Theo TS Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, trong những tháng thai kỳ, đặc biệt là sắp đến giai đoạn sinh, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, bà bầu cũng cần đến bệnh viện sớm để được thăm khám.
Trong những ngày cận sinh, bà bầu thường có các dấu hiệu sau:
Tụt bụng
Khoảng một vài tuần trước khi bắt đầu sinh, em bé sẽ dần di chuyển vào vị trí trong khung xương chậu của bạn. Tuy nhiên, với những người lần đầu làm mẹ, hiện tượng “tụt bụng” thường không xảy ra đến khi bạn thực sự đau đẻ. Em bé di chuyển đến vị trí để chuẩn bị chui ra: Đầu bé chúc thấp xuống dưới. Thời gian này, bà bầu thường xuyên đi tiểu giống thơgi gian 3 tháng đầu mang thai, bởi đầu của em bé đang đẩy xuống phía bàng quang.
Cổ tử cung giãn nở
Cổ tử cung cũng sẽ chuẩn bị cho việc sinh nở: Nó bắt đầu giãn (mở) ra và mỏng đi trong vài ngày hoặc vài tuần trước khi bạn chuyển dạ. Khi đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra và theo dõi sự giãn nở của tử cung để chẩn đoán ngày bệnh nhân “vượt cạn”.
Đau lưng hơn, cảm thấy các khớp lỏng lẻo
Thời gian này, bà bầu cảm thấy khó cử động và đau ở háng, lưng hơn. Cơ bắp và khớp xương của bạn cũng được kéo dài và chuyển sang thế chuẩn bị cho việc sinh nở.
Trong suốt thời kỳ mang thai, một số hormone tác động làm mềm và nới lỏng tất cả dây chằng để bà bầu thích nghi với sự thay đổi của cơ thể. Trước khi chuyển dạ, bạn có thể nhận thấy các khớp trên cơ thể trở nên lỏng lẻo. Đây là vấn đề không đáng lo vì sự thay đổi trên giúp khung xương chậu “mở ra” để em bé dễ chào đời.
Dễ bị tiêu chảy
Giống các cơ bắp trong tử cung giãn ra để chuẩn bị cho việc sinh nở, các cơ khác trong cơ thể của bạn, gồm cả các cơ nằm trong trực tràng cũng vậy. Điều này có thể khiến bạn đại tiện lỏng. Nếu không đi ngoài nhiều lần trong ngày thì đây là điều bình thường.
Ngừng tăng cân hoặc giảm cân
Tăng cân có xu hướng chững lại ở những ngày cuối của thai kỳ. Một số bà bầu thậm chí còn bị tụt cân. Đây là điều bình thường và sẽ không ảnh hưởng gì đến cân nặng của bé.
Tăng mệt mỏi
Thời kỳ này thai phát triển tối đa nên bạn có kích thước bụng siêu lớn, cùng với bàng quang bị nén lại. Điều đó có thể làm cho bạn khó có được một giấc ngủ ngon. Để khắc phục, bà bầu nên ngủ bất cứ lúc nào có thể, kể cả ban ngày.
Dịch tiết âm đạo thay đổi
Trong những ngày cuối thai kỳ, bạn sẽ nhận thấy lượng chất dịch âm đạo được tiết ra nhiều hơn và đặc hơn, kèm theo đó là chất nhày có lẫn những vệt máu nhạt. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy việc sinh nở sắp diễn ra.
Cơn co thắt mạnh và thường xuyên hơn
Các cơn co thắt là dấu hiệu sớm nhận biết việc sắp sinh. Khi này, bà bầu sẽ cảm thấy đau tức khó chịu bởi các cơ ở tử cung đang siết chặt để chuẩn bị cho thời điểm bé yêu ra đời.
Nếu bạn sắp sinh, các cơn co thắt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn chứ không giảm nhẹ đi. Nếu bạn thay đổi tư thế, vị trí, cơn co thắt cũng không biến mất. Những cơn đau co thắt bắt đầu ở phần lưng dưới và chuyển lên vùng bụng dưới, có thể là xuống cẳng chân của bạn.
Vỡ ối
Đây là một trong những dấu hiệu cuối cùng báo hiệu sắp sinh. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở gần 15% tổng số ca sinh. Do đó, gần đến ngày sinh, bà bầu cần đi khám theo chỉ định của bác sĩ để ca sinh nở được mẹ tròn con vuông.