Đau tức ngực khi ho khi nào thì nguy hiểm?

10:44 | 23/10/2023;
Ho bị đau ngực là một triệu chứng bệnh lý hoặc biến chứng sức khoẻ tiềm ẩn nào khác từ viêm phổi tới ung thư phổi,...

Thời điểm giao mùa, nhiều người dễ bị cảm lạnh thông thường, kích ứng họng hoặc dị ứng - gây ho. Tuy nhiên tình trạng đau ngực khi ho có thể do những tình trạng ảnh hưởng tới phổi như viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí là ung thư phổi rất dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Nguyên nhân gây đau ngực khi ho

Ngoài các tình trạng liên quan đến tim, ho kèm đau ngực có thể được kích hoạt bởi bất kỳ cơ quan hoặc mô nào trong ngực, bao gồm phổi, thực quản, cơ, gân, xương sườn và dây thần kinh,.. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất khiến một người bị đau ngực khi ho.

Việc phân loại nguyên nhân cần chăm sóc y tế khẩn cấp và không khẩn cấp chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn có bất cứ triệu chứng sức khỏe bất thường khi ho đều nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt khi các triệu chứng như đau ngực khi ho không thuyên giảm và có xu hướng nghiêm trọng hơn gây khó thở, choáng váng, buồn nôn và nôn, ho lẫn máu,...

1. Nguyên nhân nghiêm trọng, nguy hiểm cần chăm sóc y tế khẩn cấp

1.1. Suy tim

Suy tim là tình trạng tim không bơm máu tốt như bình thường khiến các hoạt động thường ngày trở nên khó khăn và mệt mỏi hơn, kèm theo khó thở. Trong đó suy tim sung huyết là một tình trạng cần chăm sóc y tế ngay lập tức. Suy tim sung huyết xảy ra khiến máu tích tụ trong phổi, bụng, bàn chân hoặc cánh tay.

Ngoài đau ngực khi ho thì các triệu chứng khác của suy tim sung huyết bao gồm: ho dai dẳng, ho kèm theo chất nhầy màu hồng hoặc đỏ, da hơi xanh hoặc tím ở môi hoặc ngón tay, thở khò khè.

Đau tức ngực khi ho khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 2.

Suy tim xung huyết là tình trạng sức khỏe cần chăm sóc y tế khẩn cấp (Ảnh: Internet)

1.2. Đau tim

Cơn đau tim, hay nhồi máu cơ tim (MI), xảy ra khi lưu lượng máu mang oxy đến cơ tim của bạn bị giảm hoặc ngừng nghiêm trọng. Điều này có thể xảy ra do sự tích tụ mảng bám khiến động mạch vành bị thu hẹp.

Cơn đau tim xảy ra đột ngột và dữ dội. Các triệu chứng của cơn đau tim có thể bao gồm: khó chịu ở ngực, hụt hơi, buồn nôn hoặc chóng mặt.

1.3. Hội chứng động mạch chủ cấp (AAS)

Là một thuật ngữ mô tả các tình trạng khẩn cấp, bao gồm bóc tách động mạch chủ (Aortic dissection-AD), máu tụ trong thành động mạch (Intramural hematoma-IMH), loét động mạch chủ xuyên thấu (Penetrating aortic ulcer-PAU) và là một tình trạng cấp cứu cả nội và ngoại khoa.

Khi tình trạng này xảy ra, máu rò rỉ qua vết rách khiến lớp bên trong và lớp giữa của động mạch chủ bị bóc tách nhau. Máu chảy giữa các lớp mô, ngăn chặn hoặc làm chậm dòng chảy đến các bộ phận khác của cơ thể.

Các triệu chứng của hội chứng bóc tách động mạch chủ cấp tính bao gồm: cơn đau ngực khởi phát với cảm giác "rách", "xé toạc"; mất khả năng nói; tê liệt, khó thở.

1.4. Viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim và chèn ép tim cấp tính

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm kích thích của màng ngoài tim (màng mỏng bao quanh tim). Nguyên nhân thường gặp bao gồm nhiễm trùng, chấn thương ngực, đau tim hoặc rối loạn hệ miễn dịch.

Đau tức ngực khi ho khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 3.

Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực khi ho (Ảnh: Internet)

Bệnh có thể gây ra tràn dịch màng ngoài tim khiến tim bị chèn ép cấp tính - cản trở khả năng bơm máu của tim.

Triệu chứng của viêm màng ngoài tim là sốt và ớn lạnh kèm theo cơn đau ngực dữ dội, căng cứng hoặc đau nhói do màng ngoài tim bị sưng tấy và ma sát với tim; sưng chân hoặc bàn chân; khó thở khi nằm,..

1.5. Thuyên tắc phổi

Đau ngực khi ho xảy ra do thuyên tắc phổi thường kèm theo chất nhầy lẫn máu, cơn khó thở đột ngột và tim đập nhanh.

1.6. Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi là tình trạng phổi bị xẹp. Triệu chứng của tràn khí màng phổi thường xảy ra ngay lập tức và gây ra cơn đau ngực hoặc đau vai nghiêm trọng nếu khi thở sâu hoặc ho; thở hụt hơi và mũi phập phồng do khó thở.

1.7. Ung thư phổi

Ung thư phổi có thể gây đau ngực khi ho kéo dài cùng các triệu chứng khác bao gồm giảm cân bất thường, mệt mỏi, thở hụt hơi, khàn tiếng, ăn mất ngon, cảm thấy mất sức, yếu.

2. Nguyên nhân không khẩn cấp gây đau ngực khi ho

Các tình trạng không khẩn cấp sau đây có thể gây đau ngực khi ho. Trong một số trường hợp, cơn ho dai dẳng do kích ứng đường hô hấp có thể ảnh hưởng đến cơ ngực của bạn.

2.1. Viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp tính khiến phế quản bị sưng và có dịch nhầy do viêm. Triệu chứng viêm phế quản cấp bao gồm ho khan hoặc ho có đờm; đau ngực, đau đầu nhẹ và/hoặc kèm thèm đau nhức cơ thể.

2.2. Cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh thông thường là tình trạng nhiễm trùng nhẹ ở đường hô hấp (gồm mũi và cổ họng). Bệnh thường do các loại virus rhovirus gây ra, nhưng có hơn 200 loại virus khác nhau có thể gây cảm lạnh thông thường.

Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường có thể bắt đầu sau vài ngày khi bạn tiếp xúc với nguồn bệnh và kéo dài tới hai tuần, bao gồm: nghẹt mũi, ho kéo dài và tức ngực tới vài tuần hoặc hơn có kèm theo chất nhầy màu trong hoặc vàng, xanh.

Đau tức ngực khi ho khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 4.

Cảm lạnh thông thường là tình trạng nhiễm trùng nhẹ ở đường hô hấp (gồm mũi và cổ họng) (Ảnh: Internet)

2.2. Viêm phổi

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi do virus, vi khuẩn, nấm hoặc các chất khác xâm nhập vào phổi của bạn. Bệnh viêm phổi có thể gây ra những biến chứng ở người có hệ miễn dịch yếu hoặc không có can thiệp kịp thời.

Tùy vào cách mà cơ thể phản ứng với tác nhân gây viêm phổi mà các triệu chứng viêm phổi có thể khác nhau ở mỗi người. Nhưng nhìn chung, nếu bị viêm phổi bạn có thể bị ho khó thở; ho có đờm màu xanh, vàng hoặc lẫn máu; sốt; đổ mồ hôi và ớn lạnh.

2.3. Đau cơ liên sườn do căng cơ

Cơ liên sườn là các nhóm cơ nằm giữa xương sườn nhằm gắn các xương này lại với nhau và giữ các xương sườn ở đúng vị trí. Căng cơ liên sườn xảy ra do chấn thương vận động mạnh hoặc không đúng tư thế. Đôi khi căng cơ liên sườn cũng có thể gặp khi bạn ho hoặc hắt hơi mạnh do bị bệnh chẳng hạn như cảm lạnh hoặc viêm phế quản.

Triệu chứng đau cơ liên sườn do căng cơ gồm đau nhói nhức nhối, cơn đau không dự báo trước được nhưng những hành động lặp đi lặp lại hoặc một số chuyển động nhất định có thể khiến cơn đau bùng phát, khi chạm vào vùng đau sẽ có cảm giác mềm hơn vùng khác.

2.4. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là khi axit dạ dày, thức ăn hoặc các chất khác trong dạ dày thường xuyên trào ngược từ dạ dày vào thực quản. Khi axit đến thực quản, nó có thể gây ra cảm giác nóng rát hoặc cảm giác như ngực bạn bị bỏng khi ho. Triệu chứng phổ biến nhất của GERD là ợ nóng (cơn đau rát sau ngực có thể di chuyển lên cổ, thường là sau khi bạn ăn).

2.5. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm viêm phế quản và khí phế thũng. Bệnh gây sưng viêm và tắc nghẽn đường thở. Đây là bệnh tiến triển - có nghĩa là bệnh sẽ nặng hơn theo thời gian.

Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là đau ngực và ho. Ngoài ra bệnh còn gây thở hụt hơi, khó thở, thở khò khè,...

Đau tức ngực khi ho khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 5.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm viêm phế quản và khí phế thũng (Ảnh: Internet)

2.6. Hen suyễn

Hen suyễn gây viêm và thu hẹp đường hô hấp. Khi cơn suyễn bùng phát, một người có thể cảm thấy khó thở, thở khò khè, tức ngực trong hoặc sau cơn hen.

Mặc dù đau ngực khi ho không phải lúc nào cũng là trường hợp khẩn cấp nhưng không nên bỏ qua cơn đau ngực. Nếu bạn có tiền sử bệnh tim, hen suyễn hoặc bệnh phổi và khi bất kỳ cơn đau ngực mới nào xuất hiện, hãy thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt. Đặc biệt nếu đó là trẻ sơ sinh hoặc người lớn tuổi bị sốt cao, có những thay đổi hành vi đột ngột kèm theo cơn đau ngực khi ho hoặc bắt đầu khó thở, buồn nôn,...

Cách giảm đau ngực khi ho tại nhà

Bạn có thể giảm ho và đau ngực tại nhà nếu các triệu chứng của bạn liên quan tới những nguyên nhân không khẩn cấp. Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra sẽ có điều trị tương ứng. Chẳng hạn, nếu tình trạng ho và đau ngực của bạn có liên quan đến tình trạng như cảm lạnh thông thường, cúm hoặc viêm phế quản cấp tính thì các bệnh nhiễm virus này và các triệu chứng của chúng sẽ không cải thiện khi dùng kháng sinh.

Có thể mất từ 7 - 10 ngày để triệu chứng cải thiện và biến mất.

Mặt khác, nếu nhiễm trùng là do vi khuẩn, kháng sinh là cần thiết để loại bỏ nhiễm trùng. Tuy nhiên bạn không được dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc giảm đau không kê đơn có thể hữu ích trong việc kiểm soát cơn đau và sốt. Bạn có thể tắm nước ấm để thúc đẩy làm loãng đờm hoặc dịch nhầy trong ngực đồng thời tránh các tác nhân có thể gây kích ứng đường thở như khói thuốc lá, khói bụi ô nhiễm,.. đừng quên nghỉ ngơi nhiều hơn khi bị ốm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn