Đào, phở và piano khéo léo trong việc chọn một không thời gian vừa vặn với khuôn khổ và kinh phí có hạn. Hầu như các tình tiết chỉ diễn ra trong ngày cuối cùng trước khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội sau 2 tháng "Quyết tử để tổ quốc Quyết sinh".
Phim không nói về người ra đi mà quan tâm số ít người trụ lại nơi mũi tên hòn đạn. Đồng nghĩa với việc số lượng nhân vật được giới hạn để phim có thể tập trung mô tả họ kỹ lưỡng hơn. Khai thác thường dân chứ không phải nhân vật lịch sử hay anh hùng cũng là một hướng hay để tác giả tự do triển khai các câu chuyện về từng thân phận và quanh các đối tượng mà tên phim đề cập là đào, phở và piano. Nhưng khi xem, khán giả không thấy có nhiều chuyện để kể, ngoài tuyến trung tâm duyên kỳ ngộ giữa Văn Dân và Thục Hương.
Thục Hương nói với đội tự vệ khi bị bắt giữ là cô bị lạc gia đình và quay về để lấy cây đàn, nhưng cũng không cho biết sẽ mang đàn đi đâu. Mà đây lại là đàn piano đứng, một người tay không chắc chắn không thể bê đi đâu được. Vậy nhưng các chiến sĩ vẫn nhiệt tình giúp cô ròng đàn từ trên gác xuống cho đến khi bị quân Pháp phát hiện. Chúng chỉ bắn hạ đàn chứ lại không bắn người. Mang đàn đi tản cư là tình tiết gợn nhất của phim, giữa nhiều tình tiết khác cũng không hề theo logic thông thường.
Sẽ hợp lý hơn nếu Hương quay về để tìm người yêu, nhưng hai người cứ như thể chỉ tình cờ gặp lại và lao vào nhau. Và để sự lao vào đó được hợp thức hóa, họ đã tổ chức ngay một đám cưới vào thời điểm có thể nói là thuận lợi khi tạm ngưng tiếng súng. Thay vào đó là tiếng nhạc từ máy quay đĩa thật bình yên, toa tầu điện được chăng đèn kết hoa thành phòng tân hôn. Quân Pháp khi đó chắc đã yên ngủ cả nên không nghe nhìn thấy gì...
Như vậy họ quá may mắn so với cặp tình nhân trong phim Chiếc chìa khóa vàng (2001). Phim của Lê Hoàng cũng xoay quanh quá trình tìm kiếm một căn phòng tân hôn của đôi trai gái trước khi chàng trai phải lên đường ra trận cho kịp giờ. Còn Dân trong phim của Phi Tiến Sơn không định đi tìm đồng đội nên thoải mái thời gian hơn.
Nhưng bảo rằng đó là thời điểm thật thuận lợi để nhận "bí tích hôn phối" thì chưa chắc vì mỗi người còn chưa định đoạt được số phận của mình. Nhưng Dân và Hương đã quyết thì mọi người nhiệt tình giúp, cũng như vụ chuyển đàn vậy. Mục sư còn bỏ cả nhà thờ đến tận chiến lũy giúp cặp tình nhân làm lễ. Sau đó không ai đưa về nên ông ở lại cắt máu cho họa sĩ vẽ tranh. Đây hẳn là sự tận hiến cho nghệ thuật chứ ông xác định mình trung lập không đứng về phe nào. Giữa thời điểm ngặt nghèo như thế mà sẵn sàng tự làm bản thân bị thương như họa sĩ và cha xứ chỉ vì một bức vẽ trên tường cũng là một cách làm toát lên sự lãng mạn đến kiệt cùng của nhân vật.
Các yếu tố ở tên gọi đều góp mặt trong phim nhưng vẫn thiên về hình thức. Phim dành hơi nhiều thời gian chỉ để quay cận bát phở theo phong cách quảng cáo thay về kể câu chuyện rồi lai lịch của gánh phở. Xuất xứ của bản đàn Thục Hương dành riêng cho đám cưới không được đả động, chưa kể trong suốt phim tiếng đàn đáy vang lên nhiều hơn piano. Làng đào Nhật Tân khiến nhiều khán giả thất vọng khi chỉ có lơ thơ vài cành (tất nhiên hoa bằng giấy) cắm lẫn trong vườn rau...
Các nhân vật (ngoại trừ Dân chọn quyết tử thay vì đi tìm đồng đội) hành xử như kiểu họ biết trước mình chỉ còn một thời gian ngắn nữa để sống nên cứ hết mình cho công việc mà họ hằng tâm huyết. Những người ở lại trong vùng tranh chấp hẳn chẳng còn gì phải lo lắng. Họ cứ vô tư nói những câu chuyện bâng quơ về sở thích bản thân hơn là đả động đến thời cuộc cũng như các cách thức để sinh tồn trước mắt.
Ông Phán đại diện cho tầng lớp đại tư sản bình thản ngồi trong nhà nghe ca trù. Mà không hiểu bằng thần giao cách cảm hay thế nào mà đang ở nhà ông lại biết đích xác chỗ cậu bé đánh giày trúng đạn ngã xuống trong đêm để đến ứng cứu. Vì sao ông không mời cậu bé vào ở trong nhà mình cho an toàn hẳn đi?!
Tất nhiên đã có những tấm gương anh dũng cầm bom ba càng lao vào xe tăng địch nhưng đó là sự hy sinh có chuẩn bị, có mục đích. Khác với sự vô tư đánh cược mạng sống một cách không cần thiết.
Thục Hương là nhân vật có tính cách phức tạp, biến đổi khôn lường. Trong tình cảm, cô tỏ ra bạo dạn và chủ động. Lại có gu thời trang xem ra đi trước thời đại khi mặc vest nam phủ ra ngoài một bộ đồ lót liền mảnh bằng ren đen và cứ thế ra ngoài ngắm trăng cùng chồng. Chắc họ yên tâm vì khi đó ông họa sĩ và cha xứ đã ngủ. Nhưng liệu tiết trời Hà Nội đêm tháng 2 có hợp lý để cảnh đó xảy ra?
Hương thể hiện như người có thần kinh yếu khi bốc đất cát thả lên tàn tích của cây piano và bảo đó là chôn đàn. Đoạn này hẳn tác giả mượn tính cách của Lâm Đại Ngọc - nhân vật chôn hoa trong Hồng lâu mộng để áp cho Hương. Lập trường cô thay đổi nhanh chóng. Đang tình nguyện ở lại làm cứu thương cho tiểu đội và đã rút đi cùng mọi người thì lại đùng đùng quay về chờ Dân chỉ vì nghe chỉ huy nói anh phản bội (do tự ý bỏ đi tìm vũ khí không thấy về). Đoạn này vô lý ở chỗ việc rút quân là tuyệt mật, không thể để Hương dễ dàng trốn chạy như thế.
Lại nói về Dân trở về chiến lũy muộn một phần vì bê theo cành đào, vì anh cho rằng chiến lũy cũng cần đào không kém gì đạn. Trên đường vận chuyển đào có đoạn anh vun mấy cánh hoa rụng tỏ ý nâng niu. Tinh thần thương hoa tiếc ngọc của người Hà Nội tiếp tục được nhấn mạnh.
Còn ông hàng phở tất nhiên phải yêu phở rồi. Chỉ vì bọn giặc bắn thủng nồi nước dùng mà ông nổi giận xông ra đánh nhau tay bo với chúng. Chắc rằng cũng vì căm thù giặc dồn nén trước đó chứ không hẳn chỉ vì phở quên cả mạng sống. Nếu bình tĩnh hơn chắc ông đã không chết một cách vô ích như vậy.
Đạo diễn để cho các nhân vật hành động một cách máy móc để chứng tỏ phẩm chất đặc biệt nào đó, mà quên không trang bị cho họ chút rung cảm hay lý trí để chứng tỏ tính người. Dân ở lại quyết tử chỉ để chứng minh rằng mình không hèn và xem ra sẵn sàng bỏ lại vợ vừa cưới không chút vấn vương. Cũng không thể cắt nghĩa rằng Hương muốn cưới Dân trước khi anh có hành động cảm tử. Vì ngay sau đêm tân hôn cô lại đòi về Nam Định kể cả một mình để có điều kiện chơi đàn. Sau đó được Dân giảng giải về lòng yêu nước căm thù giặc mới ở lại.
Kết cục của hầu hết các nhân vật trong phim hẳn là để nhắc nhở trong lịch sử còn nhiều sự hy sinh không cần được ghi nhận của nhiều người vô danh khác. Có lẽ điều này góp phần khiến phim chạm được đến số đông khán giả gây nên cơn sốt bất ngờ. Với lòng yêu nước và tự hào dân tộc sẵn có, khán giả bị lay động mà sẵn sàng bỏ qua những điểm vô lý của kịch bản. Cũng như sự hạn chế và giả trông thấy của bối cảnh. Chắc cũng vì họ cho rằng phim Việt được như thế cũng là tốt lắm rồi.
Tất nhiên phim lịch sử là thể loại khó ở Việt Nam ít ai dám làm, chính vì thế mới cần sự đặt hàng của Nhà nước. Dù vẫn còn đó những hạt sạn nhưng nhu cầu và sự sẵn sàng đón nhận của khán giả - tín hiệu tích cực mà hiện tượng Đào, phở và piano đem lại - có thể khiến cho các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư vào dòng phim này.
Đào, phở và piano có thể không được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng vẫn tạo sóng từ công chúng Hà Nội là tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy khán giả quan tâm tới phim Việt, lại còn là phim lịch sử. Nhưng cũng có thể Đào, phở và piano thu hút khán giả bởi vì đề tài lịch sử về vùng đất quê hương đã và đang khiến họ thêm hào hứng. Để khách quan hơn chắc phải chờ hiệu ứng khán giả ở các tỉnh thành khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn