khuôn viên trại ngồi trầm ngâm, suy tư… Có lẽ họ muốn riêng tư để tự an ủi cho số phận nghiệt ngã của chính mình.
Thứ hai, bởi căn bệnh phong mà họ phải trôi dạt đến trại phong nương nhờ cho đến cuối đời, bỏ lại những khát khao cuộc sống cùng gia đình, người thân, cộng đồng ở ngoài kia.
Và thứ ba là tình yêu gắn bó, sẻ chia của những đôi vợ chồng già. Những tình cảm ấm áp nhất mà họ dành cho nhau ở tuổi xế chiều, ngưỡng cuối của đường đời. Ở cuối con đường ấy là một ước muốn giản đơn nhất của phận người và cũng là của chính người kể chuyện, những người muốn được sống và không còn đớn đau.
- Chi tiết nào ấn tượng, nhiều cảm xúc đã đọng lại trong đạo diễn khi bộ phim hoàn tất?
Mất một năm để hoàn thành các công đoạn của bộ phim, tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh bà Khánh, vợ ông Bích, cứ ra hàng cây ngồi nhìn sang khu bệnh nhân nam, như lúc nào cũng trông ngóng hình ảnh chồng, sau khi ông Bích mất vì tuổi già và căn bệnh phong. Càng về sau bà càng lẫn nhiều, mới ăn cơm xong mà hỏi vừa ăn món gì cũng không nhớ nổi nhưng khi hỏi về ông Bích thì nhớ vanh vách. Một tình cảm sâu đậm mà họ dành cho nhau ở cuối đường như là niềm an ủi duy nhất và vô giá.
- Suốt thời gian thực hiện bộ phim, phải ra vào trại phong, tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân, anh có lo ngại lây nhiễm không?
Thật sự, nếu như vậy thì chắc tôi cũng không thực hiện được bộ phim này. Tôi mất 2 tháng để tiếp cận, làm quen, cho đến khi các bệnh nhân thấy thoải mái và đồng ý thì tôi mới bắt đầu quay. Họ nói với tôi rằng những người khác đến thăm đều bịt kín khẩu trang. Khi tiếp xúc thì họ cũng chia sẻ, động viên nhiều nhưng để ý là khi về họ rửa tay, xịt sát khuẩn kỹ lắm. Nhưng tôi thì khác. Nhờ vậy mà tôi có được những câu chuyện mang nhiều góc khuất trong tâm tư, tình cảm của nhân vật.
Đúng là thông thường chúng ta dễ có cảm giác e ngại, thậm chí lo lắng khi tiếp xúc với bệnh nhân phong, đặc biệt những người có biến chứng nặng. Nhưng với sự hiểu biết về căn bệnh này cùng với sự đồng cảm với các nhân vật mà tôi đã làm việc bên họ thời gian dài.
- Là người được xem là có duyên với các giải thưởng phim tài liệu và cả các nội dung báo chí. Vậy đạo diễn Nguyễn Đức Đệ có quan điểm, cách nhìn nhận hay cả triết lý cho riêng mình đối với mảng phim tài liệu ?
Tôi vốn là phóng viên mảng thời sự. Trước đây làm cho Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, giờ thì làm việc cho VTV tại TPHCM. Nhờ công việc đó mà tôi có cơ hội tiếp cận được nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Điều đó khiến tôi có mong muốn rằng ngoài sản phẩm ở mảng này, tôi phải tiếp cận câu chuyện ở một góc độ khác hơn, đi sâu hơn vào thân phận con người, khắc họa nhiều hơn những khát khao cuộc sống, quyền được sống của những con người trong nghịch cảnh. Và phim tài liệu là một sân chơi cho tôi thể hiện điều đó, cảm xúc của mình được sâu hơn.
Tôi may mắn là những phim đầu tay của tôi lại được giải như: Đất giàu, dân nghèo - Giải Vàng; Khát vọng nơi chân cát, Xóm đèn dầu đoạt giải Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Tất cả mang đến cho tôi một động lực tìm hiểu sâu hơn, cách kể chuyện hay hơn là phong cách có phần "ngây ngô" trong những phim đầu. Tôi đi học ngành nhân học cũng để làm phim tài liệu.
Khi làm phim tôi luôn tìm kiếm những điều đẹp đẽ trong con người, tìm kiếm những nỗ lực của con người trong hành trình sống. Đặc biệt là nhóm người chịu thiệt thòi, yếu thế… Trong con người, cái đẹp đẽ nhất thường chỉ xuất hiện trong nỗi đau tột cùng. Có câu nói là trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cái đẹp vẫn luôn tồn tại. Và tôi dấn thân cho điều đó.
Khi làm phim tôi theo phong cách thu mình sau ống kính, trao tiếng nói cho nhân vật, để bản thân người trong cuộc nói lên câu chuyện của mình. Đó là một xu hướng làm phim tài liệu mà tôi tâm đắc, còn gọi là điện ảnh sự thật. Như vậy nó sẽ thuyết phục người xem hơn.
- Làm phim tài liệu mang lại cho anh điều gì cho cuộc sống?
Đó là sự cân bằng. Phim tài liệu mang lại cho tôi trạng thái cân bằng trong cuộc sống bên cạnh công việc của một nhà báo mảng thời sự. Với đặc thù công việc ở VTV đòi hỏi nhịp độ nhanh, chính xác, kịp thời… thì phim tài liệu cho tôi cách tiếp cận khác, chiêm nghiệm nhiều hơn, được quan sát cuộc sống nhiều chiều và cảm xúc hơn… Nó cho tôi được gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe sâu hơn, nhiều hơn những con người, cảm nhận cảm xúc thật nhất, sâu kín nhất của con người…
Tôi là tuýp người luôn tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống, như thể "bám víu" vào sự cân bằng. Sự cân bằng thứ hai trong cuộc sống chính là 2 con gái của tôi. Các con xem tôi là thần tượng vì vậy tôi luôn tìm kiếm mọi cơ hội, tranh thủ mọi thời gian để được gần gũi con. Nhất là sau những chuyến công tác dài trở về thì tôi sẽ không tham gia cuộc hẹn nào khác mà chỉ bên con. Thậm chí tôi cũng chịu tốn kém để mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị để có thể làm việc tại nhà khi có thể. Bởi khi ở cùng với con, là với trang thái cân bằng dễ chịu nhất.
Các sản phẩm đoạt giải thưởng tiêu biểu của Nguyễn Đức Đệ:
- Phóng sự điều tra Nỗi đau từ dự án bảo tồn nguồn gen quý - Giải A Giải báo chí phòng chống tham nhũng tiêu cực lần thứ 3 năm 2021
- Phóng sự Bắt tay phá rừng - Giải Vàng phóng sự ngắn phát trên các kênh sóng VTV năm 2022
- Phim tài liệu Những đứa con làng Chăm- Huy chương vàng liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 năm 2020
- Phim tài liệu liệu Bốn mùa trong rừng thẳm - Phim tài liệu ấn tượng nhất VTV Award năm 2022, Giải thưởng Ban giám khảo Cánh diều vàng năm 2022
- Phim tài liệu Bình yên con nhé - Hình ảnh lan tỏa của VTV Award năm 2022
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn