Trong các phiên đấu giá đất diễn ra cách đây 1 tháng tại các huyện của Hà Nội, mỗi phiên có hàng nghìn hồ sơ tham gia. Giá đất trúng đấu giá được đẩy lên cao, thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Phiên đấu giá đất diễn ra vào ngày 10/8 tại huyện Thanh Oai đã thu hút đến 1.500 người với tổng số gần 7.000 hồ sơ. Đấu giá đất tại Hoài Đức diễn ra xuyên từ đêm hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau. Sau khi đấu giá đất "nóng" lên một cách bất thường, giá trúng neo cao, Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội đều đã có ý kiến về việc kiểm tra, rà soát lại công tác đấu giá đấu. Một số phiên đấu giá đất dự kiến diễn ra đã được tạm hoãn lại.
Tiếp đó không lâu, các phiên đấu giá đất vẫn tiếp tục được tổ chức theo kế hoạch. Huyện Phúc Thọ đã tổ chức đấu giá đất với 30 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc vào ngày 29/8, giá trúng cao nhất 60 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá này có hơn 600 hồ sơ tham gia. Tiếp đó, vào ngày 10/9 vừa qua, huyện Phúc Thọ đã tiếp tục tổ chức đấu giá đất với 50 thửa đất thuộc 3 xã trên địa bàn huyện. Giá đất trúng cao nhất là 69,8 triệu đồng/m2. Dù có tới 50 thửa đất được đấu giá nhưng phiên này chỉ thu hút được 500 hồ sơ tham gia.
Theo kế hoạch, huyện Đan Phượng sẽ tiến hành đấu giá 26 thửa đất thuộc khu Đồng Sậy - Trẫm Sau thuộc thị trấn Phùng vào ngày 30/9 tới. Khu vực thị trấn Phùng khá gần với trung tâm Hà Nội, kết nối giao thông tốt, tuy nhiên theo tìm hiểu, không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến phiên đấu giá này.
Trong tháng 9, các huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên cũng sẽ tổ chức đấu giá đất, với tổng số hơn 160 thửa đất sẽ được đấu giá. Huyện Mỹ Đức tổ chức đấu giá 56 thửa đất tại xã Xuy Xá vào ngày 27/9 tới, huyện Phú Xuyên tổ chức đấu giá 42 thửa đất vào ngày 22/9.
Một nhà đầu tư đã tham gia rất nhiều các phiên đấu giá đất đưa ra bình luận: "Sau khi đấu trường đấu giá đất nóng lên bất thường, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, thông tin kiểm tra, rà soát đấu giá đất đã khiến những hội nhóm trước đây vẫn quen mặt ở các phiên đấu giá đất rút bớt. Hiện tại thì nhiều huyện tiếp tục tổ chức đấu giá đất, với tổng số cả trăm lô đất được đấu giá. Giới đấu giá nói vui rằng cứ thoải mái mà đi đấu, đất không thiếu".
Trong số 68 lô đất đấu giá tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai vào ngày 10/8 vừa qua, chỉ có 13 lô đất trúng đấu giá đã nộp đủ tiền đúng hạn. Các lô đất đã nộp tiền đều là những lô đất có mức trúng đấu giá không quá cao. Những lô trúng đấu giá cao, với lô cao nhất hơn 100 triệu/m2, người trúng đấu giá chưa nộp tiền.
Hiện tượng "bùng cọc" này đã phản ánh rất rõ "chuyển động thị trường" đất đấu giá trong thời gian vừa qua. Đó là hiện tượng hàng loạt các "nhà đầu tư" vào đấu giá đất với mục đích "lướt cọc ăn chênh". Khi không "lướt" được thì chấp nhận bỏ cọc.
Ngay sau khi các phiên đấu giá diễn ra, các lô đất trúng đấu giá lập tức được rao bán kèm mức tiền chênh lệch. Mỗi lô giá chênh lệch từ 200 cho đến 500 triệu đồng. Thực tế cho thấy, một số lô đất trúng đấu giá với giá sát giá sàn (cũng là tương đương giá thị trường) có mức tiền "ăn chênh" khoảng 200-300 triệu đồng đã có giao dịch. Theo những người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đây là mức chất nhận được. Những lô đất với mức giá trúng được đẩy lên quá cao đã không ai hỏi mua. Một nhà đầu tư tiết lộ chuyện một nhóm chuyên đấu giá đất trước đây từng kiếm được vài tỉ nhờ ôm đất, "lướt cọc ăn chênh" sau một phiên đấu giá, thì vừa rồi đã lỗ sâu mất vài tỉ do lướt không thành công.
Những câu nói "biết trước được thì đã giàu", "đầu tư đất phải có số" lại được nhắc lại trong những câu chuyện bên bàn trà, bên cốc cafe của giới đầu tư bất động sản vào thời gian này. Trên thực tế, khi giá nhà đất, chung cư tại khu vực trung tâm tăng lên rất "ảo", "ngáo giá" thì sự quan tâm đầu tư dịch chuyển sang đất nền vùng ven từ đầu năm. Những người có nhu cầu mua nhà ở thực cũng buộc phải chuyển sang tìm mua ở những nơi xa trung tâm hơn để có mức giá tốt hơn.
Từ "hiệu ứng đấu giá đất", giá đất tại các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ đều đã nhích lên so với mặt bằng giá chung từ giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, theo lời một nhà đầu tư là "không ai lường được thời thế", với những gì đã diễn ra, tâm lý nằm im nghe ngóng, thận trọng hơn đã lan rộng. Tham khảo từ các môi giới tại các huyện vùng ven, tham khảo từ các phòng công chứng đất đai, đất rao bán nhiều, giá lên nhưng giao dịch ít phát sinh. Một số nhà đầu tư "tay to" đã mua vào nhiều lô đất từ trước hoặc một vài nhà đầu tư nhỏ lẻ với tâm lý bỏ tiền mua vài mảnh để bán nhanh đều đang ở tình trạng "ôm" đất, chưa thoát được hàng.
Với những chuyển động của đấu giá đất hiện tại, lượng hồ sơ tham gia ít đi, giới đầu cơ "ăn chênh" rút bớt, thời điểm này có thể là cơ hội để những người địa phương, những người có nhu cầu mua đất đấu giá có thêm sự thuận lợi để có thể đấu giá được, mua được đất với mức giá hợp lý hơn.
Qua "câu chuyện đấu giá", có thể thấy rằng động thái đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát của cơ quan quản lý, việc dư luận xã hội cùng "soi kĩ" vào những bất cập còn tồn tại sẽ luôn dẫn đến những kết quả tích cực hơn cho người dân, cho thị trường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn