Đau nhói ở ngón chân cái như bị kim châm là bệnh gì?

12:20 | 15/07/2024;
Một số nguyên nhân gây đau nhói ở ngón chân cái có thể được điều trị đơn giản tại nhà, nhưng có những tình trạng sức khỏe tiềm ẩn đòi hỏi cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Đau nhói ở ngón chân cái được mô tả là cảm giác đau buốt một cách đột ngột ở ngón chân cái. Đôi khi tình trạng này chỉ xuất hiện vài lần nhưng cũng có thể phát triển theo thời gian và kéo dài gây khó chịu cho người bệnh.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau ngón chân cái là gì mà biện pháp điều trị cũng có sự khác biệt, bao gồm điều trị tại nhà hoặc can thiệp tại bệnh viện.

1. Nguyên nhân và cách đối phó với tình trạng đau nhói ngón chân cái

Theo Healthline, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng đau nhói ngón chân cái mà bạn có thể tham khảo:

- Viêm khớp biến dạng khớp bàn ngón chân cái (Bunion)

Tình trạng này còn được gọi là vẹo ngón chân cái (biến dạng ngón chân cái) thường gặp ở 23% người lớn trong độ tuổi từ 18 - 65 tuổi và 36% người trên 65 tuổi. Xảy ra khi cơ và dây chằng trong - ngoài bàn chân bị mất cân bằng dẫn tới lệch tâm và gây biến dạng khớp ngón chân cái.

Đau nhói ở ngón chân cái như bị kim châm là bệnh gì?- Ảnh 1.

Viêm khớp biến dạng khớp bàn ngón chân cái gây đau đớn khi di chuyển (Ảnh: Internet)

Đôi khi biến dạng nghiêm trọng khiến ngón chân cái bị vẹo hẳn sang ngón bên cạnh, khớp xương lồi ra như cục u nên dễ bị nhầm lẫn với bệnh gút, thoái hóa khớp, u xương,... Mặc dù không phải là tình trạng nguy hiểm tới tính mạng nhưng biến dạng ngón chân cái có thể gây đau đớn, kích ứng và sưng ở khớp ngón chân; đặc biệt là khi di chuyển, khi mang giày dép không phù hợp.

Đối phó: Tùy từng tình trạng mà bác sĩ có thể chỉ định mang các miếng đệm hoặc miếng lót chỉnh hình cho giày dép, đeo nẹp ngón chân vào ban đêm để nắn chỉnh khớp. Để giảm đau, các lựa chọn thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hay aspirin có thể hữu ích.

- Móng quặp

Móng quặp hay còn được gọi là móng chọc thịt, móng mọc ngược là hiện tượng cạnh, góc bên trên của móng ngón chân cái mọc và cắm sâu vào phần khóe thịt (thay vì mọc thẳng) dẫn tới đau nhói, sưng viêm và thậm chí là nhiễm trùng xương, nhiễm trùng máu nếu không được xử lý đúng cách.

Đau nhói ở ngón chân cái như bị kim châm là bệnh gì?- Ảnh 2.

Móng quặp hay còn được gọi là móng chọc thịt, móng mọc ngược (Ảnh: Internet)

Thời gian đầu khi móng mới chớm mọc ngược, người bệnh chỉ thấy đau nhẹ, khóe móng chân hơi đỏ, lúc này đĩa móng chân đã gây tổn thương cho biểu mô cuốn móng bên. Theo thời gian, móng chân mọc sâu hơn dẫn tới viêm và mùi hôi khó chịu, phần viêm ở khóe móng lồi lên một cục u thịt đỏ có thể quan sát rõ ràng bằng mắt thường, đôi khi có lẫn mủ hoặc máu. Nếu móng quặp không được điều trị, móng chân ngày càng cắm sâu vào cục u thịt gây loét và chảy mủ, thậm chí có thể đi sâu vào tận xương ngón chân cái.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng móng quặp, chẳng hạn như cắt tỉa móng chân không đúng cách, chấn thương hoặc mang giày dép không phù hợp dẫn tới áp lực lên bàn chân (cụ thể là ngón chân cái) trong thời gian dài khiến móng chân dễ mọc ngược hơn. Đôi khi tình trạng này có thể do di truyền.

Đối phó: Để khắc phục tình trạng móng quặp tại nhà, bạn có thể ngâm chân vào nước ấm vào lần mỗi ngày và sử dụng một miếng bông/gạc mềm thấm dầu ô liu để đẩy nhẹ phần da ra ngoài móng chân. Trong trường hợp móng quặp bị viêm, thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng có thể được chỉ định, nghiêm trọng hơn có thể cần làm tiểu phẫu để loại bỏ phần móng mọc ngược.

- Trật khớp bàn ngón chân cái (Turf toe)

Hay còn được gọi là bàn chân thảm cỏ, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ chấn thương vùng liên đốt bàn ngón chân cái vùng gan bàn chân và phức hợp xương vừng của bàn chân khiến ngón chân cái bị uốn về phía mu bàn chân quá mức dẫn tới các dây chằng liên quan tới ngón chân cái bị căng hoặc rách.

Cảm giác đau được mô tả là đau nhói, sưng đau và đổi màu ngón chân dẫn tới hạn chế khả năng vận động.

Đau nhói ở ngón chân cái như bị kim châm là bệnh gì?- Ảnh 3.

Ngón chân cái bị uốn cong về phía mu bàn chân quá mức gây trật khớp (Ảnh: Internet)

Đối phó: Để điều trị tình trạng trật khớp bàn ngón chân cái, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng viêm không steroid hoặc tiêm corticosteroid để kiểm soát cơn đau cũng như giảm tình trạng viêm. Để tăng cường sức mạnh và hồi phục khả năng vận động, các bài tập vật lý trị liệu cũng có thể được đề xuất.

Lưu ý, khi cơn đau ngón chân cái ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp RICE bao gồm: giữ cho bàn chân được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể; chườm đá lên ngón chân cái bị đau vài lần mỗi ngày; sử dụng nẹp hoặc băng nén cố định ngón chân cái; kê bên chân có ngón chân cái bị đau lên cao sao cho bàn chân đó cao hơn tim.

- Viêm khớp

Viêm khớp xảy ra do sự phân hủy các mô bao phủ ở các đầu xương giao nhau tại khớp khiến ngón chân cái khó duỗi thẳng. Bệnh có thể ảnh hưởng tới mọi khớp, bao gồm cả khớp ngón chân cái dẫn tới chứng cứng khớp ngón chân cái (hallux rigidus) và gây đau đớn, đau nhói ngón chân cái, đặc biệt là khi đi bộ hoặc đứng trong thời gian dài.

Đau nhói ở ngón chân cái như bị kim châm là bệnh gì?- Ảnh 4.

Viêm khớp xảy ra do sự phân hủy các mô bao phủ ở các đầu xương giao nhau tại khớp (Ảnh: Internet)

Nếu không được điều trị, viêm khớp ngón chân cái có thể gây biến dạng khớp, đau mắt cá chân, phát triển gai xương gây đau nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Viêm khớp ngón chân có thể xuất hiện theo thời gian do hao mòn chung của sụn, người có vòm bàn chân bị sụp hoặc mắt cá chân bị nghiêng có thể dễ gặp phải chứng cứng khớp ngón chân cái hơn. Các nguyên nhân viêm khớp khác gây đau ngón chân cái gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do bệnh gút và viêm khớp vảy nến.

Đối phó: Sử dụng dụng cụ chỉnh hình bàn chân, thuốc kháng viêm không steroid hoặc tiêm cortisteroid có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Trong trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được chỉ định. Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng giúp kéo giãn và tăng cường sức mạnh cho cơ, dây chằng bàn chân.

- Viêm xương vừng

Xương vừng (sesamoid bone) là một phần của khớp ngón chân cái, hình tròn dẹt, nằm dưới đầu xương ngón chân. Viêm xương vừng xảy ra khi có chấn thương cấp tính hoặc mạn tính, các chấn thương thường liên quan tới các hoạt động cần giữ thăng bằng trên ngón chân, có thể kể đến như múa bale, bộ môn khiêu vũ, nhảy múa, chơi bóng rổ...

Đau nhói ở ngón chân cái như bị kim châm là bệnh gì?- Ảnh 5.

Xương vừng (sesamoid bone) là một phần của khớp ngón chân cái, hình tròn dẹt, nằm dưới đầu xương ngón chân (Ảnh: Internet)

Cơn đau do viêm xương vừng được mô tả là hơi nóng nhẹ, sưng tấy hoặc đỏ ở khớp bị tổn thương; đau thường trở nên trầm trọng hơn khi đi lại và có thể xấu đi khi đi giày đế mỏng mềm hoặc giày cao gót. Nếu xương vừng bị gãy sẽ gây đau đớn, viêm hoặc sưng hơn.

Đối phó: Viêm xương vừng có thể được giảm nhẹ và cải thiện bằng việc nghỉ ngơi, sử dụng nẹp chỉnh hình giày để giảm áp lực. Với trường hợp xương vừng bị gãy, bạn sẽ cần phải băng bó hoặc phẫu thuật.

- Bệnh gút

Bệnh gút là một rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng tới các khớp ngón tay, khớp đầu gối và khớp ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái do sự tích tụ axit uric trong máu, kết tinh và lắng đọng trong các khớp.

Bệnh gút có thể khiến khớp ngón chân cái sưng, đau nhói đột ngột và dữ dội, nhất là vào ban đêm. Vùng da xung quanh ngón chân cái có thể bị viêm, nóng và đổi màu da.

Đối phó: Để giảm sự tích tụ axit uric, cần có chế độ ăn cân bằng bao gồm nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ; giảm lượng thịt đỏ và hải sản; tránh các thức uống có cồn, đường. Đồng thời thuốc kháng viêm không steroid có thể hỗ trợ giảm đau và giảm viêm.

- Ngón chân cái bị bong gân hoặc gãy

Bong gân hoặc gãy xương ngón chân là những chấn thương phổ biến có thể gây ra đau đớn, bầm tím và sưng nghiêm trọng. Trong đó, nếu ngón chân bị gãy sẽ gây đau nhói ngón chân cái cùng sưng tấy, bầm tím, xương gãy có thể nhô ra gây biến dạng ngón chân. Cơn đau có thể khó chịu và dữ dội đến mức không chịu được trọng lượng của cơ thể khi đứng lên.

2. Các biện pháp khắc phục tại nhà khi bị đau nhói ngón chân cái

Thông thường thì thuốc kháng viêm không steroid và tiêm corticosteroid là lựa chọn cho tình trạng đau và viêm ngón chân cái.

Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng ngón chân bị đau cũng góp phần giảm nhẹ cơn đau. Mỗi lần chườm từ 15 - 20 phút. Lưu ý sử dụng các dụng cụ chườm thay vì chườm trực tiếp lên da có thể gây bỏng nóng hoặc bỏng lạnh.

Đau nhói ở ngón chân cái như bị kim châm là bệnh gì?- Ảnh 6.

Khi nào đau nhói ngón chân cái cần thăm khám bác sĩ? (Ảnh: Internet)

Khi cơn đau xảy ra, hãy cố gắng cho chân được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể và sử dụng băng nén hỗ trợ nếu cần thiết.

Với các loại thực phẩm chức năng bổ sung hay thuốc điều trị theo đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng nếu không có chỉ định của bác sĩ, tránh những biến chứng hoặc tác dụng không mong muốn lên sức khỏe, ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh.

3. Khi nào đau nhói ngón chân cái cần thăm khám bác sĩ?

Nếu tình trạng đau nhói ngón chân cái không cải thiện sau vài ngày hoặc trở nên nghiêm trọng hơn kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng như chảy mủ, sưng to đỏ bất thường, sốt hoặc ớn lạnh, tê hoặc mất cảm giác ở ngón chân hay bàn chân; cảm giác ngứa ran ngón chân như kiến bò thì người bệnh cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường, các bất thường ở bàn chân đều cần được bác sĩ kiểm tra bởi bệnh tiểu đường có thể khiến các chấn thương ở chân như gãy, loét trở nên phức tạp hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn