Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ho gà tránh nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác

09:23 | 30/12/2022;
Ho gà có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp và gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Tiêm phòng là điều cần thiết để phòng ngừa ho gà cho trẻ.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng hệ hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm chủng và trẻ em từ 11 đến 18 tuổi mà khả năng miễn dịch đã bắt đầu suy giảm.

Ho gà thường gây bệnh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Vì vậy, khi mang thai hoặc những người tiếp xúc với trẻ nên tiêm phòng đầy đủ để ngăn ngừa bệnh tật và bảo vệ trẻ.

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ho gà

Bệnh ho gà thường ủ bệnh từ 7 đến 10 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài tới 21 ngày. Một số triệu chứng ban đầu của ho gà ở trẻ khá giống với các bệnh hô hấp khác như cảm lạnh, cảm cúm, chẳng hạn ho, sốt, sổ mũi. Các triệu chứng này kéo dài khoảng một tuần.

Sau đó, ho rõ ràng hơn, có thể kéo dài trong 10 tuần hoặc hơn. Cơn ho kéo dài và thường kết thúc bằng âm thanh the thé khi trẻ hít vào. Có trẻ ho nhiều có thể bị nôn.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể khó thở sau một cơn ho. Em bé dưới sáu tháng tuổi có thể bị ngưng thở thay vì ho.

Các bệnh nhiễm trùng khác như viêm phổi và nhiễm trùng tai giữa thường gặp khi trẻ bị ho gà.

Vì đây là bệnh lý khá nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, khi trẻ xuất hiện các cơn ho, khó thở, sổ mũi, … cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ho gà tránh nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác - Ảnh 1.

Các triệu chứng ban đầu của ho gà khá giống cảm lạnh nên dễ gây nhầm lẫn (Ảnh: Internet)

2. Biến chứng có thể xảy ra khi trẻ bị ho gà

Trẻ sơ sinh bị ho gà cần được theo dõi chặt chẽ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra do thiếu oxy. Các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

- Tổn thương não

- Viêm phổi

- Co giật

- Chảy máu trong não

- Ngưng thở (thở chậm lại hoặc ngừng thở)

- Nguy hiểm đến tính mạng

Đối với trẻ lớn hơn có thể gặp một số biến chứng như khó ngủ, tiểu không tự chủ (mất kiểm soát bàng quang), viêm phổi, gãy xương sườn.

3. Cách chăm sóc trẻ khi bị ho gà

Với những trẻ bị ho gà ở thể nhẹ như ho ít, ho ngắn, trẻ chơi đùa, sinh hoạt và ăn uống bình thường, bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà. Lúc này cha mẹ nên:

- Tăng cường sức khỏe cho con bằng chế độ ăn uống khoa học. Nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, uống nhiều nước. Để con ăn uống dễ dàng hơn khi bị ho, cha mẹ nên lựa chọn các món cháo, súp, chia thành các bữa ăn nhỏ.

- Theo dõi các dấu hiệu mất nước của trẻ, bao gồm khát nước, khó chịu, bồn chồn, thờ ơ, mắt trũng sâu, miệng và lưỡi khô, da khô, khóc mà không có nước mắt và ít đi vệ sinh hơn (hoặc ở trẻ sơ sinh, ít tã ướt hơn).

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ho gà tránh nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác - Ảnh 2.

Cha mẹ nên theo dõi các dấu hiệu mất nước của trẻ để bổ sung nước phù hợp cho bé (Ảnh: Internet)

- Cho trẻ nghỉ ngơi trên giường và sử dụng máy phun sương để giúp làm dịu phổi và đường thở bị kích thích.

- Đảm bảo môi trường trong nhà không có khói bụi hoặc các chất kích thích, chẳng hạn như bình xịt khí dung; khói thuốc lá; khói từ nấu ăn, bếp lò đốt củi, …

- Vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ, dùng nước muối Natri Clorid 0,9% để rửa mũi cho trẻ. Với trẻ lớn hơn có thể cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng.

- Cho trẻ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, hầu hết trẻ bị ho gà thường được kê kháng sinh. Lưu ý, cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn, tránh việc dùng không đúng cách dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh.

Đối với trẻ có triệu chứng nặng hơn (ngủ ít, thở nhanh, khó thở, ăn uống kém, cơn ho kéo dài gây đỏ tím mặt, …) hoặc trẻ sơ sinh, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện điều trị để phòng ngừa biến chứng xảy ra.

4. Phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ

Ho gà ở trẻ có thể được phòng ngừa khi cha mẹ thực hiện theo những khuyến nghị sau:

- Tiêm chủng là chìa khóa để phòng bệnh ho gà. CDC khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ sơ sinh từ 2 đến 6 tháng tuổi, khoảng 15 đến 18 tháng; 4 đến 6 tuổi và tiêm nhắc lại lúc 11 tuổi - 13 tuổi.

Ngoài ra, những người thường tiếp xúc với trẻ sơ sinh cũng nên tiêm chủng vì khả năng miễn dịch của người lớn đối với bệnh ho gà giảm dần theo thời gian. Để chắc chắn, bạn có thể đến phòng tiêm chủng để được tư vấn.

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người có biểu hiện của ho gà

- Bệnh ho gà rất dễ lây lan, vi khuẩn có thể lây lan dễ dàng qua những giọt chất lỏng trong không khí do ho và hắt hơi, hoặc lây lan qua tay đã tiếp xúc với vi khuẩn. Vì vậy, đối với trẻ lớn hơn, giáo dục trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng để ngăn ngừa bệnh.

- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, vận động thường xuyên, …

Điều đáng lưu ý, khi thành viên trong gia đình bị mắc ho gà, bạn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây nhiễm cho người khác. Lúc này, bạn nên giữ khoảng cách với người khác và dùng kháng sinh để phòng ngừa phơi nhiễm.

Kháng sinh sau phơi nhiễm nên dùng cho những trường hợp có nguy cơ cao như: Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, phụ nữ trong 3 tháng thứ 3 của thai kỳ, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh mạn tính, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ có thai. Để đảm bảo chắc chắn, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn