Đậu phụ là món ăn quen thuộc đối với người Việt. Từ đậu phụ có thể chế biến thành nhiều món như đậu luộc, đậu nhồi thịt, đậu rán, đậu sốt hay nấu canh đậu… Ngoại trừ đậu luộc, các món đậu còn lại đa số mọi người đều hay kết hợp với hành lá khi nấu. Sự kết hợp này không chỉ làm dậy mùi món ăn, mà còn là cách trang trí đẹp mắt hơn khi bày ra đĩa.
Dù vậy, ít ai biết rằng hành và đậu phụ khi nấu chung sẽ kỵ nhau và gây ra hệ lụy với sức khỏe. Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, đậu phụ là thực phẩm tốt cho sức khỏe từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Tuy nhiên, ông Sáng khuyên không nên kết hợp cùng với hành lá hoặc ăn kết hợp đậu phụ và hành quá nhiều trong thời gian dài.
Lý do được lương y Sáng đưa ra là, trong đậu phụ có rất nhiều canxi, còn trong hành lá chứa nhiều axit oxalic nên kết hợp với nhau sẽ sinh ra chất không tốt cho cơ thể. Cụ thể, nếu kết hợp hành và đậu sẽ tạo thành canxi oxalat, đây - là chất đã được chứng minh có thể ảnh hưởng đến sự thấp thu canxi và dễ tạo thành sỏi, ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Sự kết hợp nhiều người lâu nay vẫn thực hiện không ngờ lại là đại khi khi ăn đậu. (Ảnh minh họa)
“Phân tích về mặt khoa học là vậy, còn thực tế chưa có trường hợp nào ăn hành và đậu phụ bị sỏi thận được công bố. Bởi với hành số lượng ăn cũng hạn chế, chủ yếu làm gia vị nên để gây tác dụng phụ, tạo thành sỏi khi kết hợp với đậu thì phải dùng nhiều và liên tục trong thời gian dài”, ông Sáng cho hay.
Ngoài hành lá, lương y Đắc Sáng cũng khuyến cáo không nên kết hợp đậu phụ và mật ong, bởi hai thực phẩm này ăn cùng với nhau dễ gây rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.
Đối với đậu phụ, ông Sáng cho biết đây thực phẩm tốt, chứa nhiều canxi, có lợi cho xương và da. Trong đông y, món ăn này có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
Đậu phụ sử dụng một mình đã tốt, nếu biết kết hợp với một số thực phẩm khác không chỉ tạo thành món ăn ngon, mà còn là vị thuốc rất có giá trị. Theo tư vấn của lương y Đắc Sáng, đậu phụ kết hợp với chuối xanh và ốc sẽ trở thành bài thuốc có tác dụng hòa vị, kiện tỳ, tiêu thực, đạo trệ, kích thích tiêu hóa, bồi bổ cơ thể.
Ốc chuối đậu không chỉ là món ăn, đây còn là bài thuốc trị bệnh. (Ảnh minh họa)
Ngoài ốc, chuối và đậu khi nấu cần có thêm một số các vị thuốc khác như:
- Lá lốt: Có tác dụng làm tan hơi lạnh, ôn hóa hàn thấp (chất lạnh nhớt của ốc).
- Tía tô: Hạ khí, tiêu đờm trệ (chất nhớt của ốc), trừ tanh hôi, giải độc, dị ứng ốc cua cá (vô tình gặp phải ốc bị nhiễm độc chết).
- Gừng tươi: Vị cay, tính ấm, nhập phế, tỳ, vị có tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hoá.
Còn xét về mặt khoa học hiện đại, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, đậu phụ lành tính ai cũng có thể sử dụng được. Đây còn là nguồn cung cấp các chất đạm và vitamin rất tốt. Trẻ con có thể ăn mỗi ngày, thậm chí 1-2 bìa/ngày. Tất nhiên trẻ không thể ăn với số lượng lớn liên tục như vậy nên phụ huynh cần phải cân đối cho hợp lý.
Ngoài ra, có không ít thông tin cho rằng ăn đậu phụ hoặc các sản phẩm từ đậu nành khiến quý ông yếu sinh lý, trẻ dậy thì sớm… TS Trọng Hưng cho rằng, đây là thông tin không chính xác, dù trong đậu nành có chất daidzein và genistein kích thích nội tiết tố nữ estrogen nhưng đây là dạng hormone thực vật, khó có thể làm bé gái dậy thì sớm. Ngay cả nam giới sử dụng vẫn không bị “nữ hóa” hay yếu sinh lý như nhiều người lầm tưởng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn