Mặc dù cách chắc chắn nhất để xem liệu bạn có đang mắc bệnh thận hay không là xét nghiệm kiểm tra chức năng thận ở cơ sở y tế nhưng có một số dấu hiệu có thể cảnh báo thận đang có vấn đề hoặc bệnh lý tiềm ẩn khác. Nếu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận bao gồm tiền sử gia đình, huyết áp cao, tiểu đường type 2, trên 60 tuổi thì càng cần thăm khám sớm và kiểm tra định kỳ.
Thận là một cơ quan bài tiết chính trong hệ tiết niệu. Mỗi người có 2 quả thận, có nhiều chức năng. Thận là một bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu, có hình hạt đậu nằm trong khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống, ngang đốt sống ngực T11 đến đốt thắt lưng L3. Thận có vai trò quan trọng trong cơ thể con người, bao gồm:
- Lọc chất cặn bã: Thận lọc khoảng 120-150 lit máu mỗi ngày để loại bỏ chất cặn và chất độc hại qua nước tiểu.
- Duy trì cân bằng chất lỏng: Thận điều chỉnh lượng nước trong cơ thể, ngăn chặn sự mất nước hoặc tích tụ nước quá mức.
- Duy trì cân bằng điện giải: Thận điều hòa các ion như natri, kali và photphat trong cơ thể.
- Sản xuất hormone: Thận sản xuất hormone erythropoietin (EPO) giúp kích thích sản xuất hồng cầu, và renin giúp điều hòa huyết áp.
- Duy trì cân bằng axit-bazơ: Thận giúp duy trì mức độ pH cân bằng trong cơ thể bằng cách loại bỏ hoặc giữ lại axit hoặc bazơ.
- Chuyển hóa chất dinh dưỡng: Ví dụ, thận chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động để giúp hấp thu canxi từ ruột và duy trì sức khỏe xương.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo thận đang có vấn đề, theo WebMD:
Thận lọc chất thải từ máu và đào thải nó qua nước tiểu. Khi thận không hoạt động đúng cách, chất độc có thể tích tụ lại trong cơ thể. Sự tích tụ này có thể gây mệt mỏi, vì cơ thể phải hoạt động nhiều hơn để cố gắng giữ cân bằng và loại bỏ các chất độc đó.
Ngoài ra, khi thận không hoạt động tốt, có thể xảy ra sự sụt giảm trong sản xuất hormone erythropoietin (EPO), hormone cần thiết cho việc tạo ra hồng cầu. Khi số lượng hồng cầu giảm, lượng oxy được vận chuyển đến các cơ bắp và não bộ cũng giảm theo, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, yếu ớt và khó tập trung.
Khi chức năng thận suy giảm, nồng độ chất độc trong máu có thể tăng lên do thận không thể lọc chất cặn hiệu quả. Điều này có thể gây ra các vấn đề với giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Các chất độc tích tụ trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, ở trường hợp bị suy thận, thường phải đối mặt với tình trạng gọi là hội chứng chân không yên, làm tăng sự bồn chồn và khó chịu vào ban đêm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Suy thận cũng gây ra biến đổi trong sản xuất hormone và cân bằng chất lỏng, có thể dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ. Tất cả những yếu tố này cùng nhau góp phần làm giảm chất lượng giấc ngủ ở những người mắc bệnh thận.
Khi thận không thể loại bỏ độc tố qua nước tiểu và tích tụ lại trong máu, bao gồm cả ure, phốt pho và các chất nitơ khác, tạo ra một tình trạng gọi là uremia (tình trạng có nồng độ ure cao trong máu), điều này có thể dẫn tới phát ban mẩn ngứa khắp người.
Hơn nữa, thận có vai trò giữ cho xương chắc khỏe cũng như duy trì sự cân bằng hợp lý của các khoáng chất trong máu. Khi bị suy thận, thận có thể bị tổn thương tới mức không hoạt động được và kết quả là da của bạn có thể trở nên thô ráp, đóng như vảy cá, da có cảm giác căng và dễ nứt. Bạn có thể gãi mạnh đến mức da chảy máu hoặc lở loét.
Theo thời gian, sự tích tụ độc tố trong cơ thể do thận suy giảm chức năng có thể khiến da chuyển thành màu nhợt nhạt, vàng hoặc xám nhạt. Các vùng da cũng có thể sẫm màu hơn, dày lên và phát triển các rãnh sâu, các vết sưng hoặc u nang giống với mụn đầu trắng. Bạn cũng có thể nhận thấy phát ban ngứa gồm những vết sưng nhỏ hình vòm, đôi khi liên kết với nhau tạo thành các mảng nổi lên thô ráp.
Khi thận của bạn không thể loại bỏ tốt natri, chất lỏng sẽ tích tụ trong cơ thể bạn. Điều đó có thể dẫn đến sưng tấy tay, chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc mặt sưng húp. Và protein rò rỉ ra ngoài qua nước tiểu có thể biểu hiện dưới dạng bọng mắt quanh mắt.
Phù nề ở mặt thường xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và có thể giảm đi trong ngày khi cơ thể di chuyển và thực hiện các hoạt động khác biệt.
Chuột rút ở chân và những bộ phận khác có thể là dấu hiệu của chức năng thận kém. Mất cân bằng nồng độ natri, canxi, kali hoặc các chất điện giải khác có thể làm gián đoạn hoạt động của cơ và dây thần kinh.
Điều này có thể dẫn đến hiện tượng chuột rút cơ bắp bởi vì cân bằng điện giải là yếu tố quan trọng cho sự co bóp cơ bắp bình thường. Ngoài ra, sự mất cân bằng dịch và chất điện giải cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi cơ bắp và khó chịu, từ đó làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng chuột rút cơ.
Khi bị bệnh thận, các cơ quan của bạn không tạo ra đủ loại hormone EPO, báo hiệu cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu. Không có nó, bạn có thể bị thiếu máu và cảm thấy khó thở. Một nguyên nhân khác là sự tích tụ chất lỏng khiến một người gặp khó khăn trong việc lấy lại hơi thở do chất lỏng tích tụ trong phổi. Trong trường hợp nghiêm trọng, việc nằm xuống có thể khiến bạn cảm thấy như đang chết đuối.
Ngoài ra, khi thận không thể duy trì cân bằng axit-bazơ của cơ thể, có thể phát triển tình trạng nhiễm toan (hay còn gọi là nhiễm độc axit) là tình trạng nồng độ axit trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường, xảy ra khi thận và phổi không thể giữ cân bằng pH của cơ thể, có thể kích thích cơ quan hô hấp làm tăng tần suất và độ sâu của nhịp thở (nhiễm toan hô hấp). Điều này cũng góp phần gây khó thở khi bị suy thận.
Khi thận của bạn không lọc hết chất thải ra khỏi cơ thể, chất cặn có thể ảnh hưởng đến não. Thiếu máu cũng có thể khiến não của bạn không nhận được lượng oxy cần thiết. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt và gặp khó khăn trong việc tập trung và ghi nhớ. Bạn thậm chí có thể trở nên bối rối đến mức gặp rắc rối với những công việc đơn giản.
Bệnh thận có thể gây buồn nôn hoặc nôn và khó chịu ở dạ dày. Điều đó có thể khiến bạn ít thèm ăn. Điều đó đôi khi có thể dẫn đến giảm cân.
Theo Health, khoảng một phần ba số bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối cũng cho biết có vị kim loại trong miệng, rất có thể là do sự tích tụ các chất thải trong máu, chẳng hạn như ure. Điều này có thể ảnh hưởng đến vị giác của bạn. Mất vị giác là triệu chứng phổ biến khác.
Nếu quan sát thấy nước tiểu có màu nâu hoặc đỏ, điều đó có nghĩa là có tế bào hồng cầu trong nước tiểu của bạn. Mặc dù điều này có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hoặc sỏi thận nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thận.
Khi chức năng thận suy giảm, khả năng của thận trong việc giữ protein trong máu bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng proteinuria (protein niệu - sự xuất hiện của protein trong nước tiểu). Sự tích tụ của protein, đặc biệt là albumin, trong nước tiểu có thể tạo ra bọt khi đi tiểu do protein làm tăng sức căng bề mặt của nước, tạo nên bọt. Đây có thể là một dấu hiệu của bệnh thận, cần được sự chú ý và đánh giá y khoa.
Trong ngày, chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ ở mắt cá chân và bắp chân khi bạn đứng và ngồi cả ngày. Khi bạn đi ngủ vào ban đêm, chất lỏng dư thừa đó sẽ đi thẳng đến thận của bạn.
Nếu thận bị tổn thương, chúng cũng không thể lọc được chất lỏng đó. Kết quả có thể là bạn phải đi vệ sinh nhiều hơn vào ban đêm.
Nhìn chung các dấu hiệu kể trênkhông phải lúc nào cũng là dấu hiệu của suy giảm chức năng thận nhưng chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn cần được thăm khám y tế để phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tổn thương tại thận thường không có nhiều dấu hiệu nhận biết sớm vì thế mà có thể mất nhiều thời gian trước khi có những thay đổi đáng chú ý trong cơ thể.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn