Người Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có nghề sản xuất thổ cẩm truyền thống khá lâu đời, độc đáo về họa tiết hoa văn. Kể từ khi du lịch phát triển mạnh, ngành hàng sản xuất thổ cẩm của người Mông nơi đây được phụ nữ đẩy mạnh.
Chị Lý Thị Ninh, Trưởng một nhóm thêu thổ cẩm ở xã Chế Cu Nha, cho biết: “Phụ nữ người Mông ở đây ai cũng làm thổ cẩm, lúc rảnh rỗi chị em lại thêu thùa hoa văn, làm khăn, làm túi để có thêm thu nhập. Có người già không bận việc ruộng nương thì ở nhà làm thổ cẩm suốt. Làm xong thì bán cho khách du lịch, hoặc là bán ở chợ huyện”.
Việc chưa chủ động kết nối tiêu thụ hàng thổ cẩm rộng rãi ra các thị trường bên ngoài, khiến nhiều chị em rơi vào tình cảnh khó khăn, nhất là thiếu nguồn vốn để nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất thổ cẩm.
“Hiện nay, chị em đều tham gia làm hàng lưu niệm, đặc biệt là vào thời điểm nông nhàn thì số sản phẩm làm ra càng nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu ít khách thì hàng làm ra có khi để mấy tháng không bán được, không có tiền mua nguyên liệu. Mặt khác, cũng do chị em chưa kết nối bán sản phẩm ra thị trường bên ngoài, chỉ tập trung bán tại địa phương", chị Lý Thị Ninh cho hay.
Một số chị em người Mông ở Mù Cang Chải cũng đã có những mối kết nối với các cơ sở tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm, hoặc sản xuất theo mẫu đặt hàng, tuy nhiên vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy hết được các tiềm năng sẵn có trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi Hội trưởng chi Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Yên Bái, cho biết: "Với phụ nữ người Mông ở Mù Cang Chải, việc sản xuất hàng thổ cẩm như một ngành nghề để tạo ra nguồn thu nhập quan trọng trong gia đình. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay hàng hóa sản xuất và được bán ở các điểm tuyến du lịch trên địa bàn huyện, giúp chị em có thêm nguồn thu bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng/người. Một số gia đình có kết nối nhận hàng gia công cho các cửa hàng thổ cẩm ở Lào Cai, có thể có thu nhập cao hơn, tuy nhiên số hộ gia đình nhận đơn gia công chưa nhiều.
Chị Giàng Thị Chá, chủ một cửa hàng thổ cẩm ở Si Ma Cai, Lào Cai, nhận xét: “Hàng thổ cẩm của người Mông ở Mù Cang Chải rất đẹp về mẫu mã và có chất lượng tốt. Thế nhưng chị em vẫn chủ yếu bán theo kiểu truyền thống, nghĩa là có khách du lịch đến thì bán, không bán qua kênh online hoặc bán buôn tới các cửa hàng ở các tỉnh thành khác nên lượng hàng tiêu thụ không ổn định”.
Thời gian qua, các cơ quan đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là Hội LHPN huyện Mù Cang Chải đã rất tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức để thúc đẩy chị em chủ động làm quen với các nền tảng thương mại điện tử và kết nối với các thị trường phi truyền thống ở các tỉnh thành khác, nhằm quảng bá và đưa sản phẩm thổ cẩm của người Mông Mù Cang Chải đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi.
Bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: “Trước những khó khăn mà phụ nữ người Mông gặp phải trong việc tiêu thụ sản phẩm ngành hàng thổ cẩm, Hội LHPN huyện cũng chủ động quảng bá tìm đầu ra sản phẩm giúp chị em, đồng thời tuyên truyền thúc đẩy chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, để hội nhập với thị trường, tìm hướng ra cho sản phẩm một cách ổn định và bền vững. Cụ thể là việc đem sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ người Mông đi quảng bá ở các hội chợ, các chương trình giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017- 2025”. Đông thời kết nối với kết nối với Craft Link (Hà Nội), đơn vị chuyên tiêu thụ các sản phẩm thủ công của bà con ra thị trường nước ngoài, để lên các phương án hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm cho chị em”.
"Cho đến nay, chúng tôi vẫn luôn xác định việc sản xuất hàng thổ cẩm vẫn là một trong những ngành nghề phát triển kinh tế của phụ nữ người Mông, bởi vốn sản xuất ít, chị em có thể làm bất cứ khi nào, bất cứ đâu. Chỉ cần có kênh tiêu thụ ổn định, sẽ tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế bền vững cho chị em", bà Mỷ nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn