Thực tế có tới khoảng 85 đến 90% tình trạng đau lưng xảy ra không có xuất hiện bệnh lý nào. Trong các trường hợp còn lại, tình trạng đau lưng xảy ra có thể là bệnh lý suy giảm chức năng thần kinh, gãy xương hoặc bị nhiễm trùng do bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng như u ác tính.
Một số loại ung thư còn có thể gây đau lưng như cột sống, đại trực tràng, phổi, tuyến tiền liệt, ung thư vú,... Trong khi đó xu hướng đau lưng do ung thư gây ra thường do di căn từ vị trí khác đến xương cột sống hơn là do khối nguyên phát tại chỗ.
Vì vậy, xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng từ bệnh lý có tác dụng quan trọng giúp người bệnh lựa chọn đúng biện pháp điều trị và điều trị kịp thời.
Tại Mỹ theo ước tính có tới 80% dân số phải đối phó với các triệu chứng đau lưng trong suốt cuộc đời của họ. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau lưng được kể đến như:
- Bất thường bẩm sinh.
- Chấn thương do mang vác vật nặng.
- Các thay đổi trong cuộc sống có liên quan đến tuổi tác như: thoái hóa cột sống,...
- Vấn đề về dây thần kinh, tủy sống.
- Tổn thương từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Nếu nguyên nhân đau lưng là ung thư thì sẽ kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Đau lưng xảy ra không có liên quan hoặc không gia tăng khi vận động.
- Tình trạng đau lưng xuất hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm rồi hết và thuyên giảm vào các thời gian khác trong ngày.
- Đau lưng kéo dài dai dẳng ngay cả sau khi đã thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu hoặc áp dụng các phương pháp điều trị khác.
- Gây thay đổi thói quen khi đi vệ sinh như đi tiểu hoặc đại tiện có kèm máu.
- Tình trạng mệt mỏi không đỡ ngay cả khi đã nghỉ ngơi.
- Xuất hiện tình trạng sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể một cách không rõ nguyên nhân.
- Biểu hiện buồn nôn, nôn ói, chán ăn và khó nuốt.
- Kèm theo đó là cảm giác yếu, ngứa ran hoặc châm chích, có thể bị tê ở tay hoặc chân.
Đối với một người có tiền sử mắc ung thư và xuất hiện đau lưng kèm theo các triệu chứng khác thì đây là tình trạng ung thư tiến triển hoặc tái phát.
Khi bị ung thư cột sống, lúc này khối u có thể phát triển từ bên trong xương cột sống hoặc các màng bảo vệ xung quanh tủy sống. Ngoài ra, cột sống cũng là vị trí phổ biến cho sự di căn xương trong trường hợp khối u ác tính ở các cơ quan khác.
Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Mỹ (AANS) cho biết ung thư phổi là một trong những loại phổ biến nhất gây ra tình trạng đau lưng do di căn đến xương cột sống. Đây là nguyên nhân khiến chúng chèn ép dây thần kinh và tạo nên các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Đau lưng còn có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Tình trạng này xảy ra có thể cảnh báo tỷ lệ di căn xương trong loại ung thư này.
Khi bị đau lưng còn có thể cảnh báo dấu hiệu ung thư đường tiêu hoá, có thể là: dạ dày, đại tràng hoặc trực tràng.
Đau lưng còn có thể cảnh báo một số ung thư khác như: đa u tuỷ, ung thư hạch, hắc tố ác tính, ung thư thận, ung thư tuyến giáp, tiền liệt tuyến và ung thư buồng trứng.
Khi xuất hiện tình trạng đau lưng, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và tiền sử của gia đình để chẩn đoán nguyên nhân gây đau lưng. Ung thư còn là nguyên nhân không thường gặp gây đau lưng.
Vì vậy, đối với người bệnh chưa từng mắc ung thư thì bác sĩ thường sẽ định hướng đến một số nguyên nhân thường gặp khác hơn. Kèm theo đó, người bệnh cũng có thể được đề nghị sử dụng một số biện pháp điều trị khác trước khi thực hiện tiến hành các cận lâm sàng để sàng lọc ung thư.
Lưu ý, đối với tình trạng đau lưng kéo dài dai dẳng sau khi thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu hoặc sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm thì bác sĩ sẽ có thể cho người bệnh làm:
- Xét nghiệm máu.
- Chẩn đoán hình ảnh.
Đây là cách giúp bác sĩ xác định chính xác dấu hiệu của một bệnh lý ung thư tiềm ẩn xảy ra hay không.
Ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ thì người bệnh cần thực hiện sàng lọc bằng chụp X-quang cột sống thắt lưng và thực hiện xét nghiệm máu.
Đối với trường hợp cả hai biện pháp này đều không phát hiện ra bất thường thì người bệnh cần sử dụng cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh tiên tiến hơn để khảo sát chính xác.
Để điều trị đau lưng do ung thư gây ra, tùy thuộc vào loại bệnh cũng như giai đoạn bệnh mà mỗi người bệnh sẽ có các phác đồ điều trị riêng biệt.
Những trường hợp có thể phẫu thuật được, bác sĩ sẽ ưu tiên thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u. Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như xạ trị, hóa trị, chống tiêu xương,... sau khi thăm khám và kiểm tra sẽ được bác sĩ quyết định áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể mắc bệnh.
Kèm theo đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, giãn cơ, kháng viêm có tác dụng hỗ trợ người bệnh giảm bớt tình trạng đau lưng.
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị khác:
- Người bệnh có thể áp dụng như: chườm lạnh bằng túi đá hoặc túi nước nóng lên vùng lưng từ 10 đến 15 phút.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa.
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng giúp lưng khỏe và linh hoạt hơn.
Lưu ý, đối với các trường hợp di căn xương ở mức độ nặng thì tốt nhất người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường và hạn chế vận động.
Đau lưng thông thường có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và đau lưng gây ung thư chỉ chiếm dưới 1% trong số đó. Tuy nhiên không nên chủ quan, ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở vùng lưng không rõ nguyên nhân, tốt nhất nên tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn