Đầu tư hệ thống điện mặt trời: 4 năm thu hồi vốn, còn lời 21 năm sử dụng

06:30 | 13/03/2019;
Với khoản đầu tư 40 triệu đồng, mỗi ngày các tấm pin năng lượng mặt trời có thể sản xuất ra 10kwh. Theo tính toán, trong 5 năm người dân có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của tấm pin mặt trời lên đến 25 năm. Nếu thừa điện, người dân có thể bán lại cho Điện lực Việt Nam thông qua đồng hồ hai chiều.

Nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2019, chiều ngày 12/3 Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Sơn Hà tổ chức tọa đàm “Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai”.

Theo Bộ Công thương, hiện nay các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt và gây ra những hệ lụy về biến đổi khí hậu. Đây là hậu quả tất yếu của việc khai thác quá mức các nguồn năng lượng hóa thạch mà quên đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.

_mg_1222.JPG
Khách mời trao đổi về giải pháp phát triển năng lượng xanh tại buổi tọa đàm

 Hiện nay, chiến lược phát triển năng lượng Xanh là giải pháp để các quốc gia vượt qua thách thức nghiêm trọng của việc tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng của các quốc gia.

Theo đánh giá, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển năng lượng xanh. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mặt trời khoảng 340.000 MW.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, khung pháp lý để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được Việt Nam từng bước hoàn thiện. Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Sử dụng năng lương tiết kiệm hiệu quả, có hiệu lực từ năm 2011. Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã từng bước kiện toàn khung pháp lý liên quan. Bộ cũng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng. Những cơ sở này đều phải thực hiện trách nhiệm của mình, có hệ thống quản lý năng lượng, cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng. Hàng năm, các cơ sở này đều phải báo cáo thực trạng, kế hoạch cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng với Sở Công Thương địa phương.

0000110732phu101505489466959_ujam.jpg
Khách hàng lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời

 “Toàn quốc hiện có 2.497 cơ sở trọng điểm sử dụng năng lượng trên toàn quốc (tiêu thụ trên 6 triệu Kwh). Từ năm 2014, Bộ đã bắt đầu xây dựng thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trên một sản phẩm, điển hình như ngành bia, giấy, nhựa, thuỷ hải sản. Năm 2018 và cả năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tập trung kiểm tra, giám sát thanh tra việc thực hiện các thông tư về định mức sử dụng năng lượng”, ông Vũ nói.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà, Đại sứ Giờ Trái Đất 2019 cho biết, năng lượng xanh được các nước tiên tiến đặc biệt chú trọng phát triển. Ví như tại Nhật Bản, người dân tận dụng tối đa mái nhà để lắp tấm pin năng lượng mặt trời dù bức xạ thấp hơn Việt Nam nhưng Chính phủ vẫn ủng hộ. Tại Việt Nam sản phẩm pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà đang dần được triển khai, ứng dụng vào thực tế. “Với khoản đầu tư 10 triệu đồng/tấm pin, một hộ sẽ cần lắp 4 tấm, tương đương 40 triệu đồng. Mỗi ngày một tấm pin năng lượng có thể sản xuất ra hơn 2kw, thì 4 tấm là khoảng 10kwh điện. Theo tính toán, trong 5 năm người dân có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của tấm pin mặt trời lên đến 25 năm”, ông Sơn chia sẻ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung Tâm Phát triển Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng, chiến lược của Việt Nam là phải phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phát triển ở mức độ nào phải đi theo từng bước. Theo đó, bước đầu là chuẩn bị, rồi lấy đà và cuối cùng là cất cánh. Việt Nam đang ở giai đoạn lấy đà, còn cất cánh sớm hay muộn phụ thuộc nhiều yếu tố như cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, tiềm năng thực tế của Việt Nam phải tốt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn