Năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thí điểm đào tạo 22 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại 45 trường cao đẳng nghề với tổng sinh viên lúc đó là 1.056. Đến nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành chuyển giao 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm quốc tế từ Úc và Đức. Hiện đang thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cho khoảng hơn 2.000 sinh viên để khi tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp hai bằng, một bằng cao đẳng nghề của Việt Nam và một bằng của Úc hoặc Đức.
Đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng nghĩa với việc đội ngũ giảng viên cũng phải tự "nâng cấp" trình độ của mình để có thể giảng dạy được chương trình nước ngoài. Hệ thống cơ sở vật chất phải đổi mới, đặc biệt là các phòng thực hành phải bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0, thậm chí 5.0.
Trái ngược với suy nghĩ của rất nhiều người về học nghề như trượt đại học mới tìm đến học nghề hoặc do học nghề không phải thi nên học nghề không cần phải có học lực, tư duy tốt. Trái lại, học nghề lại rất cần sinh viên có tư duy, khả năng phân tích và quyết đoán. Hầu hết ở các nước phát triển, đào tạo nghề rất được chú trọng và không thua kém so với đào tạo đại học chính quy, thậm chí nhiều sinh viên từ bỏ cơ hội vào các trường đại học lớn để học nghề.
Đào tạo theo chương trình nghề quốc tế ở Việt Nam đang là điểm mới. Chính vì vậy có thể coi như đây là thế hệ đầu tiên và tiên phong trên thị trường lao động quốc tế. Hiện nay, các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế ở Việt Nam đang chủ yếu liên kết với Úc và CHLB Đức. Theo tiêu chuẩn của CHLB Đức, các trường lựa chọn giảng viên tham gia đáp ứng các quy định chung hiện nay và phải đạt chuẩn kỹ năng nghề nghiệp và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Đức. Ngoài ra, giáo viên cũng phải đáp ứng trình độ tin học phục vụ cho việc giảng dạy.
Bên cạnh đó là vai trò quan trọng và cấp thiết của việc học ngoại ngữ. Hầu hết các chương trình đào tạo nghề quốc tế đều có chuẩn trình độ ngoại ngữ B1 theo khung đánh giá năng lực của châu Âu. Thời lượng đào tạo ngoại ngữ những ngành nghề 3 năm là 600 giờ và ngành nghề 3,5 năm là 540 giờ.
Còn phần chuyên môn, phải có tối thiểu 5.304 giờ đến 6.188 giờ tùy theo nghề học. Đó là yêu cầu bắt buộc, nếu không sẽ không đáp ứng khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn ngoại ngữ này nếu so sánh với đào tạo trong nước thì ngang với bậc đại học, có trường ngang với bậc thạc sĩ.
Việc thi tốt nghiệp của sinh viên cũng được thực hiện theo quy định của CHLB Đức. Mỗi lớp học không quá 24 sinh viên. Trường đào tạo nghề phải thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên ra trường.
Theo mô hình của CHLB Đức, việc gắn kết với doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trường phải có mạng lưới liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và cam kết bố trí việc làm cho 100% sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên môn.
Khảo sát tại chương trình đào tạo Kỹ sư thực hành quốc tế chuyên ngành kỹ thuật điện theo tiêu chuẩn CHLB Đức (gọi tắt là chương trình Five) đang được đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội (HACTECH) liên kết với Học viện quốc gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Landesakademie (LAK), bang Baden Wuttemberg, thì 100% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng. Trong đó, có đến khoảng trên 30% sinh viên cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội để sang Đức làm việc. Nhiều nhà tuyển dụng như Samsung, Unilever, Nhà máy hóa lọc dầu Nghi Sơn, thang máy Schindler Việt Nam... đều đánh giá rất cao chất lượng nguồn nhân lực từ chương trình Five.
Chương trình Five được đào tạo tại HACTECH từ năm 2017, hiện tại đã đào tạo được 4 khóa với gần 100 sinh viên tốt nghiệp. Bắt đầu từ năm nay, chương trình Five được đào tạo kết hợp với chương trình chất lượng cao để rút ngắn thời gian học mà sinh viên vẫn nhận được bằng tốt nghiệp của Đức. Đây được cho là một trong những chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế thành công điển hình ở Việt Nam từ trước khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai kế hoạch năm 2019.
Sinh viên Nguyễn Thế Hưng, chương trình Five 20 chia sẻ: Chương trình Five khác hẳn so với chương trình trong nước, đội ngũ giảng viên làm chủ được các giáo trình, bài giảng của Đức, sinh viên muốn theo học phải có năng lực và đam mê. Chương trình cũng là cầu nối để sinh viên tham gia thị trường lao động quốc tế, nơi có thể đem về mức lương cao và nhiều cơ hội phát triển hơn. Tuy nhiên, nếu sinh viên được sang Đức học một kỳ theo hình thức trao đổi thì chất lượng sinh viên sẽ càng tăng thêm, ngoài ra, nếu có thêm các chương trình nghề quốc tế khác thuộc nhiều quốc gia sẽ thêm nhiều sự lựa chọn hơn cho sinh viên và việc đào tạo ngoại ngữ đạt chuẩn có thể tích hợp ngay trong chương trình giảng dạy để sinh viên không phải tìm địa điểm học ở ngoài.
Với việc có được tấm bằng nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết nghĩ cần xóa bỏ các loại hình chứng chỉ hành nghề, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho lực lượng lao động tay nghề cao phát huy kỹ năng trong môi trường thuận lợi, đó sẽ là động lực để nhân rộng hơn nữa mô hình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế.
Xu hướng đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế không chỉ là lối ra cho các trường nghề tại Việt Nam mà còn là dịp để tiếp cận nhanh với trình độ lao động quốc tế. Đội ngũ lao động tốt nghiệp từ chương trình tự tin làm việc tại các công ty xuyên quốc gia, có nền tảng để trở thành kỹ sư cấp cao hoặc quản lý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn