Vừa chào đời, ruột đã lộ ra ngoài
Ngày 13/10, BV Đa khoa Sơn La cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi sơ sinh G.T.T.G. (dân tộc Mông, trú tại Bản Chom Cọ, xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) do bị lộ toàn bộ ruột ra ngoài thành bụng.
Trước đó, bệnh nhi được gia đình đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng bị lộ toàn bộ ruột ra khỏi thành bụng. Gia đình cho biết, trẻ là con đầu, đẻ thường tại nhà. Sau đẻ, gia đình phát hiện trẻ bị lộ toàn bộ ruột ra khỏi thành bụng nên đưa hai mẹ con đi cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức khẩn cấp, giữ vô trùng phần ruột bị sa ra ngoài, giữ nhiệt, kiểm soát dinh dưỡng cho bệnh nhi.
Sau khi làm các chỉ định cận lâm sàng, bệnh nhân được hội chẩn cấp cứu toàn viện gồm các liên chuyên khoa: Khoa Nhi, khoa Ngoại tổng hợp, khoa Phẫu thuật gây mê – hồi sức.
Sau khi hội chẩn, BV chẩn đoán, bệnh nhi bị thoát vị khuyết hổng thành bụng bẩm sinh Gastroschisis. Đây là là tình trạng toàn bộ các tạng trong ổ bụng thoát ra ngoài qua khe hở thành bụng, các tạng có dấu hiệu viêm, phù nề, nhiều giả mạc bám. Vì thế, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Khi tiến hành phẫu thuật bác sĩ sử dụng biện pháp gây mê Nội khí quản, mở rộng thành bụng, tạo hình và đưa ruột trở lại ổ bụng.
Bác sĩ Đinh Khắc Trường, Khoa Ngoại tổng hợp (BV Đa khoa tỉnh Sơn La), người trực tiếp phẫu thuật cho biết, trường hợp bệnh nhi G.T.T.G. rất may mắn vì ngay sau khi chào đời bé được cấp cứu kịp thời. Hơn nữa, ruột của bé mặc dù bị sa ra ngoài nhưng may mắn không bị thủng, không xoắn, không hoại tử.
Sau mổ, bệnh nhi được điều trị tại khoa nhi bằng máy thở, nuôi dưỡng tĩnh mạch, bơm sữa qua sonde dạ dày, truyền kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi ổn định, ruột lưu thông bình thường, được theo dõi đặc biệt tại BV.
Dị tật hiếm gặp
Bác sĩ Đinh Khắc Trường cho biết, dị tật hở thành bụng bẩm sinh là một loại dị tật hiếm gặp với tỷ lệ 1/15.000 – 30.000 trẻ sinh sống và thường rất hiếm kết hợp dị tật bẩm sinh khác. Đây là một dạng khuyết thành bụng nằm ở bên phải của rốn. Lỗ khuyết không có màng bao phủ nên các tạng trong ổ bụng có thể là dạ dày, ruột non; đại tràng thoát ra ngoài thành bụng và lơ lửng tự do trong nước ối.
Lỗ thủng ở thành bụng có kích thước khoảng từ 2-4cm; rất hiếm khi thấy gan hoặc các tạng trong lồng ngực thoát qua lỗ đă ra ngoài. Dây rốn có h́ình thái và vị trí bám b́ình thường.
Nguyên nhân dẫn đến hở thành bụng được cho là do sự thoái triển sớm của hệ thống tuần hoàn noăn hoàng tạo ra. Điều này dẫn đến sự thiếu máu cục bộ, và sau khi hết chức năng lỗ thủng trên thành bụng không khép lại. Các tạng thoát ra ngoài tiếp xúc trực tiếp với nước ối dẫn đến viêm thoái hóa và gây ra các tổn thương không phục hồi cho các tạng này.
Tình trạng này cũng có thể do sự thay đổi hormone hoặc gen (nhiễm sắc thể) của thai nhi. Thoát vị thành bụng bẩm sinh cũng có thể xảy ra do người mẹ tiếp xúc với các tác nhân môi trường khác, đồ ăn thức uống, các loại thuốc người mẹ sử dụng.
Các bác sĩ khuyến cáo những bà mẹ mang thai nên thường xuyên đi khám tầm soát thai kì sớm để phát hiện những dấu hiệu bất thường và có hướng xử trí kịp thời. Khi phát hiện thai bị khe hở thành bụng, thai phụ nên đến khám và theo dõi định kỳ ở các BV lớn. Nếu thai nhi chỉ có dị tật khe hở thành bụng thì bạn không nên quá lo lắng. Khe hở thành bụng nếu được can thiệp sớm sẽ tránh được các biến chứng cho trẻ như mất nước, viêm dính ruột,... và cứu sống được trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn