Để chẩn đoán cơn đau bụng buổi sáng, việc xác định cụ thể cả về vị trí và tính chất của cơn đau sẽ giúp ích rất nhiều, đặc biệt với những cơn đau dữ dội không thuyên giảm.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây đau bụng vào buổi sáng cũng như các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của từng tình trạng.
Loét dạ dày là tình trạng vết loét xuất hiện ở niêm mạc dạ dày. Không phải ai bị loét cũng sẽ gặp các triệu chứng. Thông thường nhất, vét loét gây ra cảm giác đau rát hoặc âm ỉ vùng bụng trên rốn (đau vùng thượng vị). Cơn đau có thể lan ra phía sau xương bả vai.
Các triệu chứng khác của loét dạ dày có thể kể đến như nôn mửa, ợ hơi, đại tiện có máu, phân đen, nôn ra máu, chán ăn, giảm cân bất thường,... Cơn đau do loét dạ dày có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào nhưng bạn sẽ cảm thấy khó chịu hơn vào buổi sáng khi dạ dày đang trống rỗng.
Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng ảnh hưởng tới ruột ra gây ra các cơn đau có thể cảm thấy ở nhiều nơi trên cơ thể, nhưng thường xảy ra nhất ở vùng bụng dưới (hạ vị). Các triệu chứng khác của hội chứng ruột kích thích bao gồm tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, có chất nhầy trong phân và chướng bụng. Triệu chứng này thường xảy ra sau khi ăn và có thể thuyên giảm hoặc trầm trọng hơn sau khi đại tiện.
Cơn đau có thể xảy ra vào buổi sáng do cơ thể đang phản ứng với sự thay đổi từ trạng thái nghỉ ngơi sang hoạt động dẫn tới sự co thắt của cơ ruột trong quá trình tiêu hóa đồ ăn sáng hoặc nếu một người thức dậy với cảm giác lo lắng hoặc stress.
Viêm ruột mạn tính (IBD) là nhóm bệnh gây viêm mạn tính (đau bụng và phù nề) một đoạn ruột. IBD bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Cả hai tình trạng đều gây đau bụng quanh rốn hoặc hạ vị bên phải, một số người cũng cảm thấy cơn đau xuất hiện vào buổi sáng.
Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng tới toàn bộ đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng khác như tiêu chảy, giảm câm, thiếu máu, buồn nôn, mệt mỏi,... Căng thẳng và một số loại thực phẩm có thể khiến các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn đồ uống có gas và thực phẩm giàu chất xơ.
Mặt khác, viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng tới ruột già với các triệu chứng bao gồm tiêu chảy ra máu, tăng nhu động ruột, mệt mỏi, giảm cân,...
Táo bón là tình trạng một người đi đại tiện ít hơn ba lần một tuần. Táo bón có thể gây đau dạ dày cùng với các triệu chứng khác bao gồm khó đi đại tiện, cảm giác đi vệ sinh không hết, phân khô, phân vón cục cứng và đau khi đại tiện.
Đau bụng do táo bón thường tăng lên khi thức ăn cũ chưa tiêu hết thì thức ăn mới lại vào dẫn tới ruột bị kích thích và tăng áp lực lên phần chất thải tích tụ.
Viêm tuyến tụy hay còn gọi là viêm tụy có thể gây đau vùng bụng trên và có thể lan ra lưng, đau nặng hơn sau khi ăn nên nhiều người có thể cảm thấy khó chịu ở bụng sau khi ăn sáng.
Các triệu chứng viêm tụy khác bao gồm buồn nôn, nôn mửa và sốt. Mặc dù viêm tụy mức độ nhẹ có thể tự khỏi hoặc dùng thuốc giảm đau không kê đơn nhưng nếu cơn đau không cải thiện và kéo dài thì bạn cần thăm khám bác sĩ.
Viêm túi thừa xảy ra khi các túi nhỏ trên thành ruột già bị nhiễm trùng hoặc viêm dẫn tới đau ở bên trái hạ vị.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm táo bón, sốt, buồn nôn và nôn mửa. Hoặc viêm túi thừa không có triệu chứng. Khi thức dậy và ăn sáng, thức ăn di chuyển qua ruột có thể khiến các túi thừa bị viêm thêm kích thích và gây đau. Sau khi xì hơi hoặc đại tiện cơn đau có thể giảm nhẹ.
Sự lắng đọng của dịch tiêu hóa trong túi mật có thể dẫn tới sỏi mật. Một số người bị sỏi mật không có triệu chứng trong khi nhiều người lại bị đau dữ dội ở vùng hạ sườn phải (góc phần tư trên bên phải của bụng). Tuy nhiên, cơn đau do sỏi mật cũng có khả năng lan ra vùng thượng vị (vùng bụng giữa hai xương sườn, trên rốn, dưới xương ức), lên vai phải, bả vai hoặc sau lưng.
Cơn đau có thể nặng hơn vào ban đêm và buổi sáng do sự tăng cường hoạt động của cơ thể sau một đêm nghỉ ngơi và có thể được kích thích bởi việc ăn uống. Cơn đau có thể kèm theo buồn nôn và nôn mửa. Nếu thuốc không giúp làm tan sỏi mật thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Dị ứng thực phẩm cũng có thể gây đau dạ dày và trầm trọng hơn vào buổi sáng nếu bạn ăn các thực phẩm kích thích đó trước khi đi ngủ hoặc xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm bao gồm co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, phát ban, thở khò khè, chóng mặt, sưng nề lưỡi miệng,...
Bệnh tự miễn Celiac ở những người nhạy cảm về mặt di truyền do không dung nạp gluten, dẫn đến viêm niêm mạc và teo nhung mao, gây kém hấp thu. Do bệnh gây viêm ở ruột non nên bạn có thể bị đau bụng cùng các triệu chứng khác như tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, thiếu máu.
Thuốc kháng histamine có thể giúp giảm một số triệu chứng dị ứng thực phẩm như nổi mề đay, sưng phù nề và ngứa. Nhưng điều quan trọng vẫn là xác định và tránh các thực phẩm có thể gây dị ứng nghiêm trọng.
Chứng khó tiêu có thể khiến bạn bị đau vùng thượng vị với cảm giác đầy hơi và buồn nôn. Khó tiêu cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý khác chẳng hạn như trào ngược axit, loét dạ dày hoặc bệnh túi mật.
Các triệu chứng có thể xảy ra sau khi ăn nên bạn có thể bị đau bụng sau khi ăn sáng. Hãy thăm khám bác sĩ nếu tình trạng khó tiêu kéo dài trên hai tuần hoặc kèm theo sụt cân, nôn mửa hoặc phân đen. Ăn nhiều bữa nhỏ, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng đúng cách có thể giúp cải thiện chứng khó tiêu.
Ngoài các tình trạng phổ biến gây đau bụng vào buổi sáng kể trên thì một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra tình trạng này như ung thư ruột kết, viêm vùng chậu, viêm ruột thừa, dính ruột,...
Như đã nói, nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau có thể gây đau bụng vào buổi sáng. Trong đó, một số tình trạng có thể tự khỏi nhưng những tình trạng khác lại cần điều trị y tế ngay lập tức.
Những vấn đề cần cân nhắc khi chẩn đoán bao gồm: mức độ nghiêm trọng (cơn đau nặng tới mức bạn không thể đứng dậy); thời gian đau trong buổi sáng và kéo dài càng lâu thì can thiệp sớm lại càng quan trọng; tuổi tác (đau bụng nghiêm trọng ở người trẻ có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa còn ở người lớn tuổi có thể gợi ý về bệnh túi mật - cả hai tình trạng đều cần điều trị kịp thời); tốc độ khởi phát cơn đau; các triệu chứng khác kèm theo đau bụng buổi sáng (cần xem xét đến bao gồm sốt, buồn nôn, chảy máu trực tràng,...);...
Bạn nên thăm khám bác sĩ ngay lập tức nếu bị đau bụng buổi sáng và kèm theo các vấn đề dưới đây:
- Đang điều trị ung thư
- Bị đau ở ngực, cổ và vai
- Không thể đại tiện hoặc nôn mửa
- Lẫn máu trong phân
- Cơn đau ở bụng xuất hiện đột ngột và dữ dội
- Nôn ra máu
- Khó thở
- Bị đau giữa hai bả vai kèm theo buồn nôn
- Ấn bụng thấy cứng hoặc quá mềm
- Đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai
- Bị chấn thương vùng bụng thời gian gần đây.
Nhìn chung, bạn có thể bị đau bụng vào buổi sáng theo mức độ từ nhẹ tới nặng. Nhưng điều quan trọng mà bạn cần nhớ chính là mức độ nghiêm trọng của cơn đau không phải lúc nào cũng có nghĩa rằng nguyên nhân cơ bản gây ra cơn đau cũng nghiêm trọng như vậy. Và ngược lại, những cơn đau nhẹ nhàng lại có thể gây tử vong nếu đó là ung thư ruột kết giai đoạn đầu hay giai đoạn sớm của viêm ruột thừa,...
Nếu bạn nghi ngờ về nguyên nhân hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn đau, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có biện pháp đối phó phù hợp với tình trạng của bạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn