Giao mùa hè - thu, cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm cùng với không khí lúc hanh khô, lúc lại ẩm ướt kết hợp điều kiện thời tiết nóng - lạnh thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển và lây lan, trong đó có virus cảm cúm thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus. Dấu hiệu cảm lạnh có thể kể đến như:
- Cảm lạnh viêm họng.
- Cảm lạnh sổ mũi hoặc ngạt mũi với dịch mũi dày, màu nước mũi thường là vàng hoặc xanh lục.
- Bị ho.
- Nhức đầu.
- Đau nhức toàn thân mức độ nhẹ, khó chịu.
- Hắt hơi nhiều lần.
- Sốt nhẹ.
- Cảm thấy nặng tai và mặt.
- Chảy nước mắt.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Có thể cảm thấy khó thở hoặc mất vị giác.
Các triệu chứng bệnh cảm lạnh thường xuất hiện từ 1 - 3 ngày sau khi bạn tiếp xúc với virus gây bệnh. Mức độ nghiêm trọng của dấu hiệu cảm lạnh sẽ phụ thuộc vào từng người, từng lứa tuổi với thể trạng khác nhau.
Sự thay đổi thời tiết thất thường có thể làm tăng nguy cơ mắc cảm lạnh ở người lớn tuổi hoặc trẻ dưới 6 tuổi do hệ miễn dịch kém/chưa hoàn thiện. Cảm lạnh không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng cảm lạnh nghiêm trọng như: Kích hoạt cơn hen suyễn, viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi, viêm phế quản,...
Dấu hiệu cảm lạnh và 10 triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn dễ nhầm lẫn
Thời gian bệnh cảm lạnh kéo dài thường trong vòng từ 3 - 10 ngày. Nếu các triệu chứng cảm lạnh kéo dài trên 10 ngày, bạn có thể gặp phải một tình trạng khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh cúm. Dưới đây là cách nhận biết khi nào các triệu chứng nghiêm trọng hơn dấu hiệu cảm lạnh thông thường và đâu là thời điểm cần phải thăm khám bác sĩ sớm.
Một trong những dấu hiệu cảm lạnh phổ biến là sốt nhưng sốt cao lại không phải là triệu chứng cảm lạnh phổ biến. Sốt cao trên 39 độ C có thể là dấu hiệu của viêm họng do liên cầu khuẩn, đặc biệt là trong vài ngày đầu khi phát bệnh. Triệu chứng viêm họng liên cầu khuẩn cũng thường không gây ra sổ mũi, ho và khàn giọng như dấu hiệu cảm lạnh.
Viêm họng do liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn và cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới sốt thấp khớp hay biến chứng tim nghiêm trọng.
Triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn có thể bao gồm: Viêm đau họng nổi cục (hạt) phía sau thành họng; sốt trên 38 độ C; đau đầu và đau dạ dày; phát ban; ăn không ngon và buồn nôn, nôn mửa; đau và cứng cơ; sưng hạch hầu và xuất hiện các mảng trắng ở niêm mạc họng hoặc chấm đỏ đặc trưng trên vòm miệng; sưng đau hạch bạch huyết ở cổ.
Sốt nhẹ trong nhiều ngày kéo dài có thể dấu hiệu sức khỏe cơ thể đang cố gắng chống lại một nhiễm trùng nào đó hơn là dấu hiệu cảm lạnh.
Theo một nghiên cứu năm 2022 trên Lausanne thì sốt liên tục kéo dài có thể do cúm hoặc bệnh bạch cầu đơn nhân. Trong đó, virus Epstein-Barr (EBV) gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân có thể khiến người bệnh bị sốt, đau nhức cơ thể và mệt mỏi nghiêm trọng.
Cảm lạnh mặc dù có thể khiến người bệnh bị đau nhức cơ thể nhưng thường chỉ là ở mức độ nhẹ. Ngược lại, triệu chứng bệnh cúm có thể bạn cảm thấy nhức mỏi cơ thể rõ rệt với mức độ đôi khi là dữ dội kèm theo cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi. Đôi khi việc ra khỏi giường cũng trở nên khó khăn khi bị cúm.
Như đã liệt kê, ho là một dấu hiệu bệnh cảm lạnh thông thường nhưng cơn ho do cảm lạnh thông thường không quá nghiêm trọng. Nếu bị ho kèm theo đau tức ngực, khó thở và thở khò khè, thì đây có thể là triệu chứng viêm phế quản hoặc bệnh viêm phổi. Nghiêm trọng hơn, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo thuyên tắc phổi do cục máu đông trong phổi - cần phải được chăm sóc y tế khẩn cấp bởi bệnh có thể dẫn tới mất mạng nếu không được điều trị.
Dấu hiệu thuyên tắc phổi có thể kể đến như: Cơn khó thở khởi phát đột ngột, choáng váng, đau ngực kéo dài từ vài phút tới vài giờ, đau bắp chân đột ngột kèm nóng ran, nhịp tim nhanh, ho ra máu, nôn mửa, tụt huyết áp, sốt nhẹ, mất ý thức,...
Khi nhiễm trùng bắt đầu, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng ớn lạnh. Ớn lạnh thường đi kèm với sốt khiến người bệnh trông nhợt nhàn, rùng mình, cảm thấy lạnh.
Mặc dù cảm lạnh có thể gây sốt và ớn lạnh nhưng đây không phải là dấu hiệu bệnh cảm lạnh phổ biến. Thay vào đó, ớn lạnh thường phổ biến hơn do cúm và COVID-19. COVID là một bệnh nhiễm trùng do virus SARS-CoV-2 gây ra. Các triệu chứng COVID khác bao gồm ho, mệt mỏi, mất vị giác và khứu giác. Cách duy nhất để chẩn đoán COVID là xét nghiệm.
Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy có thể xảy ra khi bị cảm lạnh nhưng cũng tương tự như cảm giác ớn lạnh thì các triệu chứng này không phải là triệu chứng cảm lạnh phổ biến. Mà các triệu chứng này có thể cảnh báo một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn chẳng hạn như cúm, ngộ độc thực phẩm,...
Điều quan trọng là cần thăm khám sớm, đặc biệt nếu có các triệu chứng mất nước như: Tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu có màu vàng sậm, da khô và lạnh, chóng mặt, tim đập nhanh, thở nhanh, mắt trũng, buồn ngủ, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, khô miệng, hôi miệng, đau đầu, chuột rút, sưng bàn chân, tụt huyết áp dẫn tới ngất xỉu,...
Đau họng là thuật ngữ chung chỉ cảm giác đau và ngứa ở họng. Sự khó chịu này có thể khiến bạn cảm thấy khó nuốt thức ăn hoặc đồ uống. Đau họng là một dấu hiệu cảm lạnh nhưng đau họng cũng phổ biến ở bệnh cúm, dị ứng, bạch cầu đơn nhân, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan.
Các dấu hiệu cho thấy tình trạng đau họng nghiêm trọng cần khám bác sĩ sớm bao gồm: Đau họng tái đi tái lại nhiều lần hoặc kéo dài trên 1 tuần kèm theo sưng hạch ở cổ, đổ mồ hôi ban đêm, đau tai, phát ban, sốt cao trên 39,4 độ C, có mủ phía sau cổ họng, ho có đờm lẫn máu hoặc nước bọt lẫn máu,...
Bệnh cảm lạnh thường mất từ 2 - 3 ngày sau khi tiếp xúc mới phát triển các triệu chứng cảm lạnh và dần trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu các triệu chứng như ho, nghẹt mũi, hắt hơi, đau nhức cơ thể và sốt tấn công dồn dập, nghiêm trọng nhanh chóng thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh cúm.
Bạn có thể bị ho nhẹ, khó chịu khi bị cảm lạnh, nhưng nếu cơn ho lẫn đờm - chất nhầy cảm giác từ sâu trong ngực - thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là nếu có lẫn máu trong đó.
Theo WebMD, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau đầu không nhất thiết chỉ là cảm lạnh. Đau đầu có thể xảy ra khi bị cúm, viêm xoang, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
Triệu chứng đột quỵ cần chú ý bao gồm:
+ Tình trạng tê hoặc yếu đột ngột ở một bên mặt, cánh tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.
+ Tình trạng nhầm lẫn, lú lẫn đột ngột hoặc khó nói, khó hiểu lời nói.
+ Suy giảm thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai bên mắt, tầm nhìn song thị.
+ Gặp rắc rối đột ngột với một vài vấn đề cụ thể như di chuyển khiến bạn bị chóng mặt, mất thăng bằng, thiếu phối hợp tay chân với não bộ.
+ Bị đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
Khi nhận thấy các dấu hiệu đột quỵ này, hãy nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Nhìn chung, việc quan sát các triệu chứng bất thường của cơ thể là vô cùng quan trọng để thăm khám bác sĩ sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Các dấu hiệu cảm lạnh thường kéo dài từ bảy đến 10 ngày, nhưng ho và sổ mũi hoặc nghẹt mũi có thể kéo dài tới 14 ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn