Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người có thể không phát hiện ra nguy cơ mắc bệnh hoặc sự phát triển bệnh tim mạch của mình, làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng. Do vậy, việc thăm khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ thì cần kiểm tra ngay.
Dù bạn đang ở độ tuổi nào thì việc thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng sau, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe tim mạch:
Mặc dù đau thắt ngực có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim. Đau thắt ngực là một loại đau ngực do lưu lượng máu đến tim giảm và là một triệu chứng của bệnh động mạch vành.
Đau thắt ngực thường được mô tả là cảm giác bị ép, áp lực, nặng nề, căng cứng hoặc đau ở ngực. Có thể có cảm giác như có một khối nặng đè lên ngực.
Tim đập nhanh có cảm giác như tim bạn đập mạnh hoặc lỡ nhịp. Khi tim đập nhanh, bạn có thể cảm thấy tim mình đang đập ở ngực, cổ hoặc cổ họng.
Triệu chứng này có thể xuất hiện khi bạn hồi hộp, lo lắng, vận động với cường độ mạnh... nhưng đây cũng là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim.
Tim và phổi là 2 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng khó thở. Tim và phổi của bạn phối hợp với nhau để đưa oxy đến máu và các mô và loại bỏ carbon dioxide. Nếu một trong hai cơ quan này hoạt động không bình thường thì sẽ dẫn tới tình trạng có quá ít oxy hoặc quá nhiều carbon dioxide trong máu. Khi điều này xảy ra, cơ thể bạn sẽ phải thở mạnh hơn để lấy thêm oxy vào hoặc đẩy carbon dioxide ra ngoài.
Các tình trạng về tim có thể gây khó thở như suy tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim hoặc viêm cơ tim...
Chóng mặt là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khoẻ, đôi khi chỉ là do cơ thể suy nhược, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch, chẳng hạn như rung tâm nhĩ - gây ra nhịp tim không đều, đau tim, ngất do thần kinh tim hoặc tụt huyết áp đột ngột...
Khi tim của bạn không hoạt động tốt, lưu lượng máu sẽ chậm lại và ứ đọng trong các tĩnh mạch ở chân. Điều này khiến chất lỏng tích tụ trong các mô của bạn. Bạn cũng có thể bị sưng bụng hoặc tăng cân.
Mệt mỏi có thể có nhiều nguyên nhân. Đôi khi nó chỉ đơn giản là bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn do suy nhược cơ thể. Nhưng cảm giác kiệt sức có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, có thể liên quan đến tim mạch.
Khi mệt mỏi liên quan đến bệnh tim, bạn cảm thấy không thể thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày.
Ngoài 6 triệu chứng trên, các chỉ số liên quan có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cần được quan tâm, kiểm soát và đi thăm khám nếu như vượt mức cho phép:
Huyết áp cao là chỉ số huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên. Huyết áp cao thường không có triệu chứng và có thể nguy hiểm nếu không được điều trị, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, đau tim và các vấn đề khác.
Có một điều đáng lưu ý là gần một nửa số người trưởng thành bị tăng huyết áp nhưng lại không nhận ra tình trạng của mình. Tuy nhiên, cách kiểm tra huyết áp rất đơn giản, bạn chỉ cần sử dụng máy đo huyết áp là có thể biết các chỉ số huyết áp của mình.
Cholesterol cao là khi bạn có quá nhiều lipid (chất béo) trong máu. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn nhiều chất béo, không tập thể dục đủ, thừa cân, hút thuốc và uống rượu.
Cholesterol cao không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi cholesterol cao gây ra các vấn đề khác trong cơ thể.
Cholesterol cao dẫn đến sự tích tụ mảng bám bên trong mạch máu và gây xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên, huyết áp cao...
Nếu các chỉ số cholesterol toàn phần:
+ Dưới 200 mg/dL (5,1 mmol/L): Kết quả hoàn toàn bình thường, nguy cơ mắc bệnh động mạch vành là rất thấp.
+ Dao động trong khoảng 200 – 239 mg/dL (5,1 – 6,2 mmol/L): Kết quả này cho thấy bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe. Để hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển nặng, cần chú trọng thay đổi lối sống theo hướng tích cực và nên theo dõi sức khỏe định kỳ.
+ Từ 240 mg/dL (6,2 mmol/L) trở lên: Kết quả này cho thấy lượng cholesterol trong máu tăng khá cao. Theo đó, nguy cơ xơ vữa động mạch rất dễ xảy ra.
Lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) chủ yếu ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường và có thể nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Đối với những người chưa được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, tăng đường huyết là lượng đường trong máu lớn hơn 125 mg/dL khi nhịn ăn (không ăn ít nhất 8 giờ).
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, tăng đường huyết thường được coi là mức đường huyết lớn hơn 180 mg/dL từ một đến hai giờ sau khi ăn.
Thừa cân béo phì là tình trạng phổ biến, không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà tình trạng này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ tổng thể, trong đó bao gồm cả sức khoẻ tim mạch.
Thừa cân được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên. Béo phì được định nghĩa là chỉ số BMI từ 30 trở lên.
Công thức tính BMI theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia: BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m). Ví dụ, một người nặng 60 kg và cao 1,65 m sẽ có chỉ số BMI là: BMI: 60/(1,65x1,65)=20,04. Đây là mức chỉ số bình thường.
Kết luận lại, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tim mạch bắt đầu từ tuổi 20 và mỗi năm khám sức khỏe định kỳ 1 lần để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường có và có hướng điều trị kịp thời.
Bác sĩ sẽ đưa ra những bài kiểm tra phù hợp với tình trạng sức khỏe mà bạn đang gặp phải. Dưới đây là các bài kiểm tra tim mạch mà bạn có thể cần phải thực hiện:
Ngay cả khi bạn không có tiền sử bệnh tim, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) vẫn khuyên bạn nên làm các xét nghiệm sàng lọc định kỳ:
+ Xét nghiệm huyết áp và cholesterol, bắt đầu từ 20 tuổi đối với hầu hết mọi người
+ Xét nghiệm đường huyết, bắt đầu từ 40 đến 45 tuổi đối với hầu hết mọi người
+ Đo chỉ số khối cơ thể (BMI), dựa trên trọng lượng cơ thể hoặc chu vi vòng eo
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm protein phản ứng C có độ nhạy cao (hs-CRP). Xét nghiệm này đo protein phản ứng C (CRP), một dấu hiệu của tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh tim thì họ có thể chỉ định làm thêm một số bài kiểm tra:
+ Điện tâm đồ: Bác sĩ có thể dùng máy ECG ghi lại hoạt động điện của tim và cung cấp thông tin về nhịp tim của bạn.
+ Bài tập kiểm tra căng thẳng tim: Bạn được yêu cầu đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ trong khi chuyên gia chăm sóc sức khỏe đánh giá phản ứng của tim bạn đối với căng thẳng về thể chất thông qua máy ECG.
+ Siêu âm tim: Sử dụng máy siêu âm để tạo ra hình ảnh chuyển động của tim để xem liệu bạn có vấn đề với chức năng bơm của tim hay không và đánh giá van tim của bạn.
+ Chụp CT tim để xác định điểm canxi: Sử dụng máy chụp CT để tạo ra hình ảnh tim và kiểm tra sự tích tụ mảng bám trong động mạch vành của bạn.
+ Chụp CT mạch vành (CTA)
+ Chụp mạch vành qua ống thông mạch vành
Để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, điều quan trọng là phải thực hành lối sống lành mạnh. Ví dụ:
- Tránh hút thuốc lá.
- Tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần.
- Ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc.
- Hạn chế tiêu thụ chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, thực phẩm và đồ uống có đường.
- Thực hiện các bước để quản lý cân nặng, nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì hãy cố gắng giảm cân bằng cách tăng cường vận động, ăn ít hơn, uống nhiều nước.
- Kiểm tra sức khỏe tim mạch từ 6 tháng - 1 năm/lần để phát hiện ra những bất thường và có hướng điều trị, điều chỉnh phù hợp.
- Hãy làm theo kế hoạch điều trị do bác sĩ đề xuất nếu bạn nhận được chẩn đoán về huyết áp cao, cholesterol cao, tiền tiểu đường, tiểu đường hoặc các tình trạng sức khỏe khác.
Có thể nói, bệnh tim mạch đang trở nên phổ biến và có thể gây ra nhiều tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ... Do vậy, bạn nên có kế hoạch kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt những người có sự di truyền về bệnh tim mạch, người hay hút thuốc và có lối sống không lành mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn