Thông báo số 447/QLDTNH ngày 3/5/2024 do Phó cục trưởng Cục quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước Trịnh Thị Hồng Lê ký cho biết: Căn cứ quy trình về mua, bán vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo hủy thầu do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Trước đó, ngày 2/5/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo đấu thầu vàng miếng. Theo đó, khối lượng vàng đưa ra đấu thầu đợt này là 16.800 lượng vàng miếng SJC, tương đương 638 kg, bằng khối lượng các phiên gọi thầu trước đây.
Phiên đấu thầu vàng sẽ diễn ra lúc 9h sáng 3/5 tại Cục Quản lý Dự trữ Ngoại hối Nhà nước.
Tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng; khối lượng tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.
Đây là lần thứ 4 nhà điều hành gọi đấu thầu vàng miếng trong năm nay vào các ngày 22/4, 23/4, 25/4 và 3/5. Tuy nhiên trong 4 phiên gọi thầu thì 3 phiên Ngân hàng Nhà nước phải hủy đấu thầu vàng do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. Phiên đấu thầu vàng miếng thành công là phiên diễn ra ngày 23/4 với kết quả là 2 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng); giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.
Việc đấu thầu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia, kết quả đấu thầu vàng chưa đạt được kỳ vọng bởi giá sàn còn quá cao, chưa đủ hấp dẫn để các tổ chức xuống tiền. Ngoài ra, đây là giải pháp mang tính ngắn hạn. Về dài hạn, cần có thêm nhiều giải pháp khác mới có thể "hạ nhiệt" và ổn định thị trường vàng.
Hiện giá vàng trong nước đang duy trì ở ngưỡng cao. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, khả năng trong thời điểm tới giá vàng còn ở ngưỡng cao như hiện nay nếu khi nguồn cung tại thị trường vẫn khan hiếm. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân khuyến cáo, trước bối cảnh này, nhà đầu tư không nên mua thêm vàng khi thị trường có nhiều dấu hiệu rủi ro, như: Mức giá quá cao; chênh lệch chiều mua - bán và chênh lệch với giá vàng thế giới lớn; rủi ro từ chính sách. Thay vào đó, với số tiền nhàn rỗi, có thể tham khảo các kênh khác đang có nhiều tiềm năng hồi phục, gồm: Bất động sản, chứng khoán...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn