Hôm nay, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7.
Trong 3 thập kỷ qua, thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ năm 2000 đến năm 2020, tỷ số tử vong mẹ trên toàn cầu đã giảm 34%.
Số lượng phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2021. Tỷ lệ sinh con ở nhóm vị thành niên trong độ tuổi 15 đến 19 tuổi đã giảm khoảng một phần ba kể từ năm 2000. Đã có 162 quốc gia thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình, một con số đáng khích lệ trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa được hưởng lợi từ các thành quả phát triển. Tỷ lệ tử vong mẹ đang là một thách thức mang tính toàn cầu.
Từ năm 2016 đến năm 2023, ước tính mỗi ngày có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh trong khi mang thai và sinh con, tương đương với khoảng hơn 290 ngàn phụ nữ tử vong mỗi năm.
Tại các nước đang phát triển, bình quân có khoảng gần 1/3 số phụ nữ sinh con ở tuổi vị thành niên. Ước tính mỗi năm có khoảng 21 triệu ca mang thai ở tuổi vị thành niên và một nửa số đó là có thai ngoài ý muốn. Khoảng 5,7 triệu ca mang thai ở tuổi vị thành niên đã phá thai, hầu hết là phá thai không an toàn.
Tỷ số tử vong mẹ đã giảm 61% kể từ năm 2000, đây là mức giảm đáng kể nhất trên thế giới. Ngày càng có nhiều trẻ em sinh ra có sự trợ giúp của cán bộ y tế có kỹ năng.
Số lượng thanh thiếu niên sinh con đã giảm gần một nửa kể từ năm 2000. Đã có 32/36 quốc gia trong khu vực thực hiện ít nhất một lần điều tra về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Tỷ lệ người dân chưa được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình đã giảm từ 24% xuống còn 19%.
Tuy nhiên, hàng triệu người trong khu vực này vẫn còn bị bỏ lại phía sau. Mức giảm tử vong mẹ đã chững lại kể từ năm 2015. Khắp Châu Á và Thái Bình Dương, ước tính mỗi giờ vẫn có hơn 6 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được liên quan đến mang thai và sinh con.
Bình quân cứ 4 thanh niên chưa kết hôn có quan hệ tình dục thì chỉ có gần 1 người sử dụng biện pháp tránh thai. Tình trạng tảo hôn tiếp tục phổ biến ở một số nước. Trung bình, một nửa số phụ nữ ở Quần đảo Thái Bình Dương bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi bạn tình ít nhất một lần trong đời.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về thực trạng kinh tế - xã hội giữa các vùng cũng như các nhóm dân cư. Chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới.
Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh. Tỷ suất tử vong mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây. Từ năm 1993, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020.
Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc bảo đảm tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Từ năm 1993, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 41,3% lên 70,1% năm 2022.
Bên cạnh đó, các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai và từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từng bước được củng cố và phát triển.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được Việt Nam khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống 1,14% giai đoạn 2009-2019. Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2,0 - 2,1 con/phụ nữ trong suốt thời gian qua.
Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực theo hướng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023. Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ 2007 với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và cần được tiếp tục đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, nâng cao năng suất lao động, hướng tới phát triển bền vững.
Phân bố dân số đã có hợp lý hơn, gắn với đô thị hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 38,1% năm 2023.
Công tác truyền thông, giáo dục dân số được triển khai sâu rộng, lan tỏa đến từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Hình thức, sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với từng nhóm lứa tuổi và từng nhóm dân số.
Phát biểu tại Lễ Mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, duy trì xung quanh mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay và đã góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, nhất là vùng khó khăn có mức sinh cao.
Những thành tựu mà công tác dân số đạt được tác động to lớn và tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao bình đẳng giới, tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường;
Cải thiện chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của từng người dân, từng gia đình, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước đây và tiến tới thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs).
Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ dân số 0-14 tuổi giảm mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp.
Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới tính. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục. Tỷ lệ mang thai ở người chưa thành niên còn cao, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên...
"Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Chiến lược Dân số Việt Nam cũng như mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn