Nhận biết đúng các dấu hiệu sớm cảnh báo trẻ bị mất nước sẽ giúp giảm trừ các nguy cơ bị sốc, co giật,... ảnh hưởng tới sức khỏe và việc điều trị bệnh.
Bác sĩ Nhi khoa Florencia Segure tại Einstein Pediatrics, Virginia cho biết, nguyên nhân gây mất nước phổ biến là do mất chất lỏng từ đường tiêu hóa chẳng hạn như tiêu chảy, nôn mửa, chảy máu hoặc thông qua da (vận động toát mồ hôi,...).
Không chỉ mất nước, việc trẻ bị nôn nhiều hoặc tiêu chảy kéo dài có thể gây ra tình trạng mất các chất điện giải quan tọng như clorua, kali, natri - những chất giúp cơ thể cân bằng chất lỏng và các mô trong cơ thể, giúp điều hòa chức năng tim và thần kinh, phân phối oxy và cân bằng axit-bazo trong cơ thể.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, việc không uống đủ nước hoặc đổ mồ hôi quá nhiều có thể gây mất nước. Điều này đặc biệt dễ xảy ra hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do kích thước nhỏ bé của cơ thể nên chứa ít chất lỏng hơn so với người lớn - dẫn đến nguy cơ mất nước ở chúng cũng cao hơn.
Ngoài ra, ít phổ biến hơn là nguyên nhân mất nước do bệnh mãn tính, chẳng hạn như lượng đường trong máu cao ở trẻ bị tiểu đường có thể khiến trẻ đi tiểu thường xuyên hơn so với trẻ khỏe mạnh khác.
Kelly Fradin, Bác sĩ Nhi khoa và là tác giả của cuốn "Parenting in a Pandemic: How to Help Your Family Through COVID-19" - tạm dịch là "Nuôi dạy con trong đại dịch COVID-19" cho biết, một đứa trẻ bị mất nước có thể bị mệt mỏi, đau đầu, tiểu ít hơn và nhịp tim tăng cao.
Bạn có thể kiểm tra tình trạng mất nước của bé bằng cách ấn vào móng tay của trẻ cho đến khi móng tay trẻ chuyển sang màu trắng. Khi thả ra, nếu mất hơn 2 giây để móng trở lại màu hồng bình thường thì có nghĩa là trẻ đang bị mất nước.
Hoặc dùng ngón tay ấn vào da vùng đùi của trẻ, nếu vùng da bị ấn không ngay lập tức căng trở lại như ban đầu thì trẻ cũng đang bị mất nước.
- Miệng và lưỡi trẻ bị khô
- Trẻ không đi tiểu thường xuyên như bình thường
- Nhịp thở và nhịp tim tăng nhẹ
- Da tay da chân ẩm mát hơn
- Trẻ bơ phờ, cáu kỉnh bất thường, mệt mỏi, không muốn chơi
- Đôi mắt trẻ trũng sâu hoặc khóc không nước mắt.
Đối với trẻ sơ sinh, có một dấu hiệu đặc trưng là "Lõm thóp trước" bên cạnh đó là việc thay ít bỉm hơn so với bình thường và ít nước mắt hơn.
Thông thường thì việc xác định tình trạng mất nước ở trẻ lớn hơn sẽ dễ dàng hơn so với trẻ nhỏ bởi chúng có khả năng thích ứng tốt hơn với việc mất nước bằng cách đòi được uống cho tới khi nhu cầu chất lỏng được đáp ứng - điều mà trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh không biểu đạt rõ ràng được.
- Không dung nạp được chất lỏng hoặc gặp khó khăn khi uống
- Miệng và lưỡi bị khô và nứt nẻ
- Tiểu rất ít hoặc không tiểu
- Nhịp tim tăng nhanh, mạch yếu và thở nặng
- Da xuất hiện các nốt đốm, da các chi mát
- Kiểm tra bằng cách ấn mao mạch thì mất vài dây vùng da ấn lõm hay móng tay bị ấn mới căng/hồng trở lại.
Hầu hết mọi mức độ mất nước đều có thể được khắc phục thông qua đường uống bao gồm cả trẻ đang bú mẹ hay bú bình trừ trường hợp nghiêm trọng trẻ cần phải nhập viện để bù nước qua đường tĩnh mạch. Sử dụng các dung dịch điện giải bù nước cho trẻ lớn hơn đem lại tác dụng lớn cho ruột và giữ nước tốt hơn.
Nếu trẻ tiếp tục nôn mửa hoặc tiêu chảy, cứ sau 2 phút lại cho trẻ uống 1 thìa cà phê điện giải một lần. Khi trẻ không còn bị mất nước nữa, trẻ sẽ có thể quay trở lại chế độ ăn bình thường.
Một lưu ý khác đó là không nên bù nước cho trẻ bằng đồ uống thể thao, mặc dù có thể bù muối nhưng loại đồ uống này chứa một lượng lớn đường và có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng tiêu chảy.
Đôi khi mất nước có thể gây đau họng nên việc nuốt chất lỏng để bù nước sẽ gặp khó khăn. Do vậy các loại thuốc giảm đau có thể được chỉ định, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về các thuốc giảm đau không kê đơn.
Tìm hiểu về nguyên nhân và nhận biết các dấu hiệu trẻ bị mất nước là rất quan trọng. Nhưng cách tốt nhất để ngăn ngừa mất nước ở trẻ chính là cho trẻ uống đủ lượng nước dựa theo công thức cân nặng phù hợp.
Có một số vấn đề cần lưu ý như sau:
- Kiểm tra thân nhiệt của trẻ
Kiểm tra xem trẻ có đang bị quá nóng hay không, với trẻ sơ sinh thì bạn có thể kiểm tra thông qua việc chạm nhẹ vào gáy. Nếu thấy vùng da nóng và đổ mồ hôi, điều này cho thấy trẻ đang bị nóng và có thể bị mất nước.
- Môi trường
Tạo cho bé môi trường mát mẻ xung quanh, chơi trong môi trường râm mát để bảo vệ làn da của trẻ cũng như hạn chế nguy cơ mất nước. Với trẻ hoạt động ngoài trời, cần chú ý cho trẻ uống thêm nước bù lại lượng mồ hôi thoát ra.
Ngoài ra, cần chọn quần áo phù hợp, không để trẻ quá nóng. Chọn quần áo thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.
- Thời gian uống nước
Còn tùy vào mức độ hoạt động và độ tuổi của trẻ mà thời điểm uống chất lỏng sẽ khác nhau. Chẳng hạn như với trẻ sơ sinh thì nên bú mẹ ít nhất từ 2 - 3 giờ một lần.
Tóm lại, sự xuất hiện của nhiễm trùng tiêu hóa và đường hô hấp do virus Adeno ở thời điểm hiện tại khiến trẻ dễ bị sốt, tiêu chảy, nôn mửa,... dẫn tới nguy cơ mất nước cao hơn khi không được bù nước kịp thời. Nhận biết đúng các dấu hiệu trẻ bị mất nước kể trên giúp cha mẹ giảm thiểu được nhiều rủi ro sức khỏe cho trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn