Đau bụng khi đi đại tiện có phải là ung thư đường tiêu hoá không?

11:57 | 16/10/2024;
Thỉnh thoảng đau bụng khi đi đại tiện không phải vấn đề lớn, nhưng đau dai dẳng hoặc dữ dội có thể cảnh báo vấn đề nghiêm trọng.

Cảm thấy đau bụng khi đi đại tiện không phải là hiếm. Chế độ ăn uống, hoạt động hàng ngày và trạng thái cảm xúc đều có thể ảnh hưởng đến cảm giác khi đi đại tiện, và cơn đau có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, đau bụng dữ dội khi đi đại tiện và tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn, trong đó có thể liên quan đến một loại ung thư đường tiêu hoá.

Nguyên nhân gây đau bụng khi đi đại tiện

9 nguyên nhân có thể gây đau bụng trước khi đi đại tiện hoặc đau bụng dưới, đau bụng dữ dội khi đi đại tiện:

1. Bệnh trĩ

Trĩ là tình trạng tĩnh mạch hậu môn và trực tràng bị sưng. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ có thể do táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính, ngồi quá nhiều.

Ngoài việc đau bụng khi đi đại tiện hoặc gây đau bụng dưới khi đi đại tiện, các triệu chứng khác của bệnh trĩ bao gồm:

- Ngứa và đau hậu môn dữ dội, đặc biệt khi ngồi

- Các cục u gần hậu môn gây đau hoặc ngứa

- Máu trên giấy vệ sinh khi bạn đi đại tiện

Đau bụng khi đi đại tiện có phải là ung thư đường tiêu hoá không?- Ảnh 1.

Bệnh trĩ thường do táo bón hoặc ngồi quá nhiều (Ảnh: Internet)

Cách điều trị

Để điều trị và làm giảm cơn đau do trĩ, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:

- Ngâm ấm vùng hậu môn trong 10 phút mỗi ngày để giảm đau và có thể sử dụng xà phòng nhẹ để rửa hậu môn.

- Bôi kem bôi trĩ tại chỗ để giảm ngứa hoặc rát.

- Ăn nhiều chất xơ hơn

- Sử dụng giấy vệ sinh mềm khi lau. Cân nhắc sử dụng vòi xịt vệ sinh để làm sạch nhẹ nhàng hơn.

- Đắp khăn lạnh để giảm sưng.

- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau, bao gồm ibuprofen (Advil) hoặc naproxen (Aleve).

Các bệnh trĩ nghiêm trọng hơn có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ. Để phòng ngừa bệnh trĩ, mọi người nên bổ sung đủ chất xơ cho cơ thể qua chế độ ăn uống, hạn chế ngồi nhiều, khi đi vệ sinh không ngồi quá lâu và tránh rặn mạnh.

2. Nứt hậu môn

Nứt hậu môn là vết rách ở niêm mạc hậu môn. Tình trạng này thường do đi ngoài phân cứng gây ra. Nứt hậu môn cũng là nguyên nhân gây đau bụng dưới khi đi đại tiện nhưng không quá đáng lo ngại.

Các triệu chứng khác của nứt hậu môn:

- Một vùng gần hậu môn trông giống như bị rách

- Da mọc ra gần vết rách

- Đau nhói hoặc đau dữ dội gần hậu môn khi bạn đi ngoài

- Máu trong phân hoặc trên giấy vệ sinh khi bạn lau

- Ngứa hậu môn

- Cảm giác nóng rát quanh hậu môn

Đau bụng khi đi đại tiện có phải là ung thư đường tiêu hoá không?- Ảnh 2.

Nứt hậu môn gây đau bụng khi đi đại tiện nhưng không quá đáng lo ngại (Ảnh: ST)

Cách điều trị

Nứt hậu môn không quá nghiêm trọng và thường tự khỏi mà không cần điều trị y tế sau hơn một tháng. Tuy nhiên, để giảm triệu chứng nhanh chóng, bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị:

- Uống thuốc làm mềm phân

- Bù nước bằng nước và thực phẩm giàu nước

- Ăn khoảng 20 đến 35 gam chất xơ mỗi ngày

- Tắm bồn để cải thiện lưu lượng máu và giúp cơ thư giãn

- Bôi kem hoặc thuốc mỡ hydrocortisone để giảm viêm

- Sử dụng thuốc mỡ giảm đau khi cơn đau gây khó chịu

3. Táo bón

Táo bón xảy ra khi bạn đi ngoài ít hơn 3 lần một tuần và khi đi ngoài, phân cứng và khó đi hơn bình thường. Táo bón cũng gây ra các cơn đau bụng khi đi đại tiện nhưng cơn đau thường không dữ dội và có thể đi kèm với cơn đau ở phần ruột dưới do ứ đọng.

Các triệu chứng phổ biến khác của táo bón bao gồm:

- Phân cứng, khô, đi ngoài thành từng cục nhỏ

- Đau hậu môn hoặc đau ruột khi đi ngoài

- Vẫn cảm thấy muốn đi ngoài ngay cả sau khi đi

- Đầy hơi hoặc đau bụng ở phần ruột dưới hoặc lưng

- Cảm giác như có thứ gì đó chặn ruột

Đau bụng khi đi đại tiện có phải là ung thư đường tiêu hoá không?- Ảnh 3.

Đau bụng dưới khi đi đại tiện có thể do táo bón (Ảnh: ST)

Cách điều trị và phòng ngừa

Một số biện pháp điều trị và phòng ngừa táo bón:

- Uống nhiều nước, bạn nên uống ít nhất 1,8l nước mỗi ngày

- Giảm lượng caffeine và rượu nạp vào cơ thể.

- Ăn nhiều chất xơ hoặc dùng thuốc bổ sung chất xơ

- Ăn thực phẩm có lợi khuẩn, chẳng hạn như sữa chua

- Giảm lượng thực phẩm có thể gây táo bón, chẳng hạn như thịt, đồ ăn cay nóng và sữa.

- Tập thể dục nhẹ khoảng 30 phút, chẳng hạn như đi bộ hoặc bơi lội, mỗi ngày để ruột hoạt động tốt.

- Không nên nhịn đi vệ sinh

Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng thuốc nhuận tràng nhưng nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

4. Viêm trực tràng

Viêm trực tràng là tình trạng viêm bên trong trực tràng - là phần cuối của ruột già ngay trước hậu môn. Viêm trực tràng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, một số nguyên nhân phổ biến hơn những nguyên nhân khác như bị bệnh viêm ruột, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng đường tiêu hoá.

Các triệu chứng của viêm trực tràng:

- Đau bụng khi đi đại tiện

- Tiêu chảy

- Chảy máu khi đi ngoài hoặc lau

- Dịch nhầy chảy ra từ hậu môn

- Cảm giác muốn đi ngoài ngay cả khi vừa mới đi

Cách điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số loại thuốc như kháng sinh, kháng vi-rút, ức chế miễn dịch,... phương pháp điều trị này cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Tránh quan hệ tình dục với người có vết sưng hoặc vết loét rõ ràng ở vùng sinh dục để phòng ngừa viêm trực tràng.

5. Bệnh viêm ruột

Đau bụng là triệu chứng của bệnh viêm ruột (IBD). Đó là một nhóm các rối loạn viêm bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.

Cơn đau xuất phát từ tình trạng viêm ở đường ruột. Các triệu chứng của bệnh viêm ruột bao gồm:

- Có máu hoặc chất nhầy trong phân

- Tiêu chảy

- Sốt

- Giảm cảm giác thèm ăn

- Giảm cân

Cách điều trị

Để điều trị bệnh viêm ruột, bạn cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, một số loại thuốc có thể bao gồm thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh điều trị nhiễm trùng, thuốc giảm đau, thuốc bổ sung canxi hoặc vitamin D,...

6. Tiêu chảy

Tiêu chảy không phải lúc nào cũng khiến bạn bị đau bụng khi đi đại tiện. Nhưng việc lau nhiều và đi ngoài nhiều phân có thể gây kích ứng da và khiến hậu môn của bạn bị đau và rát, từ đó khiến bạn bị đau khi đi đại tiện.

Các triệu chứng của tiêu chảy:

- Buồn nôn

- Đau bụng

- Cảm thấy đầy hơi

- Mất nước

- Máu trong phân

- Cần đi ngoài thường xuyên

- Sốt

Cách điều trị

Điều trị tiêu chảy thường bao gồm bù nước, đặt ống truyền tĩnh mạch nếu cần hoặc dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị nguyên nhân gây tiêu chảy.

7. Lạc nội mạc tử cung

Một nguyên nhân khác có thể gây đau bụng khi đi đại tiện là lạc nội mạc tử cung. Bệnh lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.

Bệnh lạc nội mạc tử cung chủ yếu ảnh hưởng đến buồng trứng, ống dẫn trứng, các mô hỗ trợ tử cung và bề mặt ngoài của tử cung. Nhưng bệnh lý này cũng có thể lan đến âm đạo, cổ tử cung, bàng quang, ruột và trực tràng. Sự liên quan của ruột và trực tràng có thể gây ra các cơn đau bụng dữ dội khi đi đại tiện.

Các triệu chứng khác của bệnh lạc nội mạc tử cung bao gồm:

- Đau bụng kinh

- Chảy máu kinh nhiều

- Đau vùng chậu

- Đau khi giao hợp

- Đau khi đi tiểu

- Vô sinh

- Buồn nôn, đầy hơi và nôn mửa

- Táo bón hoặc tiêu chảy

Cách điều trị

Cách điều trị phụ thuộc theo chỉ định của bác sĩ, một số biện pháp bao gồm: thuốc giảm đau, liệu pháp hormone, phẫu thuật laser ít xâm lấn, phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong những trường hợp nghiêm trọng.

8. Hội chứng ruột kích thích

Đau bụng khi đi đại tiện là triệu chứng đặc trưng của hội chứng ruột kích thích (IBS). Người ta không biết chính xác nguyên nhân gây đau là gì. Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích bao gồm:

- Táo bón

- Tiêu chảy

- Đầy hơi và chướng bụng

- Chất nhầy trong phân

- Cảm giác chưa đi ngoài hết

Đau bụng khi đi đại tiện có phải là ung thư đường tiêu hoá không?- Ảnh 4.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (Ảnh: ST)

Cách điều trị

Để kiểm soát các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, bạn có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.

Trong chế độ ăn uống, người bệnh nên bổ sung đủ chất xơ mỗi ngày, hạn chế các sản phẩm từ sữa, hạn chế các loại thực phẩm có thể khiến bạn bị đầy hơi, tránh thực phẩm có chứa gluten, uống nhiều nước.

Ngoài ra, người bị hội chứng ruột kích thích nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, thực hiện các biện pháp giúp thư giãn (thiền, tập yoga,...).

9. Ung thư ruột kết

Ung thư ruột kết xảy ra ở ruột già và có thể ảnh hưởng đến thói quen đại tiện. Đôi khi nó gây đau bụng khi đi đại tiện. Các triệu chứng của ung thư ruột kết:

- Đau bụng

- Đầy hơi

- Chảy máu trực tràng

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

- Nôn mửa

- Mệt mỏi và cảm thấy khó thở

- Táo bón hoặc tiêu chảy dai dẳng

Không giống như bệnh trĩ và nứt hậu môn, máu trực tràng từ ung thư đại tràng thường có màu sẫm hơn là đỏ tươi. Phân cũng có thể có máu hoặc có màu đen như hắc ín.

Cách điều trị

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư đại tràng phổ biến nhất. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu. Nhìn chung, các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ và tình trạng của người bệnh.

Trên đây là 9 nguyên nhân gây đau bụng khi đi đại tiện. Nhìn chung, tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu bạn cảm thấy thường xuyên đau bụng đi đại tiện và thấy cơ thể có nhiều triệu chứng bất thường khác, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn