Vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) vào lúc 10h02 sáng ngày 9/9, đã khiến 8 người mất tích, 3 người bị thương, 10 phương tiện bị rơi xuống sông. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường, dựng rào chắn barie để tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn.
Người nhà tài xế xe đầu kéo đỏ mắt, nóng ruột đợi tin
Người nhà các nạn nhân mất tích cũng sớm có mặt ở hiện trường, họ táo tác tỏa ra 2 đầu cầu Phong Châu chờ tin người thân. Ở phía đầu cầu Phong Châu thuộc địa phận xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao), anh Hà Mạnh Trường, anh họ của nạn nhân Hà Quốc C. (SN 1986, tài xế lái xe đầu kéo 19H-024.19), cùng người nhà ngồi thất thần trên nền bê tông của Cửa hàng Xăng dầu Hợp Hải đợi tin.
Đôi tay phong sương, anh Trường vội quẹt lên mặt lau vội giọt nước mắt đang chảy, đôi mắt đỏ khoe kể với phóng viên. Vào khoảng 10 giờ sáng nay, anh đang ở nhà thì nghe người quen gọi điện thông báo cầu Phong Châu bị sập. Đã đi qua cây cầu lịch sử này bao lần, hơn ai hết, anh Trường hiểu rõ độ vững chắc của nó nên không thể nào tin cầu bị sập được, đây có thể là một loại tin giả.
Vừa xong cuộc gọi, điện thoại của anh Trường kêu "ting, ting, ting", liên tiếp nhiều thông tin về vụ cầu Phong Châu bị sập đăng tải trên Facebook. Lo lắng cho người em trai, sáng nay có lộ trình di chuyển từ huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) qua cầu sang huyện Lâm Thao, anh Trường gọi điện thoại nhưng mãi chỉ thấy tiếng chuông.
Một lúc sau gác máy, anh Trường tình cờ xem được đoạn clip ghi lại thời điểm cầu bị sập. Tua đi tua lại nhiều lần, nhìn kỹ chiếc xe đầu kéo, biển số 19H-024.19, anh Trường mới thất thần nhận ra đó là chiếc xe do người em trai điều khiển. Ngay sau đó, cả gia đình hơn chục người, mỗi người táo tác một nơi, trực chốt ở mỗi đầu cầu, ngã rẽ để ngóng tin người thân.
Gần 11 giờ kém, anh Trường và anh ruột của nạn nhân đã có sớm có mặt ở đầu cầu Phong Châu phía huyện Lâm Thao. Lúc đầu, lực lượng chức năng không cho vào. Sau khi trình báo, cả hai được cho vào nhưng chỉ được phép chờ ở khu vực phía ngoài, chỗ trạm xăng dầu. Do nước lũ chảy xiết, công tác cứu hộ cứu nạn gặp vô vàn khó khăn, nên đến 5 giờ chiều, cả hai vẫn chưa nhận được một chút tin tức gì về người thân.
"Bây giờ, gia đình tôi chỉ mong sớm trục vớt được phương tiện để xem còn thi thể của em trai tôi trong đấy không, hay lại bị nước cuốn trôi mất rồi. Chúng tôi chỉ muốn nhìn thấy em trai tôi thôi, C. ơi!", anh Trường bật khóc.
Ở phía đầu cầu bên kia (huyện Tam Nông), tập trung số đông gia đình các nạn nhân. Đến gần 6 giờ chiều, sau nhiều lần vận động, lực lượng chức năng mãi mới thuyết phục được mọi người ra về. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cố gắng nán lại ở quán nước gần địa điểm sập cầu, không nỡ ra về.
2 vợ chồng chờ đợi tin tức người con gái - nạn nhân N.T.L (SN 2005, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông). Con gái của anh chị sáng nay có việc phải qua cầu, cho đến giây phút này, cả hai vợ chồng cũng không ngờ cớ sự lại diễn biến như vậy. Quá bất ngờ, quá đau xót, người cha không còn giữ được bình tĩnh để chia sẻ với phóng viên.
Tranh thủ sạc điện thoại, để kịp thời cập nhật tình hình cho người thân ở nhà, người cha khi thoảng lại tiến ra phía đường cái lộ, hướng đôi mắt nhìn vào phía rào chắn barie, nhìn về phía lực lượng chức năng để chờ đợi tin tức con gái mình. Nhiều lần, người cha chắp tay, đôi mắt nhắm lại khẩn cầu trời Phật nhưng đáp lại chỉ là tiếng dội ầm ầm của dòng nước lũ.
Một nhà 3 người thoát chết trong gang tấc
Gia đình ông Hà Mạnh Chính (trú tại Khu 8, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) có lẽ là trường hợp may mắn hiếm hoi. Cả nhà 3 người gồm: ông Chính, con rể, con dâu đều đi qua cầu Phong Châu an toàn, trước thời điểm cầu bị sập chỉ tính khoảng chục giây.
Nhà ông Chính cách địa điểm cầu sập khoảng 2 cây số, ông vẫn thường đưa đón con gái qua cầu. Sáng hôm nay, ông Chính có việc phải lên thị trấn Hưng Hóa (huyện Tam Nông), đến cầu vào khoảng 10 giờ sáng. Lúc đó, trên cầu có các phương tiện, đằng sau ông Chính có 2 chiếc xe đầu kéo nháy đèn, xin vượt.
Do lòng cầu hẹp, phía chiều đường đối diện còn có các phương tiện đang lưu thông, ông Chính phải di chuyển chậm. Đến khi sang cầu an toàn, ông cũng không kịp chú ý phía sau xảy ra sự việc gì.
"Về đến nhà, tôi coi lại đoạn cam hành trình chia sẻ khoảnh khắc thời điểm cầu sập, giờ cầu sập là 10h02 phút. Tôi về đến nhà là 10h06 phút, có nghĩa là tôi vừa qua cầu không lâu thì cầu sập", ông Chính kể lại.
Cũng trong thời điểm đấy, con rể ông Chính là anh Ngô Tuấn Hùng (SN 1974) và con gái Bùi Thị Ánh Nga (SN 1984) đang từ bên này cầu (huyện Lâm Thao) sang bên kia cầu làm việc. Khi vừa qua cầu được 200m, thuộc địa phận huyện Tam Nông thì cả hai nghe thấy tiếng cầu sập, một số người bị thương, có người bị rơi xuống sông, nước cuốn trôi mất tích.
Như nhiều người dân khác sinh sống quanh địa phận cây cầu, ông Chính cũng có mặt ở hiện trường từ sớm để nghe ngóng tình hình, tin tức các nạn nhân. Song, trước dòng nước chảy xiết, số phận con người thì nhỏ nhoi, mọi thứ đều bặt vô âm tín.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn