Các triệu chứng viêm VA dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như viêm họng, viêm amidan... nên dễ dẫn tới chẩn đoán và điều trị không đúng cách. Vậy dấu hiệu viêm VA là gì? Phương pháp điều trị như thế nào?
VA là một từ viết tắt của tiếng Pháp Végétations Adénoides, là một tổ chức gồm nhiều tế bào bạch cầu (lympho) ở vòm mũi họng. Không khí khi được hít thở vào đi qua đây sẽ được VA cùng với Amidan thực hiện chức năng bắt giữ các vi sinh vật có hại đi qua mũi hoặc miệng.
Đồng thời, VA cũng sản sinh ra các đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn. Bình thường kích thước của VA khoảng 4 đến 5mm không gây cản trở tới đường thở.
Nếu VA bị tấn công bởi vi khuẩn gây bệnh thì sẽ gây ra tình trạng viêm VA. Lúc này kích thước của VA sẽ phát quá thành khối to, gây ảnh hưởng tới đường thở, cản trở lưu thông không khí đi vào.
Viêm VA thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc viêm VA nếu sức đề kháng yếu.
Vì VA là nơi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với các tác nhân vi khuẩn gây bệnh, nên có thể sẽ bị tấn công bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, khi chủ thể có tình trạng sức khỏe kém, sức đề kháng yếu, vệ sinh không tốt hoặc có thể do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa, khói bụi, ô nhiễm… sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập cư trú, sinh sôi nảy nở tại đây và lâu dần sẽ gây ra hiện tượng viêm VA.
Viêm VA sau nhiều lần cấp tính, sẽ có hiện tượng quá phát và xơ hóa, từ đó gây ra tình trạng viêm VA mãn tính. Dưới đây sẽ là những dấu hiệu viêm VA cấp tính và mãn tính:
Khi bị viêm VA cấp tính, người bệnh thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Sốt: Khi bị viêm VA dấu hiệu đầu tiên cơ thể phản ứng lại là sốt. Nhiệt độ cơ thể có thể lên cao tới 40-41 độ.
- Bị co thắt thanh quản, họng sưng đỏ: Trẻ khi bị viêm VA có thể xuất hiện tình trạng co giật, đau tai. Phần niêm mạc ở họng bị tổn thương gây đỏ, có lớp nhầy trắng, vàng phủ trên bề mặt niêm mạc họng.
- Ngạt mũi: Khi mới viêm, người bệnh sẽ có hiện tượng ngạt mũi, mức độ ngạt tăng dần. Tình trạng ngạt mũi xảy ra sẽ khiến trẻ không thở được, thở bằng miệng, trẻ sẽ bú ngắt quãng hoặc bỏ bú, biếng ăn.
- Chảy nước mũi: Nước mũi lúc đầu sẽ có màu trong, sau đó sẽ chuyển đục dần, thời gian viêm càng lâu thì tình trạng nước mũi chảy càng nhiều, màu sắc có thể chuyển vàng hoặc xanh.
- Rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi: Trẻ có thể xuất hiện tình trang rối loạn tiêu hóa gây nôn trớ, đi ngoài… cơ thể mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc.
- Tình trạng nghe kém: Viêm VA cấp tính cũng gây ảnh hưởng tới khả năng nghe của trẻ, khiến trẻ nghe kém hơn, lơ đễnh hơn.
Viêm VA mãn tính hay còn gọi là viêm VA quá phát là các tổ chức VA đã trải qua nhiều lần viêm cấp tính dẫn tới quá phát và xơ hóa. Tới giai đoạn này thì dấu hiệu thường chỉ thấy qua tình trạng chảy nước mũi và ngạt mũi.
- Chảy nước mũi: Nước mũi có màu trong hoặc dịch nhầy, cũng có thể là chảy mũi mủ hay gọi là hiện tượng bội nhiễm. Tình trạng chảy mũi thường kéo dài.
- Ngạt mũi: Là hiện tượng xảy ra cả ở cấp tính và mãn tính, tùy vào từng cấp độ viêm mà mực độ ngạt mũi cũng khác nhau.
Nếu điều trị kịp thời, viêm VA không quá nguy hiểm. Nhưng nếu để bệnh tình tiến triển nặng, một số biến chứng có thể xảy ra như:
- Xuất hiện tình trạng viêm mũi họng khi viêm VA kéo dài, bởi viêm VA kéo dài khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua đường thở từ miệng vào tới họng, vi khuẩn cộng sinh nhiều sẽ gây bệnh cho vùng họng.
- Viêm tai giữa.
- Viêm phế quản do tình trạng viêm VA gây sốt, ho, thở khò khè gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp.
- Trẻ có thể bị chậm phát triển, vì viêm VA kéo dài sẽ khiến khả năng oxy lưu thông lên não kém, gây ảnh hưởng tới tinh thần và sự phát triển của trẻ.
- Ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của trẻ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thiếu ngủ...
Viêm VA là bệnh do VA tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn thường xuyên, khi chủ thể có sức khỏe yếu VA dễ bị tấn công gây tình trạng viêm. Vì vậy để phòng ngừa tình trạng viêm VA, cha mẹ nên có những biện pháp chăm sóc sức khoẻ phù hợp cho con như:
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nơi đông người, tránh tình trạng thơm hôn trẻ quá gần.
- Nên sử dụng khẩu trang khi ở nơi có môi trường ô nhiễm, bụi bẩn hay nơi đông người.
- Nên bổ sung dinh dưỡng cần thiết đầy đủ cho trẻ.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, sử dụng vắc xin dự phòng nhiễm trùng đường hô hấp.
- Khi trẻ bị tình trạng viêm mũi họng, nên điều trị kịp thời và dứt điểm để tránh bệnh nặng hơn và gây biến chứng.
Có thể nói, triệu chứng của viêm VA dễ gây nhầm lẫn với tình trạng cúm, viêm họng, sốt thông thường... Do đó, khi có các triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh lý, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn