Cũng theo WHO, virus đậu mùa khỉ có khả năng đã lây lan mà không bị phát hiện. Không chỉ bùng phát mạnh ở châu Phi, hàng trăm ca bệnh đậu mùa khỉ cũng được ghi nhận tại các châu lục khác.
Ngày 8/6, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: Nguy cơ bệnh đậu mùa ở khỉ trở thành hiện thực ở các nước không lưu hành dịch bệnh là có thật. Theo các chuyên gia y tế, gần như chắc chắn có nhiều trường hợp hơn so với số liệu thống kê.
Theo WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật do virus gây ra - đó là loại virus thuộc chi Orthopoxvirus.
Bệnh này được gọi là bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970. Bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Công gô.
Các nhà y học cho biết các biến chứng của căn bệnh này là:
- Thay đổi tâm trạng tiêu cực
- Đau dữ dội
- Viêm kết mạc
Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm nhiễm dịch.
Bệnh có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh chẳng hạn như giường hoặc quần áo, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đây là cách mà virus lây lan.
Theo WHO, virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai (nhau thai) hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da. Hiện chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây bệnh hay không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ở người, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự nhưng nhẹ hơn các triệu chứng của bệnh đậu mùa. Khác với bệnh đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ gây sưng hạch bạch huyết.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ cần chú ý bao gồm:
- Sốt
- Đau đầu
- Đau nhức cơ
- Đau lưng
- Sưng hạch bạch huyết
- Ớn lạnh
- Kiệt sức
Ngoài ra, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) mới đây kêu gọi người dân tránh xa những người được xác nhận bị bệnh đậu mùa khỉ theo các quy định mới. Trong đó, ngoài những triệu chứng nói trên, người mắc bệnh đậu mùa khỉ còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: Đổ mồ hôi đêm; Sưng bẹn; Phát ban.
Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm bệnh đến khi phát triệu chứng) là 7-14 ngày. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Trong vòng 1-3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi bị sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban, thường bắt đầu ở mặt và sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể.
Theo WHO, nếu bạn nghĩ rằng bạn đang có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với cán bộ y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc y tế. Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác.
Hãy chú ý đến các triệu chứng trong 21 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên. Bạn nên:
- Kiểm tra nhiệt độ 2 lần/ngày.
- Nếu bạn bị ớn lạnh và sưng hạch bạch huyết nhưng không sốt hoặc phát ban, hãy tự cách ly tại nhà trong 24 giờ.
- Nếu bạn bị sốt và/hoặc phát ban, hãy tự cách ly ngay lập tức và liên hệ với sở y tế địa phương.
- Nếu ớn lạnh và sưng hạch bạch huyết không biến mất, hãy gọi cho bác sĩ.
- Nếu bạn không có triệu chứng, bạn có thể trở về thói quen sinh hoạt hàng ngày như bình thường. Nhưng đừng hiến máu, tế bào, mô, sữa mẹ hoặc sinh hoạt tình dục trong khi đang theo dõi các triệu chứng.
Chưa có vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể làm giảm đến 85% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Một loại vaccine mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN - còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Tuy nước ta chưa có bệnh đậu mùa khỉ nhưng cảnh giác và phòng bệnh vẫn là hết sức cần thiết. Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám bệnh và cách ly. Có một số biện pháp để ngăn ngừa nhiễm virus đậu mùa khỉ mọi người cần tuân thủ:
- Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).
- Tránh tiếp xúc với bất kỳ đồ vật nào, chẳng hạn như khăn trải giường, đã tiếp xúc với động vật hoặc người bị bệnh.
- Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với những người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.
- Cần thường xuyên thực hiện ăn chín, uống chín. Chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh.
- Sử dụng đồ bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân.
Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào. Tuy nhiên, ngành y tế nước ta đã nhanh chóng triển khai các giải pháp ứng phó để ngăn chặn, phát hiện dịch sớm.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan).
Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Mới đây, ngày 11/6, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký công văn về việc hướng dẫn tạm thời giám sát phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn thành phố gửi đến các cơ sở y tế. Theo đó, ngành y tế thành phố sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập từ các quốc gia khác và sẵn sàng các phương án ứng phó khi xuất hiện ca bệnh.
Cụ thể, người nghi ngờ mắc bệnh phải tự cách ly, đeo khẩu trang, theo dõi sức khỏe tại nhà, nhân viên y tế địa phương giám sát và lấy mẫu xét nghiệm gửi đến Viện Pasteur TPHCM hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Nếu vào viện, bệnh nhân phải đi bằng xe cá nhân hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được chỉ định chuyên điều trị đậu mùa khỉ.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải cách ly y tế, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM sẽ điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần để lập danh sách, theo dõi, giám sát theo quy định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn