Theo TS. Bác sĩ Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), có khoảng 20% số trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn sớm. Lý do là vì không có xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn nào có thể phát hiện ung thư buồng trứng. Một vấn đề khác là các triệu chứng sớm của bệnh thường dễ bị bỏ qua.
"Ung thư buồng trứng giống như kẻ giết người thầm lặng. Bạn sẽ có các biểu hiện triệu chứng như đầy bụng, đau bụng. Bạn sẽ nghĩ đó là dấu hiệu của một vấn đề khác liên quan đến tiêu hoá", bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết.
Theo bác sĩ Sơn, để nhận biết triệu trứng ung thư buồng trứng cần chú ý đến những biểu hiện như đầy bụng, đau bụng, đau vùng chân, táo bón, khó ăn hoặc nhanh no bụng; gặp các vấn đề về tiểu tiện; mệt mỏi, đau lưng, đau khi quan hệ tình dục. Đối với những người có nguy cơ như do gene, di truyền hoặc tiền sử gia đình thì nên khám sàng lọc hàng năm và siêu âm vùng chậu định kỳ.
Bác sĩ Sơn cho biết, u nang buồng trứng là những nang nhỏ chứa đầy dịch phát triển bên trong hoặc trên buồng trứng. Đa số các loại u nang đều vô hại và xảy ra như một phần thông thường của quá trình rụng trứng. Đó gọi là u nang chức năng và thường biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
"Rất hiếm khi u nang buồng trứng tiến triển thành ung thư. Khi đó, bác sĩ sẽ phải kiểm soát và đảm bảo rằng khối u không phát triển quá lớn. Khi khối u phát triển quá lớn và gây ra các triệu chứng, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ. Nguy cơ u nang phát triển thành ung thư ở phụ nữ sau mãn kinh sẽ cao hơn so với phụ nữ trẻ", bác sĩ Sơn tư vấn.
Nhiều người cho rằng, cắt bỏ buồng trứng sẽ tránh được nguy cơ ung thư buồng trứng. Tuy nhiên theo bác sĩ Sơn, sau khi cắt bỏ buồng trứng vẫn có thể phát triển ung thư buồng trứng hoặc ung thư phúc mạc nguyên phát (một bệnh liên quan đến ung thư buồng trứng). Nguy cơ bị bệnh sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng mà người bệnh đã thực hiện. Cắt bỏ một phần buồng trứng (chỉ cắt bỏ tử cung) và cắt bỏ hoàn toàn (cả buồng trứng và cổ tử cung) vẫn bảo tồn buồng trứng, nghĩa là vẫn có thể bị ung thư.
Cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng và vòi trứng sẽ bao gồm cắt bỏ cổ tử cung, tử cung, hai buồng trứng và ống dẫn trứng. Khi không còn buồng trứng nữa, nguy cơ ung thư của bạn sẽ giảm xuống đáng kể nhưng vẫn có nguy cơ mắc một loại ung thư tương tự như ung thư buồng trứng là ung thư phúc mạc nguyên phát, ảnh hưởng đến các tế bào ở lớp niêm mạc lót trong các cơ quan ở ổ bụng. Tuy vậy, nguy cơ chỉ là rất nhỏ.
Một số người cũng cho rằng, các biện pháp điều trị sinh sản sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Nhiều nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa thụ tinh nhân tạo sử dụng các thuốc như Clomid với nguy cơ ung thư nhưng kết quả chưa rõ ràng. "Hiện nay các chuyên gia đều đồng ý rằng việc tăng nguy cơ ung thư chủ yếu là do vấn đề vô sinh mang lại, chứ không phải do các phương pháp điều trị sinh sản. Nếu bạn không thể mang thai, bạn sẽ thường xuyên rụng trứng và sẽ tiếp xúc nhiều với estrogen hơn so với những người có thể mang thai. Một số yếu tố khác liên quan đến vô sinh như béo phì và lạc nội mạc tử cung cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư", bác sĩ Sơn chia sẻ thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn