Cô con gái nhỏ Penelope của Josh Hyman, sống tại New York, Mỹ, đã say mê bộ phim hoạt hình "Peppa Pig" ngay từ lúc bắt đầu tập nói. "Peppa Pig" là một loạt phim hoàn hình được sản xuất bởi nước Anh kể về những câu chuyện xung quanh gia đình, bạn bè của chú heo hồng đáng yêu với cái tên Peppa, đây cũng là một trong những chương trình nổi tiếng nhất dành cho trẻ em trên toàn thế giới.
Ngay từ lúc 2 tuổi, cô bé Penelope đã bắt đầu phát âm các từ đơn giản như “holiday” (kỳ nghỉ), “potato” (khoai tây) hay những câu giao tiếp hằng ngày như “Who's speaking, please?” (Ai đang nói vậy ạ?) bằng giọng Anh thay vì giọng Mỹ.
Mặc dù cùng một ngôn ngữ, tiếng Anh ở các vùng khác nhau trên thế giới như tại Anh, Bắc Mỹ hay Úc có những sự khác biệt nhất định về phát âm, cách sử dụng từ vựng, chính tả...
Ban đầu Hyman cảm thấy khá hoảng loạn vì không biết tại sao con gái lại nói thế, nhưng sau đó anh chợt nhận ra rằng những bậc cha mẹ khác cũng có chung lo lắng như mình, rằng vốn từ vựng của con họ bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng Peppa".
Trong bài phỏng vấn với tờ báo Global News, Hyman đã chia sẻ: “Tôi đoán là những người làm cha mẹ đều sẽ có những lúc hoảng sợ vì con mình học theo giọng nói của chương trình truyền hình. Tuy nhiên về mặt tổng thể, tôi yêu thích sự lém lỉnh và ham học hỏi của nhân vật heo Peppa, vậy nên tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem việc thay đổi cách nói này là một điều tốt, và thật sự là chúng cũng rất đáng yêu".
Natalie Preddie-Zamojc hiện đang sống tại Toronto, Canada cho biết con trai cô bắt đầu nói bằng giọng Anh vào khoảng 6 tháng trước: "Thằng bé xem bộ phim vài lần mỗi tuần, ngoài ra bé còn có cả sách và ứng dụng học với giao diện heo Peppa nữa".
Tuy nhiên điều này không làm Preddie-Zamojc cảm thấy khó chịu, thậm chí là cô để cho con có thể nói tự do và không bắt con phải thay đổi.
"Tại thời điểm này, thằng bé đang đi học 2 buổi mỗi tuần và số lượng người có thể nói chuyện cũng rất ít. Vậy nên cách nói chuyện này có thể chịu ảnh hưởng từ bộ phim, bà hoặc bác của nó", cô chia sẻ, "Mẹ và anh rể của tôi cũng nói giọng Anh, vậy nên tôi nghĩ bộ phim hoạt hình này có thể giúp thằng bé giao tiếp với bà và bác dễ hơn".
Một bà mẹ khác ở Toronto cũng nói rằng con trai cô xem heo Peppa mỗi ngày: "Thằng bé xem chương trình nhiều hơn và bắt đầu bắt chước những gì nhân vật trong phim nói. Tuy nhiên cũng giống như những thứ khác mà đứa con trai 3 tuổi của tôi học được, tôi thường lựa chọn lờ nó đi thay vì bắt con mình phải thay đổi ngay lập tức. Chúng ta càng tập trung vào nó thì thằng bé sẽ càng học nhiều hơn, vì vậy nên để bỏ thói quen này thì cách tốt nhất là lờ nó đi".
Lauren Bondar không hề tỏ ra lo lắng về chuyện con sẽ bị lẫn lộn giữa những cách phát âm, cô tin rằng càng lớn lên và bắt đầu nói chuyện với nhiều người hơn thì cậu bé sẽ bỏ được cách phát âm kia.
Theo phân tích trên mạng xã hội từ năm 2016 đến 2018, 2/3 số lượt đề cập đến Vương quốc Anh trên mạng xã hội của Mỹ liên quan đến văn hóa, trong khi chưa đến 1/5 liên quan đến chính trị.
Những người tham gia đã nêu bật 2 sự thật thú vị được tiết lộ về góc nhìn của người Mỹ đối với Vương quốc Anh: họ biết về ca sĩ Adele nhiều hơn về Brexit và Hogwarts (ngôi trường phù thủy trong loạt truyện ăn khách "Harry Potter") đứng đầu danh sách các cơ sở giáo dục Anh phổ biến nhất trên mạng xã hội Mỹ.
Theo tạp chí Babbel, giọng Anh - Anh giữ một ảnh hưởng nhất định đối với Hoa Kỳ. Nó được coi là quyến rũ hơn, dễ chịu hơn và nghe sắc sảo hơn giọng Mỹ. Tất nhiên, điều này đa phần liên quan đến chất giọng "chuẩn" của giới quý tộc Anh mà họ tự hào gọi là "The Queen's English" hay "BBC English" (giọng Anh của Nữ vương Anh hay giọng của phát thanh viên đài BBC).
Chỉ riêng giọng nói hấp dẫn không giải thích được sự say mê của người Mỹ với người Anh. Như nhiều nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra, việc đánh giá phương ngữ gắn chặt với việc đánh giá người nói. Do đó, có thể nói rằng văn hóa Anh vẫn có ảnh hưởng đến người Mỹ bên ngoài biên giới ngôn ngữ.
Trong tất cả những điều người Mỹ thích về Vương quốc Anh, chế độ quân chủ chắc chắn là điều gây bất ngờ nhất khi cuộc Cách mạng Mỹ vốn nổ ra để giành độc lập khỏi Đế chế Anh.
Trong vài thập kỷ qua, người Mỹ đã dành tình cảm mạnh mẽ cho Vương thất Anh. Trong khi Kate Middleton và Thái tử William hay vợ chồng em trai Harry - Meghan đã là trung tâm của sự chú ý trong vài năm qua, niềm đam mê của người Mỹ đối với gia đình đặc biệt này đã đạt đến đỉnh cao vào thời Vương phi Diana còn sống, khi bà là biểu tượng thời trang và một nhà tiên phong trong các nỗ lực từ thiện toàn cầu.
Sức ảnh hưởng này tiếp tục được chứng minh sâu rộng nhờ các bộ phim truyền hình về Vương thất Anh được trình chiếu trên các nền tảng trực tuyến. Trong khi hàng triệu người Mỹ xem và say mê chương trình "The Crown", nữ diễn viên chính của bộ phim này từng giành Giải Quả Cầu Vàng danh giá của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood năm 2017. Bản thân bộ phim cũng giành tới 4 giỉa Quả Cầu Vàng năm 2021.
Đó là chưa kể đến sức hấp dẫn của người từng đứng đầu Vương thất Anh - Nữ vương Elizabeth II quá cố. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, khoảng 11,4 triệu người Mỹ đã theo dõi đám tang của vị quân chủ.
Ngoài ra, suốt nhiều thập kỷ, văn hóa đại chúng và nghệ thuật Anh đã khiến cả nước Mỹ say mê. Một lượng lớn văn hóa phẩm mà người Mỹ tiêu thụ đến từ nội địa, nhưng một trong những loại hình nghệ thuật được yêu thích ở quốc gia này là âm nhạc Anh (với rất nhiều nghệ sĩ như Rolling Stones, David Bowie, Adele, The Beatles), phim truyền hình ("Doctor Who", "Downtown Abbey", "Monty Python") và kịch.
Có một lợi thế là không có rào cản ngôn ngữ, nhưng bản thân điều đó không giải thích cho tất cả sự say mê của người Mỹ. Vốn có quan hệ gần gũi, không khó hiểu khi văn hóa Anh vẫn chiếm được cảm tình tại xứ sở cờ hoa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn