Hỏi: Con trai tôi là lái xe khách đường dài. Vừa qua, trên đường đi từ miền Nam ra, không may cháu gây tai nạn chết người. Lúc đó, có nhiều người dân địa phương kéo đến nên cháu sợ quá đã bỏ trốn, rồi mấy ngày sau đến cơ quan CA đầu thú. Xin Báo PNVN cho pháp luật quy định xử lý thế nào với trường hợp tự thú, đầu thú?
Nguyễn Thị Bích (Thanh Hoá)
Trả lời: Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt giữa tự thú và đầu thú. Theo quy định của pháp luật hiện hàng, Tự thú là tự nhận tội và khai ra hành vi phạm tội trong khi chưa ai phát hiện được người phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện thì cũng được coi là tự thú.
Còn Đầu thú là có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội, biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện. Khi đầu thú thì chỉ được áp dụng khoản 2, Điều 46, Bộ luật Hình sự để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Theo cách hiểu trên thì nếu người gây tai nạn mà chưa bị ai phát hiện nhưng sau đó, vì nhận thấy tội lỗi của mình đã đến cơ quan công an để nhận tội và khai ra vi phạm của mình. Trong trường hợp này, người lái xe bị đưa ra xét xử về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Khi đó, hành vi đến cơ quan công an để nhận tội sẽ được xem là tự thú nên có thể sẽ được hưởng tình giết giảm nhẹ theo quy định tại Điểm 0, khoản 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự đó là: “Người phạm tội tự thú”.
Theo hướng dẫn trong công văn của Tòa án Tối cao và cách áp dụng linh hoạt của một số tòa án địa phương hiện nay thì tình tiết “đầu thú” được xếp vào nhóm “tình tiết giảm nhẹ” theo quy định tại khoản 2, Điều 46 là “Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.