Đau bụng khi mang thai kèm theo biểu hiện này, bà bầu cần đi khám ngay

13:05 | 19/08/2019;
Quặn bụng và đau bụng khi mang thai có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Sau đây là cách nhận biết khi nào đau bụng nhưng không đáng lo ngại và khi nào cơn đau là dấu hiệu nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như thai nhi.

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Công Định (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), một số cơn đau quặn bụng và đau khi mang thai thường rất bình thường, liên quan đến nguyên nhân như: Táo bón, tăng lưu lượng máu đến tử cung trong 3 tháng đầu thai kỳ, đau dây chằng tròn... Tuy nhiên, đôi khi nó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, sẩy thai, tiền sản giật hoặc tình trạng khác cần được chăm sóc y tế. 

Khi nào cần gọi bác sĩ?

Cũng theo bác sĩ Định, thai phụ hãy liên lạc với bác sĩ nếu bị đau quặn bụng kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau: Sốt hoặc ớn lạnh; ra máu thấm băng vệ sinh hoặc chảy máu (có thể có hoặc không kèm theo đau quặn bụng); đau đầu dữ dội; thay đổi thị lực (bao gồm mờ mắt, nhìn thấy đèn hoặc đốm sáng, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mù tạm thời); đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó hoặc có máu trong nước tiểu; chóng mặt hoặc cảm thấy như muốn ngất xỉu; hơn 4 cơn co thắt/giờ, vì đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ (đặc biệt nếu xảy ra trước 37 tuần mang thai, bởi có thể là dấu hiệu của sinh non).

 

dau-bung-duoi-khi-mang-thai.jpg
Thai phụ hãy liên lạc với bác sĩ nếu bị đau quặn bụng kèm theo sốt hoặc ớn lạnh, ra máu, đau đầu, giảm thị lực... - Ảnh minh họa

 

Lý do đau bụng trong thai kỳ

Đau dạ dày

Khí và đầy hơi thường xuất hiện trong thai kỳ do nồng độ progesterone tăng cao, một loại hormone làm thư giãn các cơ trong đường tiêu hóa. Kết quả là quá trình tiêu hóa chậm lại, dẫn đến đầy hơi cũng như  táo bón- cả hai đều có thể mang lại cảm giác đau quặn trong bụng. Bạn có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về đường tiêu hóa bằng cách ăn thực phẩm giàu chất xơ, ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ăn nhiều hơn, dành thời gian khi ăn và uống nhiều nước. Nếu những thay đổi này không có ích, bác sĩ có thể khuyên dùng các thuốc hạn chế táo bón.

Đau bụng sau khi cực khoái

Đau bụng trong và sau khi đạt cực khoái (đôi khi kết hợp với đau lưng dưới) là phổ biến và vô hại trong thai kỳ có nguy cơ thấp. Nguyên nhân do tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu hoặc co bóp tử cung bình thường khi đạt cực khoái.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể không có triệu chứng, nhưng thường gây đau hoặc áp lực ở vùng chậu. Các triệu chứng khác bao gồm nước tiểu có mùi hôi, có vẩn đục hoặc có máu; đau và rát khi đi tiểu; sốt; nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn. Nhiễm trùng tiểu có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Tuy nhiên, một đợt kháng sinh ngắn thường cải thiện rất tốt tình trạng này.

Thai làm tổ

Khi thai làm tổ, bạn có thể bị đau bụng giống như trong khoảng thời gian đến kỳ kinh nguyệt. Đau nhẹ và ra máu âm đạo ít, là kết quả của trứng được thụ tinh gắn vào thành tử cung, xảy ra khoảng 8 đến 10 ngày sau khi rụng trứng và diễn ra trong thời gian ngắn. 

dau-bung-duoi-khi-mang-thai-thang-dau.jpg
Khi có dấu hiệu đau bụng bất thường, thai phụ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám - Ảnh minh họa

 

Thai ngoài tử cung

Trứng đã thụ tinh làm tổ ngoài tử cung, thường là vòi tử cung, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đau bụng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thai ngoài tử cung cũng thường gây chảy máu âm đạo, đau vai, chóng mặt và ngất xỉu. Nếu nghĩ mình có nguy cơ thai ngoài tử cung, hãy đi khám bác sĩ ngay.

Sẩy thai và dọa sẩy thai

Đau quặn bụng có thể có nguyên nhân là dọa sẩy thai và sẩy thai, thường là đau bụng dưới, lưng hoặc vùng chậu và kèm theo chảy máu. Đau bụng trong sẩy thai thường đi kèm với chảy máu nhỏ trong vài ngày và thường nặng hơn theo thời gian. Nếu rơi vào tình trạng này, hãy gọi cho bác sĩ và lên lịch kiểm tra.

Nhau bong non

Nếu nhau thai tách (một phần hoặc hoàn toàn) khỏi tử cung trước khi em bé chào đời, nó có thể gây đau bụng dữ dội và dai dẳng cũng như đau lưng và chảy máu âm đạo. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Tiền sản giật

Tiền sản giật- một tình trạng thường phát triển trong nửa sau của thai kỳ, biểu hiện đặc trưng là huyết áp cao, protein trong nước tiểu, có thể gây đau bụng. Nó thường đi kèm với các triệu chứng khác bao gồm đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực, buồn nôn hoặc nôn, sưng ở mặt và tay và khó thở. Tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến lượng oxy và dinh dưỡng truyền vào em bé, làm tăng nguy cơ bị bong nhau thai. Vì vậy điều quan trọng là phải gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trên.

Đau bụng chuyển dạ

Các cơn co chuyển dạ gây đau bụng diễn ra đều đặn, kéo dài từ 30 đến 70 giây và mạnh hơn theo thời gian. Nếu nghĩ rằng mình đang chuyển dạ, chị em hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn