Dương A.D. và chồng cô - P.H.H - bằng tuổi nhau và là bạn học chung lớp khi cùng theo chuyên ngành tiếng Trung tại Đại học Mở TPHCM. Nhà D. ở Quận 6 còn H. ở Quận 3. Cả hai gia đình đều ở thành phố, có cuộc sống, nhà cửa ổn định.
Trong khi các bạn cùng trang lứa phải vất vả thuê trọ hoặc ở ký túc xá thì D. và H. an nhàn hơn. Họ yêu nhau suốt 4 năm Đại học, sau khi ra trường được 3 năm thì tổ chức đám cưới. Tưởng như với một xuất phát điểm thuận lợi như vậy thì cuộc hôn nhân cũng êm đềm và dễ chịu.
Sau khi cưới, D. và H. cùng nhau ra Hà Nội làm chung một công ty. Không được bao lâu thì D. phát hiện cô đã cấn bầu. Thực lòng thì đây là một bất ngờ với D., vì đời sống tình dục của vợ chồng cô không bình thường như nhiều cặp đôi khác.
Họ yêu nhau gần 7 năm nhưng cặp đôi lại chưa từng có hành vi nào muốn "vượt rào". D. vẫn nghĩ H. giữ gìn cho người yêu, còn cô thì cũng thấy "mọi việc như vậy là bình thường". Tuy nhiên khi đã cưới nhau, mọi việc "bình thường" ấy trở nên "bất thường" khi đôi trẻ đang ở tuổi sung mãn vẫn không thể như hai dòng điện trái dấu hút vào nhau.
Lúc D. phát hiện có em bé, vợ chồng cô chỉ quan hệ tình dục tổng cộng có 3 lần. Bắt đầu từ đó, cả hai không gần gũi thêm lần nào nữa. Nhiều lần D. gặng hỏi chồng nhưng H. đều nói đi làm về mệt, không đủ sức khỏe.
Họ chính thức bước vào mối quan hệ "trên tình bạn dưới tình yêu" để cùng chăm sóc em bé trong bụng. Giám đốc công ty của D. và H. là nữ, nên chị rất chia sẻ và tâm lý với D. Chị khuyên D. vẫn ở lại Hà Nội đi làm 6 tháng, để có đủ thời gian hưởng bảo hiểm thai sản.
Nghe lời sếp, khi thai được hơn 6 tháng, D. mới quay trở lại TPHCM, về ở với gia đình cha mẹ ruột để được gần gũi, chăm sóc.
Suốt thời gian sinh con, cô ở nhà cha mẹ ruột, cho tới khi con trai được 2 tuổi. Chồng D. cũng quay trở về TPHCM làm việc. Cặp đôi được cha mẹ mua tặng cho căn nhà sống riêng tại Quận 10.
Họ đã có những tháng ngày sáng sáng vợ hoặc chồng thay nhau đưa con tới trường mẫu giáo và sau này là tiểu học, tan trường thì ông bà nội đón cháu về nhà rồi chiều tối thì bé được cha mẹ rước về.
"Tụi em gắng gượng để có một gia đình cho con, dù tình cảm vợ chồng nhạt nhẽo, không gắn bó gì cả. Thu nhập của chồng em để đóng tiền học và phí bảo hiểm cho con trai. Còn thu nhập của em thì trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Em luôn có cảm giác chồng chỉ kết hôn để có con. Nhưng vì con trai còn quá nhỏ nên em cũng không muốn phá vỡ gia đình khi ấy", Dương A.D. kể.
Mọi sự thay đổi khi cô bị tai nạn trên đường đi làm về. Lúc đó, trời đã sẩm tối, D. bị té xe khiến mặt mũi bị trầy xước, rách chân mày, máu chảy khá nhiều. Vì gần nhà nên cô cố gắng về để băng bó vết thương và nhờ chồng đi mua thuốc.
Nhưng khi D. vào cửa nhà, chồng cô chỉ nhìn cô với sự lạnh nhạt, vô tâm và vào phòng đóng cửa lại. Cậu con trai thương mẹ nên vừa khóc vừa chạy tới chạy lui lấy bông băng phụ mẹ.
D. cho biết: "Khi ấy, em đã ngồi lặng trên ghế ở phòng khách và nghĩ rằng vì sao em còn duy trì mối quan hệ vợ chồng này nữa. Em cần phải kết thúc cuộc hôn nhân này để cuộc sống tốt hơn".
Và ngày hôm sau, D. đã mang khuôn mặt đầy vết xước và sưng vù ấy về nhà cha mẹ đẻ để được chăm sóc. Cô nghĩ đơn giản rằng, cô chỉ đi ít ngày để chăm sóc vết thương, còn ở nhà chồng cô sẽ chăm con trai. Khi vết thương liền lại thì D. sẽ trao đổi với chồng để cùng đồng thuận ly hôn.
Nhưng ngay tối đó, H. đã mang con trai về nhà cha mẹ ruột của cậu. Và cũng từ ngày đó, H. không cho vợ gặp con nữa, mẹ ruột của H. cũng không cho con dâu được tới trường thăm con. D. điên cuồng càng tìm cách, càng không được.
Cô đành gửi đơn tới Ban tiếp dân của UBND Phường 4, Quận 3, TPHCM, mong có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan đoàn thể, để có thể gặp được con, đưa con về nhà sống như trước. Bởi cho tới thời điểm hiện tại, Dương A.D. vẫn là vợ chính thức của P.H.H, dù gần đây, H. đã gửi đơn kiện D. lên tòa án để làm thủ tục ly hôn.
Thời gian đầu, D. điện thoại cho chồng để nói chồng đưa con về ngoại chơi nhưng H. từ chối, cho dù trước đó tuần nào cháu bé cũng được cha mẹ đưa về nhà ngoại vào những ngày nghỉ. Thấy quá khó khăn, D. tới nhà chồng để thăm con và đón con nhưng mẹ chồng khi nhìn D. tới đã ngay lập tức đẩy bé lên trên tầng lầu để D. không gặp và nói chuyện được với con nữa.
Bằng nhiều cách khác nhau, D. vẫn không thể gặp được con trai tại nhà nội nên đã đến Trường Tiểu học Lương Đình Của (Quận 3) để gặp con. Thầy giáo chủ nhiệm cho D. biết, cô không thể gặp được con trai vì bà nội của bé đã dặn nhà trường không cho bé gặp mẹ.
"Nghe thầy giáo nói vậy, em chỉ biết khóc nức nở. Ban đầu, em không dám nghĩ bên gia đình chồng em lại có suy nghĩ như vậy nhưng khi nghe chính lời thầy giáo nói thì em hiểu ra mọi thứ. Em đi về và quyết định trình báo lên Hội LHPN Phường 4, Quận 3", D. kể chuyện.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công an khu vực và Hội LHPN cơ sở, cả gia đình bên nội đã ra phường gặp mặt và đồng ý với các cơ quan, đoàn thể sẽ cho D. đón con trai về chơi mấy ngày Tết, bởi khi ấy chuẩn bị nghỉ đón Xuân 2024.
Bà mẹ trẻ rất vui, cả đêm không ngủ, chờ tới thời gian đón được con trai sau mấy tháng không gặp mặt. Nhưng khi D. và ba mẹ cùng sự chứng kiến của đại diện Hội LHPN địa phương tới gia đình bên nội D. để đón cháu về theo đúng cam kết thì mẹ chồng D. nói rằng sẽ "đồng ý cho đón nếu như cháu muốn đi".
Bà làm ầm ĩ lên, kêu công an tới và hỏi thằng bé "có muốn về với mẹ không". Chẳng ngờ, cháu lại trả lời: "Con không về với mẹ đâu, vì mẹ sẽ giết con". Thấy cháu bé sợ hãi nên Công an khu vực đành nói, để cháu bình tĩnh lại, lần khác sẽ hỗ trợ mẹ gặp con.
Sau Tết Nguyên đán 2024, D. chờ tới ngày con trở lại trường để gặp con nhưng không được. Bé con đã thay đổi hoàn toàn, luôn nhìn mẹ với ánh mắt đầy nghi ngờ và hoang mang. Có những lần hiếm hoi D. tiếp cận được con vào giờ tan trường, nghe con trai nói "mẹ hư vì mẹ bỏ nhà ra đi", D. vô cùng đau khổ.
Mới đây, Dương A.D. đã gửi Đơn đề nghị xử lý hành vi ngăn cấm thăm con, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung của anh P.H.H tới UBND Quận 3, tới Hội LHPN TPHCM.
Ban tiếp dân của UBND Quận 3 đã chuyển đơn của Dương A.D. tới UBND Phường 4, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 3 để "xem xét, giải quyết và trả lời đơn cho công dân theo quy định; đồng thời thông tin kết quả cho Ban tiếp công dân Quận 3 được biết".
Tới thời điểm này, người mẹ vẫn đang rất đau khổ khi chưa được gặp con trai của mình. Cô đang đề nghị tòa án được mang vụ kiện ly hôn ra xét xử, chứ không ký giấy đồng thuận ly hôn theo điều kiện được nuôi con và chia tài sản của chồng cô, anh P.H.H.
"Em mong Báo Phụ nữ Việt Nam lên tiếng, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho em và con trai của em. Cả mẹ con em đều bị tổn thương tâm lý nhiều tháng nay bởi các hành vi chia cắt, không cho con gặp mẹ", Dương A.D. tâm sự.
Hiện, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã hướng dẫn người mẹ này tới Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM để có thêm sự hỗ trợ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn