Đáp án cho cơn khóc dai dẳng của trẻ sơ sinh

18:19 | 07/03/2016;
Rất nhiều bà mẹ từng bị khủng hoảng tinh thần bởi những trận khóc dữ dội không rõ nguyên nhân của trẻ sơ sinh.
Khóc ngằn ngặt không rõ nguyên nhân
Nhiều bà mẹ trẻ đã từng rất đau khổ khi vừa không thể dỗ con nín khóc, lại vừa phải nghe những lời trách mắng của người thân như “mẹ bế con mà con khóc dữ thế?”, “mẹ vụng về, không biết cách dỗ con” hay “làm sao mà con khóc suốt vậy?”… Nếu không sớm lý giải được nguyên nhân vì sao con hay quấy khóc, rất có thể mẹ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, thậm chí trầm cảm.

Một số trẻ không bị ốm, đói, nóng, lạnh, mệt mỏi, ẩm ướt… nhưng lại kêu thét, bụng quặn lại, chân đạp mạnh, khóc tái mặt, khiến cha mẹ và người chăm sóc tưởng rằng trẻ bị đau bụng. Sau khi được ủ ấm, thoa dầu, trẻ vẫn không ngừng khóc. Thực ra trẻ không hề bị bệnh, y học gọi đó là “hội chứng colic”. Nguyên nhân gây ra hội chứng này hiện vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên các chuyên gia hướng nhiều đến hai yếu tố cơ bản là chế độ dinh dưỡng của mẹ và giấc ngủ của trẻ. Một số thực phẩm người mẹ ăn vào có thể gây dị ứng cho trẻ thông qua sữa mẹ. Hay giấc ngủ không tốt sẽ gây ra hiện tượng khó thở và làm các hormone như prostaglandin, progesterone tăng cao khiến bé cảm thấy khó thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ.
cach-hay-cho-me-xu-tri-tre-quay-khoc-dem-hinh-1.jpg
 Bà mẹ trẻ hoang mang khi con quấy khóc không rõ nguyên nhân (ảnh minh họa)
Đừng hoang mang khi con mắc “hội chứng colic”
Trước hết cần phân biệt trẻ khóc do “hội chứng colic” hay do ốm, bệnh. Hãy làm mọi cách thu hút sự chú ý của trẻ (đung đưa các đồ vật nhiều màu sắc trước mặt trẻ)... Nếu trẻ khóc do bệnh thì trẻ sẽ không hướng sự chú ý đến các sự vật, sự việc khác. Thêm nữa, “hội chứng colic” thường xuất hiện ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau sinh và tăng dần đến 6 hay 8 tuần tuổi. Trước khi bắt đầu cơn khóc, trẻ vẫn ăn và chơi bình thường. Cơn quấy khóc thường diễn ra trong cùng một khoảng thời gian và có dấu hiệu lặp lại mỗi ngày.

Không cần thuốc
Để cắt hội chứng colic, người chăm sóc trẻ không cần dùng thuốc mà phải kiên trì và dỗ dành đúng cách. Tốt nhất là tạo ra môi trường bao bọc giống như bụng mẹ. Hãy thật nhẹ nhàng ôm trẻ vào lòng, đặt trẻ ở tư thế đối diện và càng gần vị trí tim bạn càng tốt (vì trong bụng mẹ trẻ thường xuyên nghe thấy tiếng tim mẹ đập), đong đưa thật nhẹ và hát ru để trẻ có cảm giác an tâm.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn