Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: May mà 'vỡ trận' vẫn thành công

16:48 | 06/11/2015;
Với lưng vốn vỏn vẹn 100 triệu đồng, Nguyễn Thị Thắm đã liều mình làm phim đầu tay. Hết tiền, công việc “vỡ trận” nhưng cuối cùng phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng trở thành 1 trong 3 bộ phim ăn khách tại rạp CGV, TP HCM.

“Lô tô” cho nghề nghiệp

Tôi gặp Nguyễn Thị Thắm vào ngày cuối cùng cô có mặt ở Sài Gòn trước chuyến đi xa. Thắm không sống ở Sài Gòn đã nhiều tháng nay, dù trước đó, cô từng lê mòn đôi dép khắp phố xá Sài thành, bởi đã có mấy năm trời học khoa Đạo diễn, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Sinh ra ở Hòa Bình nhưng Thắm không sống tại Hòa Bình. Cô theo cha mẹ đi làm khắp các tỉnh - nơi có các công trình thủy điện. Từ miền ngược xuống miền xuôi, từ đồng bằng lên cao nguyên. Đến giờ thì gia đình Thắm đã yên ổn tại phố núi Pleiku, sau khi cha mẹ cô hoàn thành công việc ở thủy điện Yaly và nghỉ hưu an dưỡng tuổi già.

Ngày còn nhỏ, Thắm chỉ thích làm giáo viên, công việc tương đối ổn định. Năm cô học lớp 10, nhà trường tổ chức tập kịch. Thắm khám phá ra bản thân có khả năng viết 1 câu chuyện và nhen nhóm câu chuyện ấy thành vở kịch hoàn thiện. Cứ vở kịch nào mà Thắm tham gia thì đều giành giải Nhất. Về tới nhà là cô mê mẩn coi các series phim truyền hình Nam Mỹ thời điểm ấy, thực chất là thú giải trí ít có sự chọn lựa, thời của những Nô tì Isaura, Đơn giản Tôi là Maria…

Cuộc đời mở ra chương mới với Thắm, khi cô đậu vào khoa Đạo diễn, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Vì sở thích làm phim tài liệu, với sự độc lập bản chất của thể loại, mà Thắm tham gia trong chương trình phim tài liệu của Hiệp hội Varan (Pháp). Nhưng “cơm áo chẳng đùa với khách thơ”, ra trường, cô gái cá tính mạnh mẽ này đành phải gác giấc mơ làm phim tài liệu lại, để đi kiếm tiền nuôi sống bản thân. Thắm tham gia viết kịch bản chung, làm trợ lý phim truyền hình và còn tham gia làm phim báo cáo của tổ chức phi chính phủ của Hà Lan trong việc trợ giúp cho nông dân Việt Nam cách thức chăn nuôi, trồng trọt. Trong một lần theo chương trình này tại Nha Trang, Thắm gặp đoàn lô tô của chị Phụng.

Tận cùng với nhân vật

Biết nói sao nhỉ. Chỉ có thể là cái duyên trong đời. Bữa ấy, ở khu vực ấy, có 2 đoàn lô tô, tạp kỹ. Vậy nhưng Thắm lại cứ ngồi chờ ở đoàn lô tô của chị Phụng. Người ta nói bà chủ đoàn đi vắng rồi, mà Thắm cứ chờ. Hai tiếng trôi qua, đến khi gặp được người cần gặp, Thắm nói: “Em tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh, rất muốn làm bộ phim về cuộc sống của các chị!”. Chị Phụng: “Em làm thế nào?”. Thắm: “Em chỉ quan sát, các chị sống thế nào thì em quay thế ấy, không hơn không kém”. Chị Phụng: “Được, em làm đi!”.

Vậy là Thắm ở lại đoàn lô tô ấy. Cô gọi thêm người bạn gái tên Đào Thi Thơ để hỗ trợ mình. Kiếm người đồng hành thật khó, phải là người hiểu chuyện, máu phiêu lưu, lại thích đi chơi. Hơn nữa, không bận rộn gì. Thơ thu âm thanh dùm Thắm, còn Thắm thì trực tiếp quay và đạo diễn.

Ban đầu, Thắm nghĩ, cô sẽ thực hiện bộ phim tài liệu này trong vòng 4-5 tháng mà thôi. Bởi cô cũng chỉ có chừng hơn 100 triệu tiền dành dụm tiết kiệm. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ đã “vỡ trận”. Thắm và Thơ ăn ngủ chung với đoàn lô tô, qua rất nhiều tỉnh, thành, huyện. Độ thân mật với nhân vật mỗi ngày mỗi tăng, khiến cho sự kiện chân thật chạm đến tới ngưỡng Thắm không thể dứt ra được nữa. Cô cần thêm thời gian để theo tiếp diễn tiến của phim và khốn khổ bởi ý nghĩ không biết làm sao để kết thúc.

Đến tháng thứ 4 thì Thắm bắt đầu lo lắng vì tiền tích cóp đã hết rồi. Cô liên lạc với thầy Andre Vain, ông thầy trong Hiệp hội Varan để tìm sự giúp đỡ. Sau khi xem chừng 1/5 bộ phim mà Thắm đã quay thô, tất nhiên là chưa dàn dựng, bên Varan đã đồng ý hỗ trợ cho cô đạo diễn trẻ này một khoản tiền đủ duy trì công việc tiếp tục cho đến khi quay xong. 13 tháng chấm dứt.

Giai đoạn cuối, Thắm thấm mệt vì đuối sức. Có lúc cô bạn Thi Thơ đồng hành cũng phải về Sài Gòn để lo công chuyện của mình. Chỉ có Thắm là đeo đuổi giấc mơ. Cô như thành viên trong đoàn. Những khi không quay phim thì Thắm bán lô tô và dọn dẹp. Cô chạy thoăn thoắt giữa các gian hàng của đoàn, giữa những trò chơi lô tô, giữa các suất diễn tạp kỹ, cùng các gian hàng đu quay, bắn súng…

Chỉ đơn giản, là Thắm!

Phim quay xong, tới công đoạn làm hậu kỳ. Từ tháng 9/2009 đến tháng 3/2014, nghĩa là trong 5 năm, Thắm đi xin tiền để dựng phim, dựng âm thanh, hòa âm và chỉnh màu cho bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Có giai đoạn dựng ở Việt Nam, có giai đoạn Thắm qua Pháp để dựng hậu kỳ. 2 tháng ở Pháp, Nguyễn Thị Thắm nhỏ bé hàng ngày lầm lụi đi tàu điện ngầm, xe bus để tới nơi thực hiện công việc của mình. Tháng 6/2014, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được ra mắt tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu ở Việt Nam. Diễn viên Hồng Ánh coi xong thấy hay quá, liền đề nghị với tác giả đưa phim ra rạp. Hiệu ứng của phim từ phản ứng tích cực của khán giả trẻ gây bất ngờ với chính người trong cuộc.

Tháng 9/2014, bộ phim này đã được trình chiếu tại các cụm rạp bán chuyên nghiệp ở Sài Gòn, sau đó là Hà Nội. Thế rồi cùng với Cánh đồng bất tận, Đập cánh giữa không trung, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã thay phiên nhau trình chiếu trong khuôn khổ của Art court tại rạp CGV.

Cách nay nhiều tháng, Thắm đã không còn sống tại Sài Gòn bằng việc cơ bản là trả lại căn nhà đã thuê. Thời gian bộ phim trình chiếu tại Sài Gòn, Thắm sống trong căn phòng thuộc công ty của diễn viên Hồng Ánh. Gặp tôi xong, Thắm nói, mai cô sẽ đi Long An để đến gia đình chị Phụng thắp nhang, sau đó, cô sang châu Âu với tư cách khách mời tại Liên hoan phim Berlinad. Chúng tôi ngồi cà phê vỉa hè xong, Thắm nói: “Chị em mình mở điện thoại ra selfie nhé. Em selfie có nghề lắm!”. Ừ, thì “tự sướng”!

Thắm từng có bạn trai nhưng từ khi đi làm phim thì cô trở về cuộc sống tình cảm một mình. Thắm vẫn tiếp tục theo đuổi dòng phim tài liệu, luôn luôn nghĩ để làm tiếp đề tài nào đó. Trong lúc suy nghĩ, thôi cứ về phố núi Pleiku ở với bố mẹ cho lành!


Nguyễn Thị Thắm (giữa) trong buổi ra mắt bộ phim

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn