Có nhiều loại đau vùng bụng, dạ dày khác nhau mà một người có thể trải qua, thường bao gồm:
- Đau bụng nhũ nhi (Colicky pain) hay còn gọi cơn colic ở trẻ sơ sinh (2-3 tuần tới 3 tháng tuổi): trẻ khóc nhiều giờ hoặc có thể lâu hơn, bắt đầu vào buổi chiều, tối hoặc ban đêm. Cơn đau xuất hiện đột ngột rồi dừng lại theo từng cơn.
- Đau co thắt (Cramping pain): đau liên quan tới đầy hơi hoặc chướng bụng, cơ bị co lại mạnh và không tự giãn ra được.
- Đau lan tỏa (Generalized pain): toàn bộ hoặc một nửa vùng bụng.
- Đau khu trú (Localized pain): đau tại một vị trí bụng, không lan tỏa tới các khu vực xung quanh.
- Đau xuất chiếu (Referred pain): là khu trú đau không trùng với khu trú của kích thích tại chỗ trong hệ cảm giác. Ví dụ, cơn đau từ viêm túi mật thường cảm nhận ở vai phải hoặc giữa lưng chứ không phải chỉ ở túi mật.
- Đau thể chất (Somatic pain): là một loại đau cảm thụ được mô tả là cơn đau cục bộ, nhói do các quá trình viêm nhiễm gây ra.
- Đau nội tạng (Visceral pain): là một loại đau cảm thụ dược mô tả là đau âm ỉ, buồn nôn, mơ hồ có liên quan tới chướng bụng và co thắt cơ vùng bụng.
Những cơn đau thường xuyên diễn ra do một số bệnh mãn tính ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa hoặc tuyến giáp gây đau dạ dày, đau bụng mãn tính. Dưới đây là một số nguyên nhân bệnh lý có thể khiến một người bị đau vùng bụng, dạ dày thường xuyên, tái đi tái lại nhiều lần.
Mặc dù hiếm gặp nhưng một số bệnh ung thư nhất định, chẳng hạn như ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng có thể khiến bạn bị đau dạ dày và đau bụng. Triệu chứng của ung thư dạ dày hoặc ung thư đại trực tràng có thể bao gồm:
- Đi ngoài ra máu
- Tiêu chảy
- Đau dạ dày hoặc bụng khó chịu thường xuyên
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Viêm túi mật (cholecystitis) là khi túi mật dày cứng lại hoặc bị viêm khi một viên sạn mật bị nghẽn chặt trong ống dẫn mật.
Viêm túi mật cũng có thể gây ra các triệu chứng dữ dội như đau bụng trên bên phải, phía dưới sườn, có thể lan ra sau lưng hoặc vai phải, buồn nôn và nôn mửa, vàng da/mắt. Cơn đau do viêm túi mật thường không tự hết và thường có kèm với sốt; cơn đau xuất hiện sau khi ăn, đặc biệt là sau bữa ăn có nhiều dầu mỡ.
Viêm túi thừa thường xảy ra khi chất thải, vi khuẩn hoặc các mẫu phân nhỏ từ nhu động ruột bị mắc kẹt trong các túi thừa. Ngoài ra, túi thừa cũng có thể bị viêm do sự tăng lên của vi khuẩn có hại, làm giảm dần lợi khuẩn trong ruột kết.
Triệu chứng viêm túi thừa có thể bao gồm đau bụng dưới. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, viêm túi thừa có thể gây áp xe, chảy máu và vỡ - những triệu chứng này có thể gây ra cơn đau dữ dội và cần phải nhập viện điều trị.
Mặc dù viêm túi thừa thường không gây đau dạ dày nhưng cơn đau có thể bắt đầu từ vùng rốn và di chuyển xuống bụng dưới. Nếu bạn cảm thấy đau bụng nghiêm trọng hoặc có các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn hoặc không ăn được, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Sỏi mật hình thành trong túi mật, một túi nhỏ nằm dưới gan, thải mật ra ngoài khi cần thiết để tiêu hóa chất béo. Sỏi mật cứng, giống như viên sỏi phát triển trong túi mật của bạn, thường được tạo thành từ cholesterol hoặc bilirubin.
Sỏi mật có thể gây sưng tấy và chặn ống dẫn vào ruột, gây đau bụng. Thông thường cơn đau xảy ra ở phía bên phải của vùng bụng trên, đặc biệt là sau khi ăn các thực phẩm giàu chất béo - kích hoạt túi mật co bóp. Một khi túi mật bị viêm thì bất kì cơn co thắt nào như vậy sẽ được khuếch đại và thường gây đau đớn cho người bệnh.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây đau ở vùng bụng trên và dưới xương ức. Việc ăn quá nhiều hoặc ăn thực phẩm không phù hợp có thể khiến các triệu chứng trào ngược thêm nghiêm trọng hơn.
Đau có thể xuất hiện sau khi ăn hoặc khi nằm xuống. Các triệu chứng khác có thể bao gồm ợ nóng, khó nuốt, cảm giác vật gì đó mắc kẹt trong cổ họng, ho khan và viêm họng. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, nên tìm sự tư vấn của bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Một số người phản ứng kém với gluten, một loại protein có trong lúa mì và lúa mạch đen. Bệnh Celiac, một bệnh tự miễn, là một dạng không dung nạp gluten nghiêm trọng.
Không dung nạp gluten và bệnh celiac có thể gây đầy hơi, chướng bụng, đau từ nhẹ đến nặng và mệt mỏi. Ruột non không có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến tiêu chảy mãn tính, sụt cân và suy dinh dưỡng.
Thoát vị bẹn hay hernia là túi phình ở vùng bẹn. Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mềm - thường là một phần của màng tế bào lót các khoang bụng (mạc nối) hoặc một phần của ruột bị trồi ra và chui vào túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi bạn ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng.
Mặc dù có nhiều loại thoát vị bẹn nhưng tất cả các loại đều thường gây đau bụng. Chẳng hạn, thoát vị chéo ngoài thường có cảm giác đau nhức âm ỉ thường xuyên nhưng ngược lại, thoát vị khe hoành có thể gây ợ nóng, khó tiêu, trào ngược, đau bụng trên hoặc đau ngực.
Bệnh viêm ruột (IBD) gây viêm ruột non hoặc ruột già, dẫn đến các triệu chứng đau dạ dày ruột (GI). IBD bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
IBD có thể gây sẹo và tắc nghẽn, có thể gây đau bụng, tiêu chảy và chảy máu trực tràng. Các triệu chứng kéo dài nhưng có thể bùng phát và giảm dần theo chu kỳ. Những người mắc IBD phải theo dõi chặt chẽ tình trạng của mình vì nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) thường bao gồm đau bụng. IBS cũng gây ra những thay đổi trong nhu động ruột, chẳng hạn như tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người và thường thay đổi theo thời gian.
Đau bụng do hội chứng ruột kích thích được mô tả là cảm giác đau âm ỉ, thường tăng lên sau khi ăn và giảm sau khi đại tiện. Đau có thể tập trung ở một khu vực hoặc lan rộng ra khắp vùng bụng.
Hội chứng không dung nạp lactose có thể gây đau vùng bụng và dạ dày từ nhẹ tới nặng với các triệu chứng khác như đầy hơi, tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu. Những triệu chứng này thường xảy ra trong vòng 30 phút đến 2 giờ sau khi tiêu thụ lactose.
Viêm tụy là một tình trạng nghiêm trọng gây đau rát ở vùng bụng trên hoặc giữa. Tuyến tụy là một tuyến lớn phía sau dạ dày có chức năng giải phóng axit tiêu hóa vào ruột của bạn. Viêm tụy xảy ra nếu các enzyme tiêu hóa đó bắt đầu tiêu hóa tuyến tụy.
Cơn đau do viêm tụy thậm chí còn có thể lan tới tận lưng, các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn và nôn mửa.
Một vài vấn đề tại tuyến giáp có thể gây ra các cơn đau vùng bụng. Chẳng hạn như bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) có thể tăng tốc hệ thống tiêu hóa, gây tăng nhu động ruột thường xuyên và đau bụng. Ngược lại, bệnh suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến táo bón và đầy hơi gây co thắt dạ dày.
Ngoài các nguyên nhân gây đau vùng bụng, dạ dày thường xuyên kể trên thì bạn cũng có thể bị đau vì những lý do khác như tắc nghẽn ruột, mang thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng bị vỡ, đau bụng kinh nghiêm trọng, nhiễm trùng đường tiết niệu...
Đau dạ dày đột ngột hoặc dữ dội cũng không quá hiếm gặp, các nguyên nhân phổ biến là do viêm ruột thừa; táo bón; ngộ độc thực phẩm; viêm dạ dày; sỏi thận; tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid; ký sinh trùng như Giardia và Cryptosporidium; bệnh viêm vùng chậu; stress; loét dạ dày tá tràng...
Cơn đau dạ dày đột ngột và dữ dội hay đau kéo dài đều cần phải thăm khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả cơn đau xảy ra khi nào, mức độ đau ra sao, đã từng xảy ra cơn đau nào như vậy trước đây hay chưa, cơn đau kéo dài trong bao lâu, điều gì kích thích cơn đau xảy ra hoặc giúp giảm đau, vị trí cơn đau...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn