Sáng 29/7, khoảng 30 hội viên, phụ nữ thành phố Hà Nội đã đạp xe đạp quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm để tuyên truyền Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người và Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).
Mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), số lượng nạn nhân mua bán người mỗi năm tăng từ 20 nghìn người năm 2003 đến khoảng 49 nghìn người năm 2018, trong đó số lượng nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó 19% trẻ em gái), số lượng nạn nhân nam chiếm đến 35% (trong đó 15% trẻ em nam) với nhiều hình thức bị mua bán bao gồm: 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.
Các hội viên phụ nữ đã đạp xe khoảng 2 tiếng quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm để tuyên truyền về Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người và Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ.
Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người lợi dụng triệt để mạng xã hội để kết bạn, làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do người nước ngoài điều hành, nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, nếu muốn về nước thì phải chuộc một khoản tiền rất lớn. Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn