Ung thư tuyến tiền liệt hay còn được gọi là ung thư tiền liệt tuyến, là dạng ung thư phát triển trong tuyến tiền liệt ở nam giới. Thống kê của GLOBOCAN cho thấy vào năm 2020, trên thế giới có hơn 1,4 triệu ca mắc mới và hơn 375.000 người tử vong vì loại ung thư này.
Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh ung thư thường gặp ở nam giới trên toàn thế giới, với tỷ lệ mắc chỉ đứng sau ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt nằm trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới sau ung thư gan, phổi, dạ dày và đại trực tràng, với hơn 6.200 ca mắc mới và hơn 2.600 trường hợp tử vong trong năm 2020.
Ung thư tuyến tiền liệt ở Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao là do các bệnh nhân thường tới viện ở giai đoạn muộn, có di căn xương, hạch ổ bụng, phổi, gan, hiếm khi di căn não.
TS.BS Lê Thị Thu Nga, Khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Đây là tác dụng phụ thường gặp xảy ra trong và sau khi điều trị căn bệnh ung thư này.
Ung thư tuyến tiền liệt có thể tái phát, do vậy cần phải tầm soát định kỳ. Nếu ung thư tuyến tiền liệt tái phát thì bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị sớm.
Theo các chuyên gia, ở giai đoạn sớm của ung thư tuyến tiền liệt, bệnh nhân thường không có những biểu hiện cụ thể, đa phần xét nghiệm qua sàng lọc. Một số bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: tiểu khó, tiểu nhiều lần; bí tiểu, tiểu không tự chủ; tiểu vội, tia nước tiểu nhỏ.
Ở giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ có triệu chứng như:
- Khó khăn trong việc đi tiểu bao gồm tiểu chậm, yếu và phải đi tiểu thường xuyên đặc biệt là nhiều lần vào ban đêm;
- Có lẫn máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch;
- Rối loạn cương dương;
- Đau ở hông, lưng, ngực hoặc đau ở các vùng khác lan tỏa tới xương;
- Yếu, tê bì ở bàn chân, mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện do khối u di căn xương chèn ép tủy sống.
Nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều nghiên cứu cho rằng các yếu tố gene di truyền, dinh dưỡng, thói quen lối sống có thể ảnh hưởng phần nào đến nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Nga khuyến cáo, một số nghiên cứu đã chỉ ra những người đàn ông hút thuốc có nhiều khả năng tái phát ung thư tuyến tiền liệt và nguy cơ tử vong do bệnh này hơn những người đàn ông không hút thuốc.
Chế độ ăn nhiều nhiều đường, thịt và chất béo làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Do vậy, một chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ và ít chất béo động vật giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng như các bệnh ung thư khác.
Theo chuyên gia, việc luyện tập thể dục thể thao cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Tất cả nam giới đều có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt. Nguy cơ này tăng lên theo tuổi tác. Bệnh có thể mắc ở những đối tượng có nguy cơ cao hơn như:
- Nam giới trên 50 tuổi.
- Có tiền sử gia đình (cha hoặc anh, em trai) bị ung thư tuyến tiền liệt.
- Nam giới có chế độ ăn nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật.
- Nam giới béo phì.
- Đàn ông Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ tử vong và nguy cơ mắc bệnh khi còn trẻ cao hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn