Đáp án môn Lịch sử vừa công bố đã phải đính chính

15:50 | 27/06/2017;
Được cho lỗi kỹ thuật “nhảy ô và nhòe chữ” liên quan đến file mềm, đáp án môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia, chỉ sau một đêm đã... "nhảy" từ D sang A.

Đính chính đáp án

Cụ thể, câu hỏi số 22 trong mã đề 302 môn Lịch sử, kỳ thi THPT quốc gia 2017 hỏi: Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất trong khi thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở miền Nam Việt Nam?

Đáp án chính thức được Bộ GD&ĐT công bố ngày 24/6 - ngay sau khi kết thúc kỳ thi là đáp án A - Chiến tranh cục bộ.

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, ngày 25/6, đáp án ở câu hỏi này đăng trên cổng thông tin của Bộ lại là D - Chiến tranh đặc biệt. Nhầm lẫn đáp án khiến thí sinh và phụ huynh khá lo lắng về kết quả bài thi.

Liên quan đến điều chỉnh này, TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, sự khác nhau giữa đáp án là do bản thông tin ban đầu được sao chép từ đĩa nén, có lỗi nhảy ô và nhòe chữ. Đây là lỗi về kĩ thuật.

“Ngay tối 24/6, Bộ GD&ĐT đã thay thế bằng bản scan văn bản cứng dùng để gửi đi các Sở GD&ĐT (có dấu đỏ) và đưa lên website của Bộ GD&ĐT. Như vậy, đáp án đúng là phương án D - chiến tranh đặc biệt”- ông Hồng cho hay.

Đề chưa toàn diện

Liên quan đến đề thi, nhiều giáo viên dạy Lịch sử cho rằng, với một đề thi trắc nghiệm khách quan, dữ liệu được chọn ra phải chính xác, chỉ có một đáp án đúng. Tuy nhiên, câu hỏi sai đáp án nói trên lại thiếu tường minh và chặt chẽ.

Thầy Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên môn Lịch sử ĐH Quảng Bình, cho rằng, đáp án của Bộ GD&ĐT không sai nhưng không phản ánh đúng bản chất nên gây nhầm lẫn cho thí sinh.

“Đã là đề thi tầm quốc gia thì phải khu biệt được kiến thức một cách rõ ràng. Tuy nhiên, đề năm nay chưa thật sự toàn diện. Toàn bộ chiến tranh chống Mỹ chỉ có một câu hỏi mà câu hỏi không hỏi trúng vào trọng điểm của cuộc chiến tranh này. Ngoài ra, nhiều câu hỏi không rành mạch, không xoáy vào sự thông minh, tư duy của học sinh” - thầy Thái nhận định.

Theo thầy Thái, có 3 nguyên tắc để xây dựng đề Lịch sử cho chuẩn: Câu hỏi đánh đúng vào trọng tâm từng mốc lịch sử của giai đoạn, quan hệ logic với nhau giữa các giai đoạn lịch sử và các câu hỏi tập trung vào tư duy lí luận, tư duy logic.

“Đề năm nay chỉ đạt được một tỉ lệ nhỏ của những nguyên tắc này. Nhiều câu hỏi trong đề bắt học sinh nhớ sự kiện và ngày tháng. Một câu hỏi hay và chuẩn là yêu cầu người thi phải nhớ được sự kiện, tính chất và vai trò của sự kiện đó chứ không phải là nhớ ngày tháng, sự kiện đơn thuần”- thầy Thái chỉ ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn