Thừa nước có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ và hơi khó chịu tới đe dọa tính mạng. Mặc dù tin tốt là uống nhiều thêm vài cốc nước chỉ khiến số lần đi tiểu tiện của bạn tăng lên và thừa nước nhẹ không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Nhưng những rủi ro do thừa nước nguy hiểm hơn khi có các yếu tố khác đi kèm, chẳng hạn như sự cân bằng của các chất điện giải bao gồm kali, natri và magie trong cơ thể.
Ngộ độc nước, say nước hoặc rối loạn chức năng não có thể xảy ra khi bạn uống quá nhiều nước. Nguyên nhân được giải thích là do tế bào (bao gồm cả tế bào não) có quá nhiều nước khiến chúng sưng lên và gây ra áp lực trong não. Bạn có thể trải qua các biểu hiện như buồn ngủ, đau đầu, lẫn lộn. Đặc biệt khi áp suất tăng lên có thể gây ra các tình trạng như tăng huyết áp và nhịp tim thấp.
Natri là chất điện giải thường bị ảnh hưởng nhất khi cơ thể bị thừa nước. Tình trạng này được gọi là hạ natri máu (mức natri giảm xuống dưới 135mmol/l). Natri được biết là một nguyên tố quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng chất lỏng và điện giải trong vào ngoài tế bào. Khi nồng độ natri giảm xuống do lượng nước trong tế bào tăng cao, các chất lỏng này sẽ xâm nhập vào bên trong tế bào, gây sưng và tăng nguy cơ co giật, hô và thậm chí là đe dọa tới tính mạng.
Bạn có thể bị thừa nước theo hai cách: uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn hoặc do thận giữ quá nhiều nước không đào thải kịp. Các triệu chứng cơ thể bị dư thừa nước khá mơ hồ ở giai đoạn đầu.
Màu nước tiểu và số lần tiểu tiện của bạn có thể là một dấu hiệu quan trọng trong việc nhận biết bạn có đang uống quá nhiều nước hay không. Thông thường màu nước tiểu sẽ có màu từ ngả vàng nhạt do sự kết hợp của sắc tố urochrom và lượng nước mà bạn uống. Theo Healthline, nước tiểu màu vàng nhạt trông giống như nước chanh cho thấy mức độ hydrat hóa lành mạnh.
Nhưng nếu bạn nhận thấy nước tiểu của mình trong suốt, không màu hơn bình thường và bạn cần đi tiểu tiện thường xuyên hơn thì có thể là bạn đang uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn.
Như đã nói ở trên, uống quá nhiều nước sẽ khiến bạn gia tăng số lần tiêu tiện hơn. Thường thì bạn có thể đi tiểu từ 6 - 8 lần/ngày nhưng nếu bạn uống nhiều nước, cafe hoặc rượu thì số lần ghé thăm nhà vệ sinh có thể tới 10 lần.
Một khi số lần đi tiểu tiện của bạn ảnh hưởng tới sinh hoạt và gián đoạn công việc thì bạn cần cân nhắc tới việc cắt giảm lượng chất lỏng nạp vào sau khi loại bỏ các yếu tố do bệnh lý.
Nước dư thừa trong cơ thể khiến nồng độ muối trong cơ thể giảm xuống và các tế bào sưng lên. Sự sưng tấy này khiến chúng phát triển về kích thước và những khối u trong não ép vào hộp sọ. Áp lực này gây ra cơn đau đầu dữ dội và có thể dẫn đến suy giảm chức năng não và khó thở.
Các triệu chứng thừa nước có thể trông giống như mất nước. Khi bạn có quá nhiều nước trong cơ thể, thận không thể loại bỏ chất lỏng dư thừa. Nó bắt đầu tích tụ trong cơ thể, dẫn đến buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Theo WebMD thì khi bạn bị thừa nước, bạn sẽ thấy bàn chân, bàn tay và môi bị sưng hoặc đổi màu. Khi các tế bào sưng lên, da cũng sẽ sưng lên.
Khi mức điện giải giảm xuống do uống quá nhiều nước, sự cân bằng cơ thể của bạn sẽ giảm xuống. Nồng độ chất điện giải thấp trong cơ thể có thể gây co thắt cơ và chuột rút.
Nếu bạn nhận thấy run hoặc chuột rút ở tay và chân mà dường như không liên quan đến gắng sức, đó có thể là dấu hiệu bạn đang thừa nước và thiếu chất điện giải quan trọng. Nếu tình trạng đau hoặc yếu cơ của bạn vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi bạn đã giảm lượng nước uống vào, bạn nên đi khám bác sĩ.
Uống quá nhiều nước khiến thận của bạn phải làm việc quá sức để loại bỏ lượng nước dư thừa. Điều này tạo ra phản ứng hormone khiến bạn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi.
Một dấu hiệu của tình trạng thừa nước hoặc say nước là cảm giác lú lẫn hoặc mất phương hướng. Điều này có liên quan đến việc giảm mức độ chất điện giải, chẳng hạn như natri, trong cơ thể.
Trong những trường hợp cực đoan, uống quá nhiều nước và giảm nồng độ natri trong máu có thể khiến não bạn sưng lên một cách nguy hiểm. Nếu bạn bắt đầu gặp phải các triệu chứng, như nhầm lẫn, co giật hoặc mất ý thức, bạn có thể muốn được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Thừa nước và ngộ độc nước xảy ra khi một người uống nhiều hơn lượng nước mà thận của họ có thể đào thải được qua nước tiểu. Và không chỉ lượng nước bạn uống mà thời gian bạn tiêu thụ lượng nước đó cũng đóng vai trò quan trọng.
Theo Medical News Today thì thận có thể lọc bỏ khoảng 20 - 28 lít nước mỗi ngày nhưng chúng chỉ có thể lọc không quá 0,8 - 1 lít mỗi giờ. Vì thế mà để tránh hạ natri máu xảy ra thì điều quan trọng là lượng nước mà bạn uống không vượt qua lượng nước mà thận có thể lọc.
Ngoài ra, thận của trẻ em và người cao tuổi có thể lọc bỏ nước kém hiệu quả hơn nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để biết lượng nước phù hợp nên uống tối đa mỗi giờ là bao nhiêu. Lượng nước uống của người trưởng thành mỗi ngày sẽ phụ tuhoojc vào cân nặng, độ tuổi, mức độ hoạt động thể chất và giới tính chứ không đơn thuần chỉ dựa vào cơn khát.
Nhìn chung thì mặc dù các triệu chứng kể trên có thể là do bạn đang uống quá nhiều nước, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe khác. Nếu cảm thấy bất thường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn