Đau bả vai lan xuống cánh tay phải hay trái là vấn đề sức khỏe không hiếm gặp. Nó có thể gây ra cho người bệnh những cơn đau nhức hàng giờ đồng hồ.
Một trong những nguyên nhân gây đau bả vai lan xuống cánh tay thường gặp là do vận động sai tư thể. Theo đó, vận động vai và cánh tay quá mức, không đúng tư thể, nằm hay ngồi quá lâu không đúng tư thể làm cho các cơ vùng cổ gáy bị co cứng, máu lưu thông kém không đủ nuôi dưỡng các cơ, xương và dây thần kinh nên dẫn đến tình trạng đau bả vai lan xuống cánh tay.
Đau bả vai lan xuống cánh tay là vấn đề sức khỏe có thể xảy ra khi tủy sống và rễ dây thần kinh bị chèn ép. Khi các rễ thần kinh và tủy sống bị chèn ép sẽ dẫn đến hiện tượng tê liệt các đường dẫn truyền vận động và cảm giác. Trong đó, những tác nhân gây chèn ép rễ thần kinh và tủy sống bao gồm lao, viêm màng nhện tủy cổ, u tủy cổ...
Nguyên nhân gây đau bả vai lan xuống cánh tay khác là người bệnh mắc các bệnh lý về cột sống. Cụ thể, khi tuổi tác cao hoặc gặp chấn thương, các bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm....gây ra hiện tượng đau bả vai phải hoặc trái rồi lan cả xuống cánh tay.
- Thoái hóa đốt sống cổ và hẹp ống sống: Ở những người trưởng thành và các đối tượng là người cao tuổi, các đĩa đệm của đốt sống cổ bị lão hóa, phình ra. Không những vậy, các đĩa khô và cứng hơn, các đốt sống di chuyển gần nhau hơn.
Khi đó, hình thành thêm gai xương xung quanh đĩa để củng cố sức chịu đựng của đĩa đệm. Tuy nhiên, các gai xương này làm thu hẹp khoảng trống nơi rễ thần kinh thoát đi ra, gây chèn ép lên rễ thần kinh, từ đó gây nên hiện tượng đau bả vai lan xuống cánh tay.
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau bả vai lan xuống cánh tay. Khi đĩa đệm thoái hóa, xơ cứng và vỡ, nhân đệm thoát ra ngoài, chèn ép vào dây thần kinh, dẫn đến tình trạng đau lan từ bả vai xuống cánh tay.
Đọc thêm:
Tê bì tay chân – Dấu hiệu cảnh báo u cột sống
Những tư thế ngồi làm việc đúng giúp hạn chế đau mỏi vai gáy ở dân văn phòng
Tình trạng đau tim xảy ra khi lượng máu lưu thông đến tim bị gián đoạn. Đau tim thường liên quan tới chứng hẹp động mạch vành. Khi động mạch vành bị thu hẹp bởi các chất béo tích tụ lại, cholesterol và các tác nhân khác tạo nên mảng bám vào thành động mạch, gây tắc nghẽn động mạch.
Lâu ngày, các mảng bám vỡ ra, các cục máu đông hình thành, gây ra các cơn đau tim. Mà hầu hết các dây thần kinh phân nhánh đến tim thường qua vai và cánh tay trái để gửi tín hiệu tới bộ não. Vì thế, đau tim là nguyên nhân khiến người bệnh đau bả vai trái lan xuống cánh tay.
Cũng như đau bả vai trái, đau bả vai phải lan xuống cánh tay bên cạnh những nguyên nhân về vận động sai tư thế, rễ thần kinh bị chèn ép, các bệnh lý về cột sống còn có nguyên nhân từ các tổn thương khác.
Dưới đây là những tổn thương gây nên hiện tượng đau bả vai lan xuống cánh tay trái và phải
- Viêm bao hoạt dịch.
- Xương đòn bị gãy.
- Gãy xương bả vai.
- Chấn thương vai hoặc khớp cùng vai đòn.
- Chấn thương vòng bít xoay.
- Chấn thương do va đập.
- Viêm gân.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, đau bả vai lan xuống cánh tay còn do làm việc nặng quá sức thường xuyên và cơ thể bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, khi người bệnh bị bệnh túi mật thì có thể gây ra đau bả vai phải lan xuống cánh tay.
Tùy trường hợp mà các dấu hiệu của tình trạng đau bả vai lan xuống cánh tay khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều có các triệu chứng điển hình dưới đây:
- Những cơn đau nhức khó chịu ban đầu xuất hiện ở cổ, sau đó là ở vai, gáy, dẫn đến sự linh hoạt của cổ và đầu kém đi.
- Các cơn đau nhức sau thời gian sẽ lan xuống cánh tay phải hoặc trái, thậm chí lan xuống cả hai tay, khiến tay bị tê bì.
- Trong trường hợp bệnh diễn tiến trầm trọng, người bệnh có triệu chứng hoa mắt, đau đầu, ù tai, rối loạn chức năng tiền đình, viêm nhiễm khu trú, đi đứng không vững. Thậm chí, nguy hiểm hơn, nếu dây thần kinh bị chèn ép hợp thành 1 với dây thần kinh tủy cổ sẽ dẫn tới tình trạng tê liệt dây thần kinh.
Như vậy, đau bả vai lan xuống cánh tay là do nhiều nguyên nhân và có những triệu chứng điển hình. Trước khi điều trị, bác sĩ cần chẩn đoán xác định cụ thể nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Theo đó, để chẩn đoán đau bả vai lan xuống cánh tay, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và kiểm tra tiền sử y tế của người bệnh. Các bác sĩ sẽ cần biết các thông tin cơ bản như triệu chứng xuất hiện từ khi nào? Biểu hiện và mức độ của triệu chứng, Các dấu hiệu khác đi kèm, Tiền sử hoạt động thể chất, vận động khớp vai,Tiền sử bệnh cơ xương khớp và bệnh tim mạch của người bệnh.
Sau đó, để chẩn đoán cụ thể và chính xác hơn, các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ – MRI, chụp cắt lớp vi tính – CT Scan, xét nghiệm máu.
Cuối cùng, dựa vào kết quả của thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán về nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Đau bả vai lan xuống cánh tay có nguy hiểm không là băn khoăn của rất nhiều người. Theo các bác sĩ, mức độ nguy hiểm của tình trạng này tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ các cơn đau của người bệnh.
Nếu đau bả vai trái lan xuống cánh tay thường phải e ngại về vấn đề sức khỏe của tim mạch thì đau bả vai phải lan xuống cánh tay lại phải chú ý về các căn bệnh về đường mật, các chấn thương và các bệnh lý khác nếu có.
Thông thường, đau bả vai lan xuống cánh tay ban đầu chỉ gây ra cho người bệnh những cơn đau nhức, khó chịu, đặc biệt là vào buổi sáng.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, đau bả vai lan xuống cánh tay có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, người bệnh có thể phải đối mặt với những rủi ro sức khỏe sau:
- Rối loạn tiền đình gây ra hiện tượng thiếu máu não: Biến chứng này thường xuất hiện ở những người bệnh đau bả vai lan xuống cánh tay do thoái hóa đốt sống cổ. Hiện tượng chèn ép rễ thần kinh ở đốt sống cổ dẫn tới việc chèn ép mạch máu não, cản trở việc cung cấp oxy và các dưỡng chất lên não, khiến người bệnh mệt mỏi, suy giảm trí nhớ.
Tìm hiểu thêm bài viết: Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
- Tổn thương thần kinh tại vùng cánh tay: Biến chứng này thường xảy ra ở những người bệnh bị đau bả vai lan xuống cánh tay do thoát vị đĩa đệm cổ hoặc hẹp đốt sống cổ. Biến chứng này gây hiện tượng tê bì ở tay, teo cơ, giảm chức năng di chuyển, thậm chí gây ra liệt ở bàn tay, cánh tay và ngón tay.
- Tủy sống ở vùng cổ bị chèn ép: Biến chứng này gây những rủi ro sức khỏe trầm trọng như liệt tứ chi, liệt nửa người, rối loạn thần kinh thực vật...
Dựa vào nguyên nhân và mức độ của các triệu chứng bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị đau nhức bả vai lan xuống cánh tay phù hợp cho từng người bệnh. Theo đó, người bệnh có thể chăm sóc tại nhà, dùng thuốc uống, tiêm corticosteroid, vật lý trị liệu và can thiệp phẫu thuật.
Đối với các cơn đau có mức độ từ nhẹ tới trung bình, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà. Cụ thể:
- Nghỉ ngơi: Người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi, ngừng thực hiện bất cứ hoạt động nào gây áp lực lên bả vai và cánh tay. Lưu ý thời gian nghỉ ngơi không nên kéo dài quá 3 ngày để tránh tình trạng cứng khớp.
- Chườm lạnh: Đây là cách giúp giảm đau khi bị đau bả vai lan xuống cánh tay hiệu quả. Theo đó, người bệnh đắp một túi chườm lạnh hay gạc mát lên vùng bị ảnh hưởng khoảng 15 – 20 phút. Thực hiện đều đặn 2 lần mỗi ngày
- Băng cố định: Người bệnh cần quấn hay băng vùng bị ảnh hưởng để làm giảm sưng nhờ hạn chế cung cấp máu quá mức cho vùng tổn thương.
- Massage: Thực hiện các động tác xoa bóp để tăng cường lưu thông máu và cải thiện tình trạng các cơn đau nhức.
Ngoài ra, khi chăm sóc đau bả vai lan xuống cánh tay tại nhà cần cố gắng nâng vai và cánh tay ngang với tim.
Để điều trị đau bả vai lan xuống cánh tay, người bệnh có thể dùng các loại thuốc có hoạt tính giảm đau, giãn cơ, kháng viêm, các vitamin nhóm B. Cụ thể:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, acetaminophen.
- Thuốc chống viêm: Các loại thuốc chống viêm không chứa steroid như aspirin, naproxen..giúp giảm đau, chống viêm, phòng ngừa các bệnh viêm khớp.
- Thuốc giãn cơ: Các loại thuốc giãn cơ thông thường như cyclobenzaprine, baclofen..để cải thiện tình trạng căng cơ và cơ thắt xung quanh khớp vai.
Điều trị đau bả vai lan xuống cánh tay bằng phương pháp vật lý trị liệu có thể sẽ được áp dụng để giúp người bệnh có thể giảm đau, chống co cứng các cơ, kích thích dẫn truyền, giúp tăng cường tuần hoàn máu, chống tụ các ổ viêm, giảm áp lực lên các rễ thần kinh.
Cụ thể, có thể dùng các liệu pháp vật lý trị liệu sau:
- Nhiệt trị liệu.
- Điện trị liệu.
- Chiếu tia Laser.
- Kỹ thuật kéo giãn cột sống bằng máy kéo.
Người bệnh cần can thiệp ngoại khoa nếu các biện pháp điều trị trên không hiệu quả. Theo đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc dùng phương pháp phẫu thuật cho bệnh nhân bị đau bả vai lan xuống cánh tay. Những trường hợp thường phải phẫu thuật là những người bệnh bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, vẹo cột sống...
Đau bả vai lan xuống cánh tay có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong những trường hợp diễn tiến bệnh trở nên trầm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật.
Tuy nhiên, có thể phòng tránh đau bả vai xuống cánh tay bằng các biện pháp sau đây:
- Làm việc và sinh hoạt đúng tư thế: Ngồi và ngủ đúng tư thể, kê gối cao khoảng 10cm khi ngủ.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt hợp lý. Chú ý các tư thế khom lưng vác vật nặng, và tránh mang vác các vật nặng.
- Bổ sung thêm vitamin E, B, C, D để tăng sức đề kháng, bổ sung can xi để chống loãng xương đối với đối tượng là những người cao tuổi.
Để cải thiện tình trạng bệnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người bị đau bả vai lan xuống cánh tay nên tiêu thụ những thực phẩm tốt cho cơ, xương khớp. Cụ thể:
- Thực phẩm giàu can xi: Nên bổ sung vào trong thực đơn các loại hạt: hướng dương, hạt chia; Sữa và các chế phẩm từ sữa; Các loại đậu nguyên vỏ; Rau củ: Bông cải xanh, khoai lang; Hải sản có vỏ: Tôm, cua...
- Thực phẩm giàu các loại vitamin C, D, E, B và K.
- Bổ sung các thực phẩm giàu magie và phốt pho.
- Ăn các thực phẩm chứa các acid béo có lợi.
- Ưu tiên các thực phẩm nhiều chất xơ.
Bên cạnh việc ưu tiên các thực phẩm trên, đau bả vai lan xuống cánh tay nên kiêng các loại thực phẩm sau đây để tránh tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn:
- Các thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, bơ, bánh kẹo...
- Các chất kích thích.
- Thực phẩm kích thích phản ứng viêm như đồ ăn nhanh, đồ chiên rán...
- Thực phẩm quá nhiều muối.
Bên cạnh đó, người bị đau bả vai lan xuống cánh tay còn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không lạm dụng loại thực phẩm trong thời gian ngắn.
- Kết hợp đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng.
- Uống nhiều nước.
- Luyện tập thể thao thường xuyên.
- Tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ chế độ dinh dưỡng nào.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về đau bả vai lan xuống cánh tay. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn nắm được nguyên nhân, cách phòng bệnh cũng như một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng khi điều trị bệnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn