Hãy xem xét tình huống này: Gần đây bạn gia nhập một tổ chức mới. Một ngày nọ, sau khi tham dự một cuộc họp đề xuất ý tưởng với một vài nhân sự cấp cao, sếp yêu cầu gặp riêng bạn tại văn phòng. Cuộc trò chuyện như sau:
- Sếp: Anh rất thất vọng về em. Em đã trình bày vài ý tưởng khá hay trong cuộc họp sáng nay, nhưng em lại không báo cáo trước với anh. Anh không đánh giá cao thái độ này. Có một bạn trước đây từng đảm nhận vị trí của em hiện tại, bạn này rất giỏi quản lý công việc liên quan đến các bộ phận, và bạn luôn trao đổi trước với anh để có gì thì kịp thời chỉnh sửa. Em làm anh mất mặt trước cả team.
- Bạn: Em hiểu. Sáng nay chỉ là một cuộc họp đề xuất ý tưởng, em chỉ nghĩ đơn giản là ý kiến của mình sẽ khuyến khích mọi người cùng đưa ra ý tưởng mới. Thời gian có chút cấp bách nên em cũng chưa kịp nói lại ạ.
- Sếp: Em là nhân sự mới và còn trẻ, chưa hiểu về kỹ năng làm việc và cộng tác với đồng nghiệp. Mọi người có thể rất nhạy cảm về ý tưởng của em. Lần sau cứ hỏi ý kiến của anh trước. Anh đang cố gắng giúp em phát triển trong tổ chức này. Nên em cần tin tưởng và lắng nghe sếp.
Điều gì đang xảy ra ở đây?
Nếu bạn tin sếp mình là một người cố vấn tốt và đang đưa ra lời khuyên, hướng dẫn mang tính xây dựng, thì bạn đã nhầm. Đây thực ra là một ví dụ về thao túng ở chốn công sở.
Khả năng thuyết phục mọi người là điều cần thiết để phát triển trong bất kỳ nghề nghiệp nào, vì nó cần thiết để đàm phán, để nhận được sự hỗ trợ của các bên liên quan tại công ty, để khuyến khích đội nhóm tạo ra sự thay đổi theo định hướng của bạn.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học và giáo sư chuyên về đàm phán và lãnh đạo, Ruchi Sinha cho rằng ranh giới giữa việc “tạo ra sức ảnh hưởng” và “thao túng tâm lý” đôi khi có thể rất mong manh.
“Ảnh hưởng” (influence) chỉ khả năng tác động của một người lên người khác. Ảnh hưởng là một thuật ngữ trung lập, không tiêu cực nhưng cũng không tích cực. Bạn có thể tác động đến người khác vì lý do chính đáng, chẳng hạn bạn đang hoạt động bảo vệ nhân quyền, bạn giúp gia đình và bạn bè hiểu về những khái niệm có phần “xa vời” với họ như bình đẳng giới, sức khỏe tâm lý. Tương tự, sếp của bạn ghi nhận sự nỗ lực của bạn và đối xử với bạn công bằng, bạn cũng sẽ đối xử và tôn trọng đồng nghiệp như cách sếp đối xử với bạn.
Lưu ý rằng có sự tự do lựa chọn ở đây. Tức là khi bạn gây ảnh hưởng đến người khác, họ chọn làm theo bạn vì tôn trọng, ngưỡng mộ, hoặc vì cảm thấy thuyết phục bởi lập luận và dẫn chứng bạn cung cấp. Ảnh hưởng mang tính trung lập nên không có yếu tố “ép buộc”, bạn có thể chọn nghe theo hoặc không.
Từ “thao túng”, hay “điều khiển” (manipulation) được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1827 với nghĩa là “hành động khéo léo bằng tay”, liên quan đến việc vận hành, di chuyển, thay đổi, kích động, hướng dẫn và chỉnh sửa mọi thứ trong môi trường xung quanh. Giờ đây, nó mang nghĩa là xử lý và quản lý tình huống một cách khéo léo để phục vụ mục tiêu của riêng bạn.
Thao túng có nhiều ý nghĩa tiêu cực, gồm cả việc thực hiện các hành vi chi phối, kiểm soát tâm lý người khác. Người thao túng dùng các chiến thuật đánh lạc hướng cảm xúc, thay đổi nhận thức của đối phương để làm mờ lý trí của họ, nhằm đạt được lợi ích cá nhân. Nhiều người không biết họ đang bị thao túng vì nó được thực hiện khéo léo, không để lộ ý định của người thao túng. Thậm chí, ngôn từ “đánh tráo” có thể làm “nạn nhân” có cảm giác người thao túng đang nghĩ cho lợi ích của họ.
Ảnh hưởng có thể bao gồm cả hành động thao túng, và điều này thì không nên chút nào.
Rất có thể vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của bạn, bạn sẽ làm việc với một người thao túng “chuyên nghiệp” tại chỗ làm. Họ có thể là cấp dưới, đồng nghiệp hoặc sếp.
Các nghiên cứu chỉ ra mỗi người sẽ áp dụng các chiến lược khác nhau để gây ảnh hưởng hoặc thao túng, tùy vào đặc điểm tính cách của họ. Ví dụ, người có tính hướng ngoại cao (hòa đồng, thích giao du) có xu hướng sử dụng các chiến thuật gây ảnh hưởng hơn. Mặt khác, những người có trí tuệ cảm xúc cao (có khả năng đọc tâm lý, nhu cầu, cảm xúc của người khác) hoặc ái kỷ thì có khả năng sử dụng các chiến thuật thao túng ngầm hơn. Họ có thể tạo ra một áp lực khủng khiếp mà không cần phải dùng từ ngữ nặng nề.
Sếp chỉ trích bạn công khai vì đã làm không đúng ý sếp. Thay vì xem xét toàn diện tình huống và các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công việc, sếp chỉ tập trung chỉ trích năng lực cá nhân của bạn khiến bạn nghi ngờ chính mình. Họ cũng có thể bộc lộ sự “ghét bỏ” một cách gián tiếp, hoặc chọn cách im lặng, phớt lờ, tránh mặt bạn, tất cả để bạn cảm thấy tội lỗi, tự khiển trách chính mình.
Ví dụ về một số câu nói thao túng:
- Cái này đến học sinh cấp 3 còn làm được mà em!
- Em thực sự nghĩ là mấy ý tưởng này hiệu quả à?
- Anh không hiểu sao em nghĩ được ý tưởng kiểu này luôn đấy!
Quay trở lại ví dụ ở đầu bài viết này, bạn có thể thấy sếp đang có hành động đặt câu hỏi chất vấn, thể hiện sự thất vọng và khiến cấp dưới nghi ngờ kỹ năng của họ.
Người quản lý của bạn có thể khen ngợi, tán dương bạn quá mức để “dụ” bạn nhận thêm các trách nhiệm nằm ngoài phạm vi công việc, ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Ví dụ: Tùng đã thể hiện khả năng lãnh đạo xuất sắc trong dự án XYZ và anh rất hy vọng em có thể tiếp tục đảm nhận cho dự án ABC.
Tất nhiên, ví dụ trên có thể chỉ đơn thuần là sếp tin tưởng năng lực của bạn và muốn trao cho bạn cơ hội mới. Nhưng nếu sếp biết bạn đang rất bận, nhận thêm việc mới sẽ tước đi thời gian cho gia đình và chăm sóc sức khỏe, nhưng vẫn giao việc vì bạn sẽ giúp sếp có nhiều thời gian rảnh hơn (phục vụ mục đích cá nhân), thì đó là thao túng tâm lý.
Đồng nghiệp khác có thể sở hữu một vài kỹ năng tốt hơn bạn, ví dụ kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập kế hoạch. Thay vì chỉ ra điểm mạnh của người khác để bạn có thể học hỏi, sếp lại xoáy sâu vào điểm yếu của bạn và đem nó ra so sánh với điểm mạnh của người khác.
Ví dụ: Dương có khả năng trình bày ý tưởng khá tốt đấy, ít nhất em phải làm được như vậy, anh thấy không hài lòng với cách làm hiện tại của em.
Thay vì giúp đồng nghiệp học hỏi được thế mạnh của nhau, sếp liên tục muốn bạn tự cảm thấy thua kém. Bạn dường như không có quyền thể hiện sự sáng tạo, đổi mới mà phải luôn theo ý sếp.
Sếp cố tình “bịa chuyện” về nhân viên khác để bạn có nhận thức tiêu cực về họ. Họ có thể chỉ trích người khác (con bé Quỳnh không bao giờ nghĩ được ý tưởng “ra hồn”) hay liên tục cung cấp cho bạn thông tin mà bạn không thể xác minh (Có khi cấp trên đang ngầm thiên vị A).
Họ càng lặp lại thông tin sai lệch, bạn càng cảm thấy thông tin đó hợp lý. Đây là một cách để kẻ thao túng gây dựng lòng tin với bạn và khiến bạn thấy may mắn vì bạn đang làm việc cho họ chứ không phải những người khác.
Người thao túng tâm lý bạn có thể là những người hiểu rất rõ về bạn. Nghiên cứu cho thấy các mối quan hệ càng thân thiết thì càng dễ bị thao túng hơn vì các bên liên quan hiểu rõ điểm yếu, mong muốn, nhu cầu và điểm yếu của đối phương. Nhưng nỗi sợ bị thao túng không nên là lý do để bạn cô lập mình với mọi người.
Vậy bạn nên làm gì lúc này? Hãy áp dụng một số kỹ năng để giảm bớt sự nhạy cảm, và tăng khả năng “miễn dịch” chống lại sự thao túng.
Tự hỏi mình một số câu hỏi:
- Bạn có hay muốn làm hài lòng người khác? Bạn có ngại làm phiền mọi người? Bạn có làm những việc để tránh người này tức giận hoặc khó chịu không?
- Bạn có luôn lo lắng về cách người này nghĩ và cảm nhận về bạn? Bạn có tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác?
- Bạn có thấy khó nói lời từ chối không?
- Bạn có hay biện minh cho hành động của một người dù cảm thấy hành động đó “không đúng lắm”? Nói cách khác là bạn có đang hợp lý hóa hành vi thao túng của họ?
- Bạn có nhu cầu duy trì và bảo vệ mối quan hệ ngay khi cả khi mối quan hệ đó tổn thương bạn?
Nếu bạn trả lời có cho hầu hết các trường hợp, thì sự thực là bạn rất dễ bị thao túng.
Đôi khi chúng ta không thoát khỏi mối quan hệ thao túng là vì ta không chú ý đến những gì đang xảy ra với mình. Hãy dành thời gian để quan sát và nhìn nhận dưới nhiều góc độ.
Ví dụ, câu chuyện bạn bị sếp mắng là vì bạn thật sự làm sai hay sếp chỉ đang tận dụng bạn như một nước cờ để phủi bỏ trách nhiệm. Bạn được sếp khen vì bạn thực sự làm tốt công việc hay họ đang muốn giao thêm việc ngoài giờ cho bạn. Đôi khi, sếp có thể “lỡ lời” và bạn lại nhạy cảm nên coi đó là thao túng tâm lý.
Nếu bạn vẫn đang bối rối không biết mình có rơi vào “bẫy cảm xúc” không, bạn có thể thử kể cho người khác, tìm kiếm sự hỗ trợ, như bạn thân, gia đình. Họ có thể nhận thấy những điều “độc hại” mà bạn thường phủ nhận hoặc vô thức bỏ qua. Đánh giá chủ quan và khách quan sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều nhất.
Trong thâm tâm, nạn nhân của thao túng tâm lý biết là có gì đó không ổn, nhưng họ chọn bỏ qua cảm giác bất an để duy trì mối quan hệ (có thể vì họ thích người này hoặc cảm thấy không còn lựa chọn nào khác), hoặc sợ nếu giải quyết vấn đề thì người ta sẽ khó chịu.
Ngay khi bạn thấy bối rối, không thoải mái, đây là lúc bạn cần dừng lại và cân nhắc cảm xúc của mình. Chỉ bởi vì bạn nhìn thấy điểm tích cực trong “lời nói cay nghiệt” của người khác, không có nghĩa là họ không phải kẻ thao túng. Đừng cố gắng áp dụng niềm tin “khẩu xà tâm phật” cho những kẻ thao túng này. Hãy ngay lập tức đề xuất một giải pháp khả thi khác nếu được. Bạn cần tạo ra ranh giới nhất định để bảo vệ mình trước.
Ví dụ, nếu sếp vừa khen bạn rồi tiếp tục yêu cầu bạn làm một việc mà mình không có thời gian, hãy hỏi họ xem liệu còn ai khác trong nhóm đảm nhận được không. Sếp có thể thuyết phục bạn bằng lập luận “nhân viên giỏi là nhân viên phải luôn hết mình về công việc”, tức là sẵn sàng hy sinh thời gian cá nhân. Lúc này hãy tự hỏi: “Liệu một người sếp tốt có coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống?”. Nếu trả lời được, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Dù muốn hay không, những người thao túng tâm lý có ở khắp mọi nơi, đó có thể là người thân, bạn thân và đôi khi, chính bạn là một người thao túng tâm lý mà không nhận ra. Bất kỳ khi nào bạn cảm thấy bất an, cảm xúc bị tổn thương, hãy ngẫm nghĩ và đặt câu hỏi cho chính mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn