Tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Nhà khoa học tâm huyết, nhà giáo truyền cảm hứng cho học trò

10:27 | 08/04/2021;
Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn có quãng thời gian gần 10 năm giảng dạy, rồi sau đó làm quản lý. Dù ở cương vị nào, ông cũng để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ.

Sáng nay (8/4), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn một số Bộ trưởng. Trong số đó có tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - PGS.TS Văn học Nguyễn Kim Sơn.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966 tại Hải Phòng. Rời ghế nhà trường phổ thông với những dự định nghề nghiệp rõ ràng, nhưng những năm tháng trên giảng đường đại học đã giữ chân ông lại. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến với ông từ ngày còn là sinh viên ngành Hán Nôm tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1985 đến 1990.

Dấu ấn nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh 1.

Chân dung tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: ĐHQGHN

Dấu mốc năm 1990, ông được Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học (cuộc thi đầu tiên do Bộ tổ chức). Cũng năm đó, ông tốt nghiệp loại xuất sắc và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh, đồng thời bắt đầu công việc giảng dạy tại Bộ môn Hán Nôm, khoa Ngữ văn (bây giờ là khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Quãng thời gian gắn bó của ông ở khoa Ngữ văn trong vai trò thầy giáo là 10 năm (tháng 4/1991 - tháng 2/1999). Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, ông được phân công về làm giảng viên tại Bộ môn Văn học Trung đại Việt Nam, giảng dạy phần Văn học Việt Nam thế kỷ X - thế kỷ XVIII, đồng thời tiếp tục giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, Triết học và Đông Phương học.

Trần Ngân (Cựu sinh viên khoa Ngữ văn khóa 48 - ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ niềm vui khi biết tin thầy giáo của mình trở thành tư lệnh ngành giáo dục. Đã từng được thầy giảng dạy, với Ngân và nhiều bạn bè cùng khóa, thầy là niềm tự hào, ngưỡng mộ của các thế hệ sinh viên của trường. 

"Ở thầy, tôi thấy hội tụ đầy đủ tâm và tầm. Bản thân tôi không biết diễn tả như thế này để bày tỏ sự xúc động khi thầy được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Xin chúc mừng thầy!", Ngân chia sẻ.

Một điều khá thú vị là bên cạnh chuyên môn giảng dạy, ông Nguyễn Kim Sơn từng giữ chức Bí thư Đoàn trường ĐH KHXH&NV Hà Nội vào năm 2002. Không ít lần ông có những cuộc trò chuyện, bài phát biểu truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên, để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ.

Tháng 6/2016, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn giữ cương vị Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. Với cương vị mới là lãnh đạo cao nhất ĐH Quốc gia Hà Nội, ông vẫn dành thời gian để gặp gỡ, trò chuyện với sinh viên.

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Ngữ văn, trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2016, là một cựu sinh viên của khoa, ông tâm huyết nhấn mạnh truyền thống, đó là tính nhân văn cao đẹp, sự kết hợp khoa học, lý tính với nghệ thuật, nhân văn với thẩm mỹ trong từng con người nhà giáo và sinh viên, trên từng trang sách, từng bài viết và lời giảng.

"Khoa Ngữ văn cần phải vận động và tiến lên để thích ứng với cuộc sống mới. Cần đổi mới về mô hình phát triển và tương lai của khoa Văn học. Khoa học cơ bản, văn chương và nghệ thuật đang đứng trước thách thức to lớn của thời kinh tế thị trường. Sinh viên không thể có nhiều việc làm và sống bằng nghề nghiên cứu phê bình văn học, một nghề cần rất ít người và dành cho nhóm tinh hoa, có năng khiếu và đặc biệt đam mê… Vậy sinh viên văn học sẽ làm gì? Đây là câu hỏi lớn dành cho người quản lý từ cấp Khoa tới trường Đại học KHXH&NV”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhắn gửi.

Năm 2018, nhân ngày khai trường 5/9, ông đã có bài diễn văn khai giảng truyền cảm hứng tới học sinh trong lễ khai giảng tại Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Bài phát biểu "Những viên ngọc quý và công việc của người thợ đẽo ngọc" của PGS Nguyễn Kim Sơn nhận được tràng pháo tay vang dội của học sinh, khi ông gửi gắm thông điệp về cách nuôi dưỡng và phát huy tài năng của mỗi cá nhân.

“PGS.TS Nguyễn Kim Sơn là thầy Chủ nhiệm lớp Văn K44, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - lớp đại học của tôi. Thầy là một nhà khoa học đáng kính, tâm huyết với sự nghiệp khoa học nước nhà và là nhà giáo rất gần gũi, thân thiết với học trò. Thầy có nhiều quan điểm rất tiến bộ, có tính khai phóng về giáo dục con người. Trước các thầy cô giáo và học trò thầy đã từng phát biểu: “Những gì các em có thể làm đầu tiên chưa phải là tiếp thu nhiều kiến thức, nghĩ những điều siêu khó, giải được những bài toán hay, những bài tập mà nhiều người khác không giải được, mà cần bồi đắp tình yêu thương.
Tình yêu thương với con người nói chung, với cha mẹ thầy cô và bạn bè, với người xung quanh mình. Tình yêu thương mới là năng lượng vĩnh cửu và trong lành nuôi cho tài năng phát triển mạnh mẽ và đúng hướng. Nó là thứ có thể cho tài năng rạng tỏa chân chính và bền vững, nó tránh cho tài năng khỏi sa vào bi kịch, hay trở thành kẻ ác”.
“Các thầy, các cô cần có tấm lòng đủ rộng lớn để bao dung cho những khác biệt, đủ tinh tế để nhận thấy cái phi thường, đủ nhạy cảm để chia sẻ, đủ khéo léo để dẫn dắt, đủ tình yêu để nâng đỡ”.
Tôi rất kỳ vọng, bằng tài năng và tâm huyết của mình, Thầy sẽ có nhiều đóng góp, cải cách nền giáo dục nước nhà theo hướng ngày một phát triển hơn”.

Anh Nguyễn Duy Hiển, cựu sinh viên K44, khoa Văn học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội

Một số hình ảnh của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn trong vai trò Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội:

Dấu ấn nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh 3.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vào sáng 8/4/2021, trong sự tán thành của tuyệt đại đa số ĐBQH. Ảnh: VTC

Dấu ấn nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh 4.

Ngày 17/1/2017, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sang thăm và làm việc tại ĐH Quốc gia Hà Nội, Ban Giám hiệu và sinh viên Trường ĐH Việt Nhật. Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh, Trường ĐH Việt Nhật là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho Nhật Bản và Việt Nam. Ảnh: ĐHQGHN

Dấu ấn nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh 5.

Ngày 12/9/2017, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (bìa phải) đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội

Tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: "Nhà khoa học tâm huyết, nhà giáo truyền cảm hứng cho học trò" - Ảnh 6.

Ngày 21/09/2017, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đã có buổi gặp mặt và trao đổi với hơn 400 tân sinh viên đại diện cho các sinh viên khóa QH-2017

Tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: "Nhà khoa học tâm huyết, nhà giáo truyền cảm hứng cho học trò" - Ảnh 7.

Sinh viên khóa QH-2017 đặt câu hỏi với Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn

Dấu ấn nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh 6.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (bìa trái) đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm giao lưu với sinh viên Trường ĐH Việt Nhật - ĐH Quốc gia Hà Nội vào tháng 10/2020. Ảnh: ĐHQGHN

Dấu ấn nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh 7.

Tháng 9/2018, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Đại học Liên bang Viễn Đông. Đây là một trong những trường đại học lớn nhất ở Nga, đào tạo 23.000 sinh viên Nga và nước ngoài, trong đó có 40 sinh viên Việt Nam. Ảnh: Sputnik Việt Nam

Dấu ấn nhà giáo Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh 8.

Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị của Trung ương Hội Hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam cho Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị kỷ niêm 70 năm quan hệ Việt-Nga năm 2020. Ảnh: ĐHQGHN

Tiểu sử tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Ngày sinh: 18/11/1966

Ngày vào Đảng: 26/12/2000

Quê quán: xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng

Dân tộc: Kinh

Chức vụ:

- Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XIII

- Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp

Trình độ chuyên môn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn học

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

- 1990: Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

- 4/1991 - 2/1999: Cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn

- 1996: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam

- 3/1999 - 3/2002: Cán bộ giảng dạy khoa Văn học; Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

- 4/2002 - 3/2003: Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

- 4/2003 - 4/2006: Trưởng phòng Đào tạo kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

- 2005: Được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư

- 5/2006 - 5/2007: Trưởng phòng Đào tạo kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

- 2007-2008: Học giả nghiên cứu tại Học viện Harvard Yenching.

- 1/2009 - 5/2010: Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc

- 1/2012 - 2/2016: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

- 2/2016 - 6/2016: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội

- 6/2016: Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

- 1/2019: Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2018-2023

- 8/2020: Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025

- 30/1/2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn