Dưới đây là những nguyên nhân có thể khiến một người bị đau nhói một bên họng khi nuốt cũng như cách đối phó giảm nhẹ đau họng tại nhà và dấu hiệu cho thấy đã đến lúc cần thăm khám bác sĩ mà bạn cần biết, theo Healthline.
Họng của bạn bao gồm một số cơ quan như: Amidan, thực quản, thanh quản. Khi nuốt bạn sẽ trải qua ba quá trình từ miệng, tới thanh quản và nắp thanh quản rồi xuống tới thực quản. Đau một bên họng khi nuốt có thể xảy ra ở bất kì bộ phận nào hoặc ở khu vực xung quanh và dẫn tới khó chịu.
- Trào ngược axit dạ dày - thực quản hoặc trào ngược họng - thanh quản
Trào ngược axit dạ dày thực quản (là hiện tượng xảy ra khi dịch tiêu hóa của dạ dày thường xuyên bị chảy ngược vào thực quản) và trào ngược họng - thanh quản (là bệnh lý mà acid từ dịch dạ dày di chuyển ngược chiều sinh lý qua thực quản và gây tổn thương ở vùng họng - thanh quản) có thể gây ra nhiều triệu chứng không chỉ là khó tiêu.
Đó là cảm giác nóng rát hoặc đau ở cổ họng khi nuốt hoặc vừa ăn xong và có thể gây ra cả tình trạng chảy nước mũi sau, đau tai.
- Chảy nước mũi sau
Hội chứng chảy nước mũi sau hay còn gọi là chảy dịch mũi sau là tình trạng dịch chảy từ hệ thống xoang đi qua mũi sau và xuống tới thành sau họng. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như cảm giác vướng và đau ở họng khi nuốt, ho, ngứa họng.
Trào ngược, virus, dị ứng và một số loại thực phẩm nhất định có thể gây ra chảy dịch mũi sau, tăng sản xuất chất nhầy và nước bọt. Chính điều này khiến một người cảm thấy đau nhói một bên họng khi nuốt nước bọt.
- Sưng hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết nằm rải rác ở đầu và cổ và có vai trò chống lại nhiễm trùng và bệnh tật trong cơ thể.
Nếu các hạch này sưng lên sẽ gây ra cảm giác khó nuốt, vướng ở họng. Sưng hạch bạch huyết có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, thậm chí là áp-xe răng hoặc tình trạng sức khỏe khác khiến hệ miễn dịch bị suy yếu như ung thư.
- Viêm thanh quản
Viêm thanh quản xảy ra khi dây thanh quản bị viêm do virus hay nói nhiều quá mức. Điều này dẫn tới các triệu chứng như thay đổi giọng nói, khàn tiếng.
Trong đó, nếu một dây thanh quản bị sưng sẽ gây ra hiện tượng đau một bên họng. Bệnh sẽ tự cải thiện trong vài tuần nếu người bệnh tuân thủ các hướng dẫn như hạn chế nói chuyện, vệ sinh mũi họng sạch sẽ, uống nước ấm, tránh các thực phẩm kích thích họng,...
- Viêm amidan
Amidan là tổ chức lympho nằm sau cổ họng. Viêm amidan có thể gây đau khi nuốt, nổi hạch cổ kèm theo sốt từ 39 - 40 độ. Cảm giác đau họng cũng có thể xuất hiện kèm theo khi ho.
- Nhiệt miệng
Đôi khi cơn đau nhói một bên họng khi nuốt có thể do các nốt nhiệt trong miệng gây ra. Các nốt loét này có thể kéo dài từ 5 ngày tới 1 tuần thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên nếu nhiệt miệng kéo dài không khỏi kèm theo hôi miệng, chán ăn, giảm cân bất thường thì cần phải thăm khám sớm.
- Ung thư miệng, ung thư họng hoặc ung thư thực quản
Cả ba loại ung thư kể trên đều có thể gây đau khi nuốt. Cụ thể:
+ Người bệnh có thể bị đau tai, cục/khối u ở cổ và đau một bên họng nếu bị ung thư vòm họng.
+ Ung thư miệng có thể gây đau khi nuốt kèm theo đau hàm và các vết loét hoặc khối u trong miệng.
+ Ung thư thực quản có thể gây đau khi nuốt, khó nuốt, giọng nói bị khàn, ho khan, có thể nôn hoặc ho ra máu.
Tùy theo từng nguyên nhân gây đau nhói họng một bên khi nuốt là gì mà các lựa chọn điều trị cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn:
- Trào ngược: Điều trị bằng thuốc không kê đơn (thuốc OTC) nhằm giảm axit trong dạ dày cũng như thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, tránh các thực phẩm làm tăng axit hay kích thích dạ dày hoặc niêm mạc họng.
- Chảy dịch mũi sau: Chảy dịch mũi sau tùy nguyên nhân sẽ có điều trị khác nhau. Các lựa chọn đó có thể bao gồm: Tránh các tác nhân gây dị ứng, điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn bằng kháng sinh, thuốc kháng histamine, thuốc làm loãng dịch nhầy, vệ sinh rửa xoang mũi và khoang họng,... Đồng thời cần chú ý uống nhiều nước.
- Sưng hạch bạch huyết: Hạch bạch huyết bị sưng có thể biến mất khi khỏi bệnh do virus hoặc vi khuẩn, thuốc theo đơn có thể được chỉ định hoặc đắp/chườm gạc ấm để giảm triệu chứng đau.
- Viêm thanh quản: Mặc dù bệnh có thể tự khỏi nhưng đôi khi kháng sinh hoặc steroid có thể được chỉ định với các trường hợp nghiêm trọng. Lưu ý cần giữ ẩm cho họng bằng máy tạo độ ẩm hoặc uống nước thường xuyên.
- Ung thư miệng, họng và thực quản: Điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, thuốc nhắm mục tiêu, hóa trị và xạ trị.
- Viêm amidan: Có thể được làm dịu bằng cách súc miệng với nước muối sinh lý, sử dụng máy tạo độ ẩm và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Nếu viêm amidan là do vi khuẩn có thể cần dùng kháng sinh để điều trị.
Nhìn chung, tùy vào từng mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh không nên tự chẩn đoán và sử dụng đơn thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Nếu bạn bị đau nhói một bên họng khi nuốt không thuyên giảm theo thời gian hoặc các triệu chứng nghiêm trọng hơn hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Đặc biệt là khi kèm theo các triệu chứng có thể đe dọa tới tính mạng như: Khó thở, khó nuốt, choáng váng hoặc ngất xỉu, sốt cao trên 38 độ C.
Hoặc các triệu chứng cần chú ý để được chẩn đoán sớm như: Không thể ăn uống vì quá đau họng, cơn đau họng nghiêm trọng kéo dài trên 7 ngày, hạch bạch huyết ngày một sưng to lên, xuất hiện mủ ở sau họng, đau nhức cơ thể hoặc đau khớp, đau họng tái đi tái lại nhiều lần, sờ nắn thấy khối u ở vùng cổ, đau tai nghiêm trọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn